Luật hóa siết chặt xử lý nợ xấu, mở rộng quyền cho vay đặc biệt tới 0%
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) gồm 3 điều, sửa đổi theo hướng siết chặt cơ chế xử lý nợ xấu, quyền thu giữ tài sản bảo đảm, mở rộng quyền cho vay đặc biệt.
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, sáng 20/5 thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã trình bày Tờ trình Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Quy định rõ quyền thu giữ tài sản bảo đảm
Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo là sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 193 theo hướng tăng cường thẩm quyền cho Ngân hàng Nhà nước trong việc quyết định cho vay đặc biệt.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: VPQH
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước được phép cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng có hoặc không có tài sản bảo đảm, với mức lãi suất 0%/năm. Quy định về tài sản bảo đảm trong trường hợp có áp dụng sẽ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định. Điều này nhằm gia tăng khả năng can thiệp hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong tình huống cấp bách, góp phần ổn định hệ thống.
Dự thảo bổ sung Điều 198a quy định cụ thể về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng và tổ chức mua bán, xử lý nợ trong quá trình xử lý nợ xấu. Theo đó, việc thu giữ chỉ được thực hiện khi trong hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận rõ ràng giữa các bên. Trong đó, bên bảo đảm đồng ý để bên nhận bảo đảm thực hiện quyền thu giữ tài sản khi phát sinh nghĩa vụ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: việc thu giữ không phải là hành vi đơn phương, vô điều kiện, mà phải tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục, bảo đảm tính công bằng, minh bạch, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của bên có nghĩa vụ và các bên liên quan.
Tổ chức tín dụng chỉ được ủy quyền thu giữ cho công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc, tương tự với các tổ chức mua bán, xử lý nợ. Việc thực hiện thu giữ phải đi kèm với quy chế nội bộ chặt chẽ do chính các tổ chức này ban hành.
Một nội dung mới được bổ sung tại Điều 198b là quy định về việc tài sản của người phải thi hành án đang được dùng làm tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu sẽ được xử lý theo quy định pháp luật về thi hành án dân sự.
Điều này áp dụng trong trường hợp hợp đồng bảo đảm có hiệu lực sau thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, hoặc trong các trường hợp đặc biệt như cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại, hoặc có sự đồng thuận bằng văn bản của tổ chức tín dụng.
Dự thảo bổ sung Điều 198c nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự hoặc tang vật vi phạm hành chính. Sau khi hoàn tất thủ tục xác minh, nếu không ảnh hưởng đến việc xét xử hoặc thi hành án, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ hoàn trả tài sản theo đề nghị của tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ.
Tương tự, với tang vật vi phạm hành chính không thuộc diện bị tịch thu, sau khi chấm dứt tạm giữ, người có thẩm quyền sẽ hoàn trả để tổ chức tín dụng tiếp tục xử lý theo quy định pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm.

Toàn cảnh phiên họp toàn thể tại hội trường của Quốc hội sáng 20/5
Cùng với việc bổ sung các điều mới, dự thảo cũng bãi bỏ một số khoản và cụm từ nhằm bảo đảm thống nhất với việc điều chỉnh cơ chế cho vay đặc biệt, bao gồm cả những khoản vay không có tài sản bảo đảm và áp dụng mức lãi suất 0%.
Đề nghị xây dựng tiêu chí, điều kiện đối với loại hình vay đặc biệt
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, cơ quan thẩm tra tán thành với đề xuất chuyển thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt, bao gồm cả các khoản vay không có tài sản bảo đảm và áp dụng lãi suất 0%/năm, từ Thủ tướng Chính phủ về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tuy nhiên, để việc phân cấp đạt hiệu quả, Ủy ban đề nghị cần rà soát toàn diện các quy định hiện hành liên quan đến cơ chế cho vay đặc biệt; xây dựng tiêu chí, điều kiện rõ ràng đối với loại hình vay đặc biệt này, bảo đảm minh bạch trình tự, thủ tục cấp tín dụng; Tăng cường kiểm soát, giám sát rủi ro, giảm thiểu tổn thất có thể phát sinh trong quá trình thực hiện.
“Đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung các điều khoản trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 cho đồng bộ với thay đổi về thẩm quyền, nhằm tránh vướng mắc khi triển khai trên thực tế”- ông Phan Văn Mãi cho hay.
Liên quan đến quyền thu giữ tài sản bảo đảm liên quan đến khoản nợ xấu, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng việc bổ sung quy định là cần thiết. Tuy vậy, cần đảm bảo các điều kiện áp dụng được quy định chặt chẽ và đầy đủ, tránh lạm dụng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi. Ảnh: VPQH
Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ vai trò của chính quyền và công an cấp xã trong việc hỗ trợ an ninh, trật tự khi tổ chức tín dụng thu giữ tài sản bảo đảm; quy định chi tiết trình tự, thủ tục thu giữ và xử lý sau thu giữ, do Chính phủ ban hành; tăng tính công khai, minh bạch và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thu giữ và các bên liên quan. Đồng thời, làm rõ cơ chế ủy quyền thu giữ tài sản, giới hạn phạm vi và điều kiện thực hiện.
Bên cạnh việc nhất trí với đề xuất xuất hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong các vụ án hình sự, hoặc là tang vật trong vụ việc vi phạm hành chính, tuy nhiên cơ quan thẩm tra đề nghị cần rà soát kỹ các quy định để tránh xung đột, đặc biệt trong các trường hợp: Giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm; Một tài sản bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ, nhiều bên cùng đề nghị hoàn trả.
Việc hoàn trả chỉ nên được xem xét khi có thỏa thuận rõ ràng trong hợp đồng bảo đảm về quyền thu giữ của tổ chức tín dụng hoặc đơn vị mua bán nợ. Trường hợp phức tạp, cần giao Chính phủ và Tòa án Nhân dân Tối cao ban hành hướng dẫn cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục.
Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng đề nghị cần xác định rõ các trường hợp cần chuyển tiếp, đảm bảo luật không tạo ra khoảng trống pháp lý. Đồng thời, cần làm rõ thời điểm có hiệu lực của Luật sửa đổi, bảo đảm tuân thủ quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và đủ thời gian chuẩn bị cho thi hành.