Luật Thủ đô (sửa đổi) nâng tầm giáo dục Hà Nội

Theo nhiều chuyên gia, Luật Thủ đô (sửa đổi) góp phần đưa Hà Nội thành trung tâm lớn về giáo dục, đào tạo chất lượng cao.

Luật Thủ đô (sửa đổi) nâng tầm giáo dục Hà Nội. (Ảnh: Minh Hiền)

Luật Thủ đô (sửa đổi) nâng tầm giáo dục Hà Nội. (Ảnh: Minh Hiền)

Nhiều thành quả đáng tự hào

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thủ đô (1954-2024), 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh, những ngày đầu thành lập, toàn ngành có 3 trường mầm non, 96 trường tiểu học, 4 trường phổ thông trung học, chỉ đáp ứng được 20% số trẻ đến trường.

Đến nay, ngành giáo dục Hà Nội có quy mô lớn nhất cả nước với 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp, gần 2,3 triệu học sinh, gần 130.000 giáo viên, trong đó có 342 nhà giáo được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”.

Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia chiếm gần 80% trường công lập của thành phố... Mạng lưới trường, lớp ngày càng được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư, từng bước được chuẩn hóa, hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong thời kỳ mới.

Học sinh Thủ đô luôn đạt thành tích cao, đứng đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Nếu như năm 2008, năm đầu tiên sau hợp nhất, học sinh Hà Nội tham gia các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia mới đạt 88 giải thì đến năm 2024, học sinh thành phố đạt 184 giải (tăng gần 2,1 lần). Từ năm 2008 đến 2024, học sinh Hà Nội đạt gần 2.200 giải thưởng tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và 200 huy chương tại các kỳ thi quốc tế.

Đặc biệt, Hà Nội là một trong 4 tỉnh, thành phố đầu tiên được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp tTHPT chung toàn thành phố đạt 99,81%, nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố đạt kết quả cao nhất…

“Trong 70 năm qua, với sự nỗ lực xây dựng, đổi mới, sáng tạo không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, nhà giáo và cán bộ ngành Giáo dục và Đào tạo; bằng việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả, xứng tầm là trung tâm giáo dục lớn; nơi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô, đất nước”, ông Trần Thế Cương khẳng định.

Trong suốt 70 năm qua, ngành giáo dục Hà Nội đã không ngừng lớn mạnh, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên được tăng cường, đảm bảo chất lượng chuyên môn và năng lực sư phạm. Đặc biệt, việc quản lý, kiểm tra đánh giá không ngừng được đổi mới, kỷ cương được duy trì. Các hoạt động, phong trào thi đua trong các nhà trường diễn ra sôi nổi, thiết thực và hiệu quả.

Những năm qua, TP. Hà Nội luôn xác định đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô trong tương lai.

Ngoài ra, Hà Nội có nguồn nhân lực có chất lượng cao, là trung tâm hội tụ nhân tài của cả nước; nơi tập trung đông đảo đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu của đất nước, với hệ thống các trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học lớn nhất nước. Hà Nội là nơi tập trung nhiều trường đại học, bệnh viện, viện nghiên cứu, các cơ sở văn hóa-nghệ thuật và đội ngũ nhân lực chất lượng cao.

Trong thời đại ngày nay, yêu cầu phát triển Thủ đô cao hơn. Thủ đô phải thành một thành phố kết nối toàn cầu, thành phố "Văn hiến-Văn minh-Hiện đại". Muốn vậy, đòi hỏi phải có nhiều đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, các làm, cách tổ chức, để vừa phát huy được các yếu tố truyền thống, lại vừa hội nhập được với thế giới hiện đại đã rất phát triển.

Hơn thế, Thủ đô Hà Nội phải vươn mình, cạnh tranh với Thủ đô của các nước trên thế giới. Hà Nội phải là biểu tượng của Thành phố văn minh, hiện đại, thực sự phát huy thế mạnh đặc thù và vai trò dẫn dắt sự phát triển quốc gia.

Hà Nội đã có nhiều kết quả đáng tự hào trong lĩnh vực giáo dục. (Ảnh: Minh Hiền)

Hà Nội đã có nhiều kết quả đáng tự hào trong lĩnh vực giáo dục. (Ảnh: Minh Hiền)

Luật Thủ đô 2024 thúc đẩy giáo dục phát triển

Tháng 6/2024, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, tạo cơ chế vững chắc để thành phố tập trung nguồn lực, phát triển toàn diện, trong đó có phát triển giáo dục và đào tạo. Trong đó, Điều 22 đã đưa ra những kế sách phát triển giáo dục và đào tạo Thủ đô. Đó là: “Phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo để Thủ đô là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế".

Luật có nhiều chính sách đặc thù, vượt trội về phát triển giáo dục và đào tạo, văn hóa, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nhân lực chất lượng cao.

Đồng thời, Luật Thủ đô 2024 nhấn mạnh yêu cầu đầu tư, xây dựng hệ thống trường học công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học bảo đảm không gian, cảnh quan sư phạm trong và ngoài nhà trường, đội ngũ giáo viên phục vụ tối đa nhu cầu học tập của học sinh.

Những điểm mới về GD&ĐT trong Điều 22 Luật Thủ đô năm 2024 đã thể hiện rõ ý nghĩa sâu sắc, khẳng định tính kế thừa, sự nhất quán trong quan điểm của Đảng, Nhà nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Đó là, luôn đề cao vai trò, vị trí của GD&ĐT, coi đây là quốc sách hàng đầu nhằm thúc đẩy, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô nhanh, bền vững.

Bày tỏ quan điểm của mình, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, cho rằng Luật Thủ đô năm 2024 với nhiều quy định đặc thù cho phép Hà Nội làm được rất nhiều việc. Ngành Giáo dục cần phải đi trước cả nước, giữ vững vị trí “đầu tàu".

Ngành giáo dục Hà Nội cần tập trung xây dựng trường học với 4 yếu tố: Tự chủ, dân chủ, nhân văn, sáng tạo, trong đó yếu tố tự chủ rất quan trọng. Mỗi nhà trường cần tự chủ để lựa chọn phương pháp giáo dục, xây dựng chương trình giáo dục phù hợp với học sinh và điều kiện giáo dục, giúp học sinh phát huy tối đa năng lực, phẩm chất.

Có thể nói, sự ra đời của Luật Thủ đô mới, sẽ có nhiều cơ chế đặc thù để Hà Nội nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; từng bước xây dựng Thủ đô thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao.

Đồng thời, Luật Thủ đô cũng trao quyền cho TP. Hà Nội chủ động hơn trong cơ chế tài chính, hỗ trợ học phí cho người học trên địa bàn Thành phố không phân biệt trường công lập, dân lập và tư thục cũng như nhiều lĩnh vực khác để bảo đảm "Phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo để Thủ đô là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế".

Theo các chuyên gia, các chính sách của Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố, là cơ sở để các trường đa dạng hóa các loại hình giáo dục. Đồng thời, mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định, trải qua 70 năm phát triển, ngành GD&ĐT Hà Nội đã không ngừng phấn đấu, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, làm tốt sứ mệnh của mình với quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện, phát triển con người, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và đất nước. Ngành GD&ĐT Thủ đô luôn là một trong những đơn vị tiên phong đi đầu, dẫn dắt trong mọi nhiệm vụ của toàn ngành.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Giáo dục Thủ đô luôn đứng trước đòi hỏi cao, yêu cầu cao, chuẩn cao, ở tính mẫu mực, tính tiên phong, ở chất lượng hàng đầu và là tấm gương, là hình mẫu cho giáo dục cả nước. Vì vậy, những gì giáo dục Thủ đô đạt được và ghi nhận trong thời gian qua cần phải tính với cấp số nhân và giá trị gia tăng trong sự ghi nhận, đánh giá. Để có được những kết quả to lớn đó, bên cạnh nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh, phần rất quan trọng là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao, toàn diện của lãnh đạo Thành phố, của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND và cả hệ thống chính trị Thành phố".

Dũng Quỳnh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/luat-thu-do-sua-doi-nang-tam-giao-duc-ha-noi-294657.html
Zalo