Luật sư: Mức án đề nghị cho ông Lê Đức Thọ là quá nghiêm khắc

Người bào chữa cho rằng ông Lê Đức Thọ nhận tiền nhưng không can thiệp trái pháp luật, cũng không yêu cầu, không gợi ý hay ép buộc Giám đốc Xuyên Việt Oil đưa tiền.

Chiều 25.11, phiên tòa xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil) cùng 14 bị cáo khác tiếp tục với phần bào chữa của luật sư cho các bị cáo.

Luật sư: Ông Thọ không yêu cầu đưa tiền

Trong vụ án này, bị cáo Lê Đức Thọ (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) bị cáo buộc nhận hối lộ 13,8 tỉ đồng và lợi dụng chức vụ để trục lợi hơn 22 tỉ đồng. VKS đề nghị mức án từ 28 - 29 năm tù dành cho ông Thọ.

Luật sư bào chữa cho ông Thọ nhận định mức án đề nghị là quá nghiêm khắc, chưa xét đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ. Theo đó, vị luật sư cho rằng ông Thọ nhận tiền nhưng không can thiệp trái pháp luật, cũng như không yêu cầu, gợi ý hay ép buộc bà Hạnh đưa tiền. Luật sư nhấn mạnh hành vi của ông Thọ không trực tiếp dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước.

Cũng trong phần bào chữa, luật sư đề nghị HĐXX xem xét những đóng góp của ông Thọ trong quá trình công tác để giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Lê Đức Thọ tại tòa - Ảnh: PLO

Bị cáo Lê Đức Thọ tại tòa - Ảnh: PLO

Liên quan đến hành vi của bị cáo Lê Đức Thọ, VKS xác định khi Công ty Xuyên Việt Oil vay vốn và xin cấp giới hạn tín dụng, kéo dài thời gian duy trì giới hạn tín dụng, bị cáo Lê Đức Thọ đã hai lần nhận hối lộ, tổng 600.000 USD của bà Hạnh.

Ngoài ra, ông Thọ còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn, gây ảnh hưởng đến người khác, giúp cho Công ty Xuyên Việt Oil được vay vốn thuận lợi.

Theo VKS, hành vi của ông Thọ đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, song ghi nhận cựu Bí thư Bến Tre thành khẩn, ăn năn hối cải, đã khắc phục hơn 20 tỉ đồng, có nhiều đóng góp cho xã hội.

Xin miễn trách nhiệm hình sự tội “Đưa hối lộ” cho Giám đốc Xuyên Việt Oil

Theo cáo trạng, Mai Thị Hồng Hạnh đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm quy định quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) và tiền thuế bảo vệ môi trường, gây thất thoát tài sản nhà nước hơn 1.463 tỉ đồng. Trong đó, thất thoát từ Quỹ BOG là 219 tỉ đồng và từ tiền thuế bảo vệ môi trường là 1.244 tỉ đồng.

Ngoài ra, cơ quan công tố xác định bà Hạnh đã 22 lần đưa hối lộ cho nhiều cán bộ, công chức với tổng số tiền hơn 31,6 tỉ đồng.

Từ đó, đại diện VKS đã đề nghị tuyên phạt bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh 20 năm tù về “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; từ 10 - 12 năm tù về tội “Đưa hối lộ”; tổng hợp hình phạt là 30 năm tù.

Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh - Ảnh: Thanh Niên

Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh - Ảnh: Thanh Niên

Trong phần bào chữa cho bị cáo Hạnh, luật sư cho biết vào năm 2020 tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, giá dầu thô Brent giảm xuống mức thấp kỷ lục, giá bán lẻ xăng dầu trong nước giảm nhưng doanh nghiệp đầu mối như Xuyên Việt Oil chịu lỗ lớn do nhập khẩu ở giá cao hơn giá bán.

Theo luật sư, sang năm 2021, giá dầu thế giới cũng dần hồi phục, ở trong nước, Chính phủ sử dụng Quỹ BOG để giảm áp lực giá nhưng doanh nghiệp đầu mối chịu áp lực tài chính lớn. Các đầu mối xăng dầu như Xuyên Việt Oil phải chịu áp lực lớn hơn nhiều so với các doanh nghiệp khác.

Sang năm 2022, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng mạnh nhờ phục hồi kinh tế và gia tăng hoạt động sản xuất, vận tải. Nhưng trong giai đoạn này, Xuyên Việt Oil chưa kịp gượng dậy.

Về tội “Đưa hối lộ”, luật sư cho rằng bà Hạnh đã tự nguyện khai báo trước khi bị phát hiện, thuộc trường hợp được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, các luật sư khác cũng trình bày tình tiết giảm nhẹ, như bị cáo xuất thân từ gia đình có công với cách mạng và những đóng góp của bị cáo trong quá trình công tác.

Trước đó, đại diện VKS xét thấy hành vi của các bị cáo gây ra hậu quả đặc biệt lớn; trong đó, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh là người chủ mưu, cầm đầu và phải chịu trách nhiệm chính nên cần có hình phạt nghiêm khắc.

Nhật Anh (tổng hợp)

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/luat-su-muc-an-de-nghi-cho-ong-le-duc-tho-la-qua-nghiem-khac-226411.html
Zalo