Luật Nhà giáo: Động lực để thầy cô giáo thêm gắn bó, trách nhiệm và yêu nghề

Hôm nay Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 cũng là thời điểm dự án Luật Nhà giáo chính thức được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Dự án luật đang nhận được rất nhiều kỳ vọng, mong chờ từ đội ngũ nhà giáo trên cả nước.

Là 1 trong 20 nhà giáo được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu tặng giấy khen danh hiệu "Nhà giáo tiêu biểu năm 2024", cô Nguyễn Thị Lan Phương, Trường THCS xã Mường Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu chia sẻ, trong hành trình 15 năm dạy học đã đem lại cho cô nhiều kỷ niệm đáng nhớ, đặc biệt là gieo những con chữ đến các em học sinh ở vùng cao, nơi còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất.

Cô Nguyễn Thị Lan Phương, Trường THCS xã Mường Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu.

Cô Nguyễn Thị Lan Phương, Trường THCS xã Mường Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu.

Cô Phương bộc bạch, Luật Nhà giáo lần này, cô đặc biệt quan tâm về các chính sách như bảo đảm chế độ quyền lợi và điều kiện làm việc của giáo viên, nhất là giáo viên vùng cao, vùng khó khăn. Cô kỳ vọng dự thảo Luật khi được thông qua sẽ là động lực quan trọng để thầy cô giáo gắn bó hơn, trách nhiệm hơn, và yêu nghề hơn.

"Dự thảo luật lần này nhận được sự chú ý rộng rãi, bản thân tôi cho rằng đây sẽ là cơ sở pháp lý rõ ràng, đầy đủ để bảo vệ quyền lợi của giáo viên, cải thiện môi trường làm việc, tạo động lực để giáo viên cống hiến lâu dài. Điều tôi mong muốn và kỳ vọng nhất trong Luật Nhà giáo đó là công bằng về hỗ trợ phù hợp nhất đối với tiền lương, phụ cấp và các chính sách đãi ngộ khác dành cho giáo viên, đặc biệt các giáo viên ở vùng sâu, vùng xa. Việc đảm bảo các quyền lợi thiết yếu không chỉ giúp các giáo viên làm việc ở địa hình khó khăn, thiếu điều kiện về cơ sở vật chất cải thiện được đời sống cá nhân; góp phần giữ được đội ngũ giáo viên ở lại gắn bó với sự nghiệp giáo dục ở vùng sâu vùng xa".

Chia sẻ về sự cần thiết thay đổi Luật Nhà giáo, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho rằng, khi có luật sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc, rõ ràng và toàn diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo. Đồng thời, phát huy quyền tự chủ, sáng tạo trong hoạt động giảng dạy và giáo dục của nhà giáo.

"Trong quá trình soạn thảo dự thảo Luật Nhà giáo, Ban soạn thảo chú ý đến bảo đảm quyền và nghĩa vụ của nhà giáo đi đôi với chính sách ưu tiên. Bên cạnh đó cũng đòi hỏi nhà giáo có những quy định chặt chẽ hơn về nghĩa vụ và đạo đức nhà giáo, sức khỏe nhà giáo... Chúng tôi với tâm huyết những người làm luật và bộ luật dành cho chính đội ngũ của mình, chúng tôi mong muốn những quy định trong luật sẽ mang lại niềm tin tạo môi trường pháp lý thuận lợi để cho nhà giáo hoạt động nghề nghiệp, đặc biệt để họ phát huy việc tự do sáng tạo là yếu tố rất quan trọng".

Nghề giáo giữa muôn nghề, giữa muôn thay đổi, giữa muôn thách thức… vẫn giữ nguyên vẹn giá trị công việc thầm lặng nhưng vô cùng cao quý. Giá trị bền vững ấy, không chỉ được tạo dựng bởi những nhìn nhận từ bên ngoài, mà còn được bồi đắp từ chính bên trong; từ tình yêu nghề, hạnh phúc, niềm tin với nghề của mỗi thầy cô giáo.

Sự quan tâm, động viên kịp thời từ sự hỗ trợ đồng hành, bằng những chính sách bổ sung ban hành và đang tiếp tục được ban hành. Dự thảo Luật Nhà giáo được trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV chính là những ấp ủ, gói gém, mong mỏi từ hàng triệu nhà giáo trong sự nghiệp "trồng người".

Trần Long

Nguồn Chính Phủ: https://media.chinhphu.vn/luat-nha-giao-dong-luc-de-thay-co-giao-them-gan-bo-trach-nhiem-va-yeu-nghe-102241119150807391.htm
Zalo