Luật Hóa chất sửa đổi: Cân bằng hậu kiểm và yêu cầu an toàn tuyệt đối

Luật Hóa chất sửa đổi làm rõ khái niệm 'hóa dược,' giữ vững nguyên tắc kiểm soát rủi ro, không tích hợp máy móc với các luật khác.

Dự thảo Luật sau chỉnh lý đã rút gọn từ 89 điều còn 52 điều, gồm 8 chương, trong đó nội dung nổi bật là khái niệm “sản phẩm hóa dược” được xác định lại để tránh hiểu nhầm với thuốc và nguyên liệu làm thuốc theo Luật Dược. (Ảnh: QH/Vietnam+)

Dự thảo Luật sau chỉnh lý đã rút gọn từ 89 điều còn 52 điều, gồm 8 chương, trong đó nội dung nổi bật là khái niệm “sản phẩm hóa dược” được xác định lại để tránh hiểu nhầm với thuốc và nguyên liệu làm thuốc theo Luật Dược. (Ảnh: QH/Vietnam+)

Ngày 8/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lê Quang Huy đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi). Báo cáo cho thấy quá trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội đã được thực hiện nghiêm túc, với trọng tâm là bảo đảm không chồng chéo pháp luật, đồng thời giữ nguyên các quy định bảo vệ an toàn hóa chất trong bối cảnh phát triển kinh tế xanh, công nghệ cao.

Dự thảo Luật sau chỉnh lý đã rút gọn từ 89 điều còn 52 điều, gồm 8 chương, trong đó nội dung nổi bật là khái niệm “sản phẩm hóa dược” được xác định lại để tránh hiểu nhầm với thuốc và nguyên liệu làm thuốc theo Luật Dược. Khái niệm mới này giúp làm rõ phạm vi điều chỉnh, phân biệt với các sản phẩm thuộc Luật Dược, đồng thời tạo hành lang pháp lý để khuyến khích đầu tư phát triển ngành hóa dược lĩnh vực mang hàm lượng công nghệ cao.

Giảm gánh nặng thủ tục

Về điều kiện tư vấn chuyên ngành hóa chất, nhiều ý kiến đề nghị rà soát để phù hợp với định hướng chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm,” giảm gánh nặng thủ tục cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động hóa chất là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và môi trường. Do đó, tư vấn thiết kế công nghệ, lập kế hoạch phòng ngừa sự cố, lắp đặt thiết bị hóa chất đều đòi hỏi chuyên môn sâu.

Báo cáo cho biết, để dung hòa giữa bảo đảm an toàn và cải cách thủ tục, dự thảo đã bổ sung quy định giao Chính phủ thiết kế quy trình cấp chứng chỉ tư vấn trực tuyến. Đây là điểm mới nhằm giảm chi phí thủ tục nhưng vẫn giữ vững chất lượng nhân lực tư vấn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh: "Nếu không có điều kiện rõ ràng, hệ thống tư vấn hóa chất sẽ dễ dàng bị thương mại hóa, làm suy giảm chất lượng thẩm định công nghệ, từ đó gây hậu quả nặng nề nếu xảy ra sự cố."

Một trong những điểm tranh luận lớn là đề xuất tích hợp kế hoạch phòng ngừa sự cố hóa chất và kế hoạch ứng phó sự cố môi trường. Tuy nhiên, theo Báo cáo, hai loại kế hoạch này khác nhau về đối tượng áp dụng, phạm vi, yêu cầu kỹ thuật và lĩnh vực chuyên môn. Việc tích hợp không chỉ gây khó khăn cho công tác chuyên môn mà còn làm giảm hiệu quả phòng ngừa.

Cụ thể, theo Luật Bảo vệ môi trường, tất cả các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất phải lập kế hoạch ứng phó môi trường. Trong khi đó, theo dự thảo Luật Hóa chất, chỉ các đối tượng tồn trữ hóa chất nguy hiểm vượt ngưỡng mới phải lập kế hoạch phòng ngừa sự cố hóa chất. Ngoài ra, các yếu tố chuyên môn như phục hồi hệ sinh thái, kiểm soát khí thải, tiếng ồn, tác động lâu dài không thuộc phạm vi của kế hoạch hóa chất.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giữ nguyên như dự thảo hiện tại để bảo đảm chuyên sâu, tách bạch chức năng giữa hai lĩnh vực môi trường và hóa chất, tránh “gom chung” gây nhiễu và chồng chéo trong thực thi.

Tại phiên thảo luận ở hội trường, các đại biểu ý kiến một số nội dung liên quan đến việc điều chỉnh phù hợp giữa định tính và định lượng giữa bắt buộc và khuyến khích, giữa theo chính sách cơ chế hỗ trợ. Các tiêu chuẩn yêu cầu các tiêu chuẩn về quản lý an toàn hóa chất, quy định cụ thể chặt chẽ, về trình độ chuyên môn và thẩm quyền của cá nhân tổ chức chịu trách nhiệm về quản lý, bảo đảm an toàn hóa chất. Những ý kiến khác cho rằng cần cập nhật nội dung về hợp tác quốc tế hóa chất và các vấn đề liên quan đến ưu đãi phát triển ngành công nghiệp hóa chất trọng điểm, hóa chất mới. Đặc biệt là quản lý chặt chẽ hoạt động hóa chất theo vòng đời của hóa chất, từ đó xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, bảo vệ sức khỏe con người và bảo vệ môi trường.

Các ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội sẽ là cơ sở để cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các cơ quan liên môn, chuyên môn tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện dự thảo được khóa chép sửa đổi cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp.

Đảm bảo nguyên tắc xanh và an toàn

Giải trình tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã làm rõ một số vấn đề quan trọng mà các Đại biểu Quốc hội quan tâm. Ông nhấn mạnh, việc ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt cho lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm là cần thiết, nhằm thúc đẩy sản xuất các nguyên liệu cơ bản cho các ngành công nghiệp khác.

Cụ thể, lĩnh vực này bao gồm sản xuất hóa chất cơ bản, hóa dầu, cao su, và các sản phẩm phục vụ an ninh lương thực, y tế (hóa dược, phân bón). Bên cạnh đó, việc phát triển các dự án sản xuất hydro, amoniac từ năng lượng tái tạo, khu công nghiệp chuyên ngành hóa chất cũng được coi là trọng điểm, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, đảm bảo an ninh quốc phòng và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Đối với lĩnh vực hóa dược, Bộ trưởng Diên cho biết Việt Nam hiện phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu (khoảng 90%). Do đó, cần có chính sách ưu đãi để phát triển công nghiệp hóa dược trong nước, tăng khả năng tự chủ và giảm thiểu rủi ro thiếu hụt. Dự thảo Luật đã chỉnh lý khái niệm sản phẩm hóa dược để tránh trùng chéo với Luật Dược.

Liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ trưởng Diên đề xuất bổ sung lĩnh vực công nghệ hóa chất trọng điểm vào danh mục ưu đãi, tương đồng với các ngành công nghiệp nền tảng khác như năng lượng tái tạo, vật liệu composite. Về hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất, Bộ trưởng nhấn mạnh với việc quy định rõ điều kiện tư vấn và cấp chứng chỉ trực tuyến, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Riêng về kế hoạch phòng ngừa sự cố hóa chất, Bộ trưởng Diên cho rằng cần giữ nguyên quy định hiện hành, không tích hợp với kế hoạch ứng phó sự cố môi trường, do sự khác biệt về đối tượng, phạm vi, nội dung và yêu cầu chuyên môn. Đối với chính sách hỗ trợ tài chính, Bộ trưởng Diên cho biết các ưu đãi về thuế, đất đai đã được quy định tại Luật Đầu tư và các luật liên quan. Các vấn đề liên quan đến chế tài xử phạt vi phạm sẽ được quy định cụ thể trong nghị định.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp về chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất, nguyên tắc hóa học xanh, an toàn hóa chất, quản lý chất thải, thông tin hóa chất, và cắt giảm thủ tục hành chính./.

Những điểm nổi bật trong dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi):

· Khái niệm “sản phẩm hóa dược” được chỉnh lý rõ ràng, tách biệt với “dược”

· Giữ nguyên điều kiện tư vấn chuyên ngành hóa chất để đảm bảo chất lượng và an toàn

· Không tích hợp kế hoạch ứng phó sự cố môi trường vào kế hoạch phòng ngừa sự cố hóa chất

· Dự thảo luật rút gọn còn 52 điều, giảm 37 điều so với bản Chính phủ trình

· Giao Chính phủ thiết kế quy trình cấp chứng chỉ tư vấn trực tuyến

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/luat-hoa-chat-sua-doi-can-bang-hau-kiem-va-yeu-cau-an-toan-tuyet-doi-post1037289.vnp
Zalo