Luật Thủ đô tạo khung pháp lý phát triển đường sắt đô thị
Luật Thủ đô năm 2024 với những quy định đặc thù cho thành phố Hà Nội, sẽ góp phần quan trọng trong giải quyết những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thúc đẩy mở rộng mạng lưới đường sắt đô thị.
Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định, hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội có 10 tuyến với hơn 410 km. Ðồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đang trong quá trình hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã bổ sung thêm 5 tuyến đường sắt dài 200 km. Như vậy, mục tiêu đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Hà Nội sẽ có 15 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 617 km.
Tại tờ trình đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành thi công xây dựng 96,8 km; đến năm 2035 hoàn thành 301 km và đến năm 2045 hoàn thành đầu tư xây dựng 196,2 km. Sơ bộ nhu cầu vốn đầu tư khoảng 55,442 tỷ USD, trong đó giai đoạn đến năm 2030 khoảng 16,208 tỷ USD; giai đoạn đến năm 2035 khoảng 20,966 tỷ USD; giai đoạn đến năm 2045 khoảng 18,268 tỷ USD.
Mục tiêu đặt ra là một thách thức rất lớn bởi sau nhiều năm nỗ lực triển khai đầu tư, đến thời điểm này, Hà Nội mới chỉ có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Ðông dài 13km và đoạn trên cao tuyến Nhổn-Ga Hà Nội dài 8,5km hoạt động. Ngay ở hai dự án nêu trên, để có thể đưa vào vận hành thương mại cũng phải mất 15-20 năm triển khai.
Trong khi đó, tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long-Thượng Ðình được chấp thuận đầu tư từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng và còn đang trong giai đoạn xin Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Dương Ðức Tuấn cho biết, công tác đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, đường giao thông theo quy hoạch còn hạn chế do nguồn lực tài chính hạn chế.
Hạn chế về giao thông cũng đã tác động đến tất cả các khu đô thị, từ khu vực nội đô đến khu vực nội đô mở rộng, khu vực đô thị vệ tinh, thị trấn. Do đó, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã tập trung nghiên cứu các vấn đề giao thông.
Trong đó, đặc biệt quan trọng là phát triển đô thị gắn với định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD) nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất, hiệu quả đầu tư, hiệu quả hệ thống giao thông công cộng khối lượng lớn và quản lý việc phát triển dọc các tuyến giao thông chính hiện nay.
Từ đó, hoàn chỉnh kết cấu đồng bộ hạ tầng giao thông đô thị. Quy hoạch cũng nghiên cứu, đánh giá, dự báo các nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của Thủ đô.
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Phi Thường, thực tế triển khai các dự án đường sắt đô thị thời gian qua cho thấy có rất nhiều bất cập như chậm tiến độ, đội vốn. Mặt khác, các tuyến đường sắt đô thị hiện nay, bao gồm cả các tuyến trong quy hoạch và các tuyến đã đưa vào khai thác còn thiếu tính gắn kết với việc cấu trúc lại không gian đô thị, thiếu tính liên thông, kết nối với chính hệ thống giao thông. Việc khó khăn trong việc tiếp cận các nhà ga cũng làm giảm đáng kể hiệu quả khai thác của loại hình giao thông vận tải này.
Nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc sẽ dần được tháo gỡ với những chính sách mang tính đột phá, đặc thù của Luật Thủ đô 2024, tạo ra nhiều thuận lợi cho việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội. Có thể nói, thể chế vượt trội, sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ quy định tại Luật Thủ đô 2024 đã tạo ra “cú huých” để Hà Nội tháo gỡ các vướng mắc, tạo lập khung pháp lý phát triển lĩnh vực giao thông vận tải, nhất là đường sắt đô thị.