Luật hóa vấn đề xử lý nợ xấu là xuất phát từ yêu cầu thực tiễn

Đồng tình và cho rằng nên sửa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng trong một kỳ họp, sửa sớm để có hiệu lực sớm, bà Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cũng nhận định, việc ban hành trên cơ sở rút gọn sẽ tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển.

Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín tín dụng đã hết hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2024. Từ đó đến nay, việc thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm gặp nhiều khó khăn.

Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất xây dựng, ban hành luật này theo trình tự và thủ tục rút gọn và có hiệu lực sớm, ngay trong năm 2025.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Trần Hồng Nguyên chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Trần Hồng Nguyên chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Đồng tình và cho rằng nên sửa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng trong một kỳ họp, sửa sớm để có hiệu lực sớm, bà Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cũng nhận định, việc ban hành trên cơ sở rút gọn sẽ tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển, trong đó, ngân hàng chịu trách nhiệm chung trước Chính phủ, trước nhân dân, trước người gửi tiền, để làm sao đưa đồng tiền từ "nợ xấu" vào lưu thông trong nền kinh tế.

Liên quan đến tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bà Trần Hồng Nguyên đánh giá, việc sửa đổi, bổ sung lần này cũng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn.

"Trước đây, chúng ta nhìn các tiêu chí pháp lý rất máy móc - cứ thấy không đồng bộ là xem xét lại. Nhưng trong bối cảnh mới, tôi cho rằng cần một cách nhìn toàn diện, tổng thể hơn. Nếu quy định mang lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy kinh tế, bảo đảm quyền lợi người dân thì chúng ta nên cân nhắc", bà Nguyên nói.

 Bà Trần Hồng Nguyên đánh giá, việc sửa đổi, bổ sung luật xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Ảnh: Duy Thông

Bà Trần Hồng Nguyên đánh giá, việc sửa đổi, bổ sung luật xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Ảnh: Duy Thông

Tuy nhiên, bà Trần Hồng Nguyên cũng cho rằng, tính thống nhất của dự thảo Luật còn phải bàn thêm. Trong dự thảo hiện tại, một số quy định chưa thể hiện rõ nguyên tắc bảo vệ tổ chức tín dụng và người thế chấp. Điều này rất quan trọng, bởi không thể trao quyền một cách thiếu kiểm soát, dẫn đến việc ảnh hưởng đến tài sản của người đem đi thế chấp.

Về tính khả thi, bà Nguyên cho rằng, các nội dung trong dự thảo Luật đã từng được áp dụng thí điểm trong Nghị quyết 42 nên đã có kinh nghiệm thực tiễn.

Riêng quy định về thủ tục rút gọn, bà Trần Hồng Nguyên vẫn còn nhiều băn khoăn. Nếu chưa nghiên cứu đầy đủ mà đưa vào luật thì e rằng sẽ không hiệu quả.

"Vấn đề này cần có sự tham gia của các cơ quan tố tụng như Tòa án, Viện kiểm sát - vì đây là những thiết chế thận trọng. Do vậy, muốn giải quyết được triệt để thì Ngân hàng nhà nước cần xin ý kiến của cả Tòa án và Viện kiểm soát, để cùng đưa ra các quy định vừa đáp ứng được yêu cầu của các ngân hàng, cũng vừa bảo đảm được quyền của người dân, đồng thời, theo đúng các quy trình tố tụng", bà Nguyên lưu ý.

Minh Vân lược ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/luat-hoa-van-de-xu-ly-no-xau-la-xuat-phat-tu-yeu-cau-thuc-tien-post410936.html
Zalo