Luật hóa Nghị quyết 42: Gỡ nút thắt xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

Nợ xấu trong nền kinh tế được xử lý và kiểm soát sẽ tạo điều kiện chu chuyển vốn trong nền kinh tế thuận lợi, mang lại lợi ích chung cho doanh nghiệp, ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế.

Tín dụng ngân hàng là hoạt động truyền thống và chủ đạo của các tổ chức tín dụng (TCTD), bắt nguồn từ chức năng cốt lõi của ngân hàng là huy động vốn trong nền kinh tế và cho vay trở lại để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế.

Do đó, nợ xấu phát sinh trong quá trình hoạt động của TCTD khi các khoản vay không được thu hồi đúng hạn hoặc không thể thu hồi, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tín dụng mà còn làm ảnh hưởng dòng luân chuyển vốn trong toàn bộ nền kinh tế. Hệ quả là tín dụng bị suy giảm, kéo theo tác động tiêu cực đến hiệu quả chung của nền kinh tế và điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Khi nợ xấu trong nền kinh tế được kiểm soát, dòng vốn sẽ được luân chuyển thông suốt hơn, mang lại lợi ích thiết thực cho cả doanh nghiệp, ngân hàng và nền kinh tế nói chung

Khi nợ xấu trong nền kinh tế được kiểm soát, dòng vốn sẽ được luân chuyển thông suốt hơn, mang lại lợi ích thiết thực cho cả doanh nghiệp, ngân hàng và nền kinh tế nói chung

Với ý nghĩa đó, ngành Ngân hàng nói chung và các TCTD nói riêng luôn quan tâm đến các giải pháp đảm bảo hạn chế nợ xấu phát sinh, kiểm soát tốt chất lượng tín dụng thông qua hệ thống cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng. Trong đó ở góc độ nghiệp vụ, các TCTD luôn tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng; thực hiện đa dạng các giải pháp đảm bảo nợ vay và thu hồi nợ hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay; mở rộng quan hệ khách hàng và tăng trưởng bền vững.

Tuy nhiên, trong quá trình xử lý nợ xấu, việc xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) để thu hồi nợ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là hạn chế trong việc thực hiện trách nhiệm vay và trả nợ của khách hàng. Thực tiễn triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu đã cho thấy sự cần thiết phải luật hóa một số nội dung của nghị quyết này, nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, thuận lợi hơn cho xử lý nợ xấu, nâng cao hiệu quả tín dụng và đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế trong bối cảnh yêu cầu tăng trưởng cao.

Nhìn ở góc độ quản lý và đánh giá toàn diện, việc luật hóa Nghị quyết 42 không chỉ tác động điều chỉnh trực tiếp đối với công tác xử lý nợ xấu, xử lý TSBĐ để thu hồi nợ mà còn mang lại những kết quả to lớn hơn, toàn diện hơn về thực hiện nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cụ thể:

Thứ nhất, khi luật hóa quyền thu giữ TSBĐ nợ vay, góp phần nâng cao trách nhiệm của người vay vốn. Đó là trách nhiệm sử dụng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích để hoàn trả nợ vay cả gốc và lãi. Điều này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong toàn bộ quá trình vay vốn, sử dụng và lập kế hoạch vay vốn. Chỉ có sử dụng vốn vay đúng mục đích, theo kế hoạch kinh doanh mới phát huy hiệu quả vốn vay và đảm bảo khả năng trả nợ vay của chính khách hàng.

Ở góc độ pháp luật và quan hệ tín dụng, khi người vay vốn không trả được nợ, quyền thu hồi nợ và xử lý các đảm bảo nợ thuộc người người cho vay đúng với bản chất tín dụng, ý nghĩa này đòi hỏi trách nhiệm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người vay vốn và sử dụng vốn tín dụng ngân hàng.

Thứ hai, luật hóa quyền thu giữ TSBĐ hạn chế nợ xấu phát sinh và tăng trưởng tín dụng hiệu quả. Ý nghĩa này, xuất phát từ chính bản chất tín dụng và yêu cầu trách nhiệm của người vay vốn. Khi thực hiện nguyên tắc hoàn trả, người vay vốn tăng cường trách nhiệm trong việc sử dụng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích, vốn đi vào sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ, từ đó tạo sản phẩm, tạo thu nhập và có dòng tiền để trả nợ vay ngân hàng. Điều này sẽ đảm bảo hạn chế nợ quá hạn, nợ xấu phát sinh, đồng thời không chỉ góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển mà còn thúc đẩy tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng toàn bộ nền kinh tế. Đồng thời tạo điều kiện để các TCTD tiếp tục mở rộng và tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả.

Thứ ba, tác động trực tiếp đến kết quả xử lý nợ xấu. Khi luật hóa quyền thu giữ và xử lý TSBĐ nợ vay sẽ góp phần xử lý nợ xấu có hiệu quả do giảm chi phí và thời gian. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong trường hợp khách hàng chây ỳ trong việc hợp tác với ngân hàng để xử lý TSBĐ cũng như thực hiện trách nhiệm trả nợ vay ngân hàng.

Việc tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật liên quan đến xử lý TSBĐ và các quy định có liên quan đã được minh chứng rõ qua kết quả thực hiện Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu, góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong xử lý nợ, nâng cao hiệu quả tín dụng và đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng kinh tế. Thực tiễn này cho thấy cần tiếp tục phát huy và luật hóa các nội dung của Nghị quyết 42, không chỉ nhằm hỗ trợ xử lý nợ xấu hiệu quả hơn mà còn góp phần tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ.

Khi nợ xấu trong nền kinh tế được kiểm soát, dòng vốn sẽ được luân chuyển thông suốt hơn, mang lại lợi ích thiết thực cho cả doanh nghiệp, ngân hàng và nền kinh tế nói chung. Đặc biệt, việc luật hóa quyền thu giữ TSBĐ sẽ là giải pháp quan trọng để ngăn ngừa nợ xấu phát sinh, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho xử lý nợ xấu. Từ đó khai thác hiệu quả nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của dân tộc.

Nguyễn Đức Lệnh, PGĐ NHNN Khu vực 2

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/luat-hoa-nghi-quyet-42-go-nut-that-xu-ly-no-xau-thuc-day-tang-truong-tin-dung-164566.html
Zalo