Luật Điện lực (sửa đổi): Kỳ tích mới của ngành Công Thương trong hoàn thiện thể chế
Cùng với đường dây 500 kV mạch 3, Luật Điện lực (sửa đổi) đã làm nên kỳ tích mới của ngành Công Thương trong hoàn thiện thể chế với tinh thần 'thần tốc'.
Tiếp tục tinh thần "500 kV mạch 3"
Công trình đường dây 500 kV mạch 3 đã làm nên kỳ tích của ngành điện bởi những cái nhất như: Thời gian thi công ngắn kỷ lục - chưa đầy 7 tháng với một công trình khó; sự chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt nhất của cả hệ thống chính trị, với sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ “chỉ bàn làm, không bàn lùi”; khối lượng thi công lớn nhất, ứng dụng công nghệ mới nhất trong các công trình đường dây 500 kV; huy động lực lượng đông nhất với hơn 2.500 cán bộ, chuyên gia, công nhân, lao động trên công trường dọc tuyến đường dây đi qua 9 tỉnh từ Bắc miền Trung trở ra. Đây cũng là dự án được triển khai sớm nhất trong Quy hoạch điện VIII.
Tiếp tục lan tỏa tinh thần “500 kV mạch 3” đó là “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, dự án Luật Điện lực (sửa đổi) tiếp tục được triển khai trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tiếp tục tăng nhanh, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII có nguy cơ chậm tiến độ do vướng mắc về thể chế, yêu cầu chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon đang là thách thức đối với các doanh nghiệp để có nguồn năng lượng sạch phục vụ phát triển sản xuất…
Ngày 1/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 203/NQ-CP, chính thức khởi đầu cho hành trình sửa đổi Luật Điện lực. Nghị quyết yêu cầu Bộ Công Thương hoàn thiện hồ sơ và trình Quốc hội xem xét thông qua dự án sửa đổi vào kỳ họp tháng 10/2024, tạo ra một mục tiêu rõ ràng và cấp bách.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên được giao trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo toàn bộ quá trình soạn thảo dự án sửa đổi này. Sự kiện khởi động một loạt các hoạt động khẩn trương và quyết liệt để đáp ứng yêu cầu đặt ra của Chính phủ.
Cùng với công tác xây dựng hoàn thiện hồ sơ để đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2024, trong quá trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm tra góp ý, Bộ Công Thương cũng đề xuất thành lập Ban soạn thảo dự án sửa đổi. Ngày 21/2/2024, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để bắt đầu công việc soạn thảo dự án luật.
Tại phiên họp diễn ra vào ngày 30/5/2024 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Tờ trình số 824/TTr-UBTVQH15 ngày13/5/2024 về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024. Theo tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự án Luật Điện lực (sửa đổi) được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 cùng với 7 luật khác.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh: Trường hợp dự án Luật được chuẩn bị tốt, quá trình thảo luận đạt sự đồng thuận cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ xem xét, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp.
Kỳ tích mới của ngành Công Thương trong hoàn thiện thể chế
Trước yêu cầu cấp bách của thực tiễn, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với vai trò là người đứng đầu ngành Công Thương - cơ quan chủ trì soạn thảo, Trưởng Ban soạn thảo - đã tổ chức nhiều cuộc họp với Ban soạn thảo và Tổ biên tập và chỉ đạo quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực để thực hiện luật, đảm bảo tiến độ và chất lượng của dự thảo khi trình ra Quốc hội.
Nếu như công trình đường dây 500 kV mạch 3 có thời gian hoàn thành “thần tốc” với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, chính quyền tại 9 tỉnh mà dự án đi qua thì dự án Luật Điện lực (sửa đổi) là sự thể hiện quyết tâm, quyết liệt của 47 thành viên Ban soạn thảo, 136 thành viên của Tổ biên tập đại diện cho các bộ, ngành, Hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, chuyên gia độc lập, các đơn vị, cục, vụ chức năng của Bộ Công Thương… với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ.
Để dự án luật được triển khai kịp tiến độ, đạt chất lượng cao, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên - Trưởng Ban soạn thảo - đã chỉ đạo phương thức triển khai thực hiện theo hình thức Tổ biên tập chia nhóm theo nội dung sửa đổi. Theo đó, Tổ biên tập được chia thành 3 nhóm bao gồm: Điều tiết điện lực và tiết kiệm điện; Quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực và năng lượng tái tạo; An toàn điện và an toàn đập, hồ chứa thủy điện.
Quá trình sửa đổi luật diễn ra rất khó khăn với 6 nhóm nội dung kỹ thuật và phức tạp tác động hầu hết đến các mặt đời sống kinh tế - xã hội, có những nội dung mới đối với Việt Nam và chưa từng được kiểm chứng.
Bộ Công Thương đã tiến hành lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, 139 cơ quan, tổ chức đã được Bộ Công Thương gửi văn bản để lấy ý kiến. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã chủ trì và phối hợp tổ chức 9 hội thảo, hội nghị tại 3 miền: Bắc - Trung - Nam để tuyên truyền, tham vấn ý kiến các chuyên gia, cơ quan quản lý, hiệp hội ngành nghề…
Các nhóm thuộc Tổ biên tập do Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực, Cục An toàn môi trường làm Trưởng nhóm đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp nhóm thuộc Tổ biên tập theo từng chuyên đề.
Bộ trưởng Bộ Công Thương với vai trò là Trưởng ban soạn thảo đã chỉ đạo sát sao, tham gia hầu hết các cuộc họp của Tổ biên tập để nắm bắt tình hình và có chỉ đạo kịp thời để chất lượng luật đạt cao nhất.
Sau khi dự thảo được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các thành viên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập là cán bộ giàu kinh nghiệm thực tiễn và quản lý đã gần như "gác lại" toàn bộ công việc cơ quan và gia đình để cùng cơ quan thẩm tra rà soát kỹ lưỡng, chỉnh lý, giải trình và làm rõ những vấn đề mà đại biểu nêu với cơ quan thẩm tra.
Đây là một khối lượng công việc khổng lồ với cả nghìn ý kiến góp ý, nhiều vấn đề mang tính khoa học, kỹ thuật chuyên ngành và khá phức tạp, đơn cử như các nội dung liên quan đến: Thị trường điện, giá điện, điện gió ngoài khơi…
Theo các chuyên gia, thông thường, một dự án luật được xây dựng mới cũng phải từ 3 -4 năm hoặc lâu hơn, còn sửa đổi cũng mất 2 năm và phải thông qua 2 kỳ họp. Tuy nhiên, với Luật Điện lực (sửa đổi), thời gian sửa đổi cho đến khi thông qua chưa đầy một năm cho thấy, khối lượng công việc của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra là Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất lớn.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Có 104 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến ở tổ và 32 lượt đại biểu Quốc hội có ý kiến (25 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại Hội trường và 7 lượt góp ý bằng văn bản gửi qua Tổ thư ký). Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo.
Có thể khẳng định, trong gần một năm qua, Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) đã được chuẩn bị rất nghiêm túc; huy động mọi nguồn lực với tinh thần thực sự cầu thị, lắng nghe, dân chủ; tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và nhân dân cả nước. Bên cạnh đó là sự vào cuộc tích cực của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương, báo ngành... đã tuyên truyền đầy đủ nội dung của dự thảo Luật cũng như các ý kiến tâm huyết tại các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến và ngay tại diễn đàn Quốc hội.
Với tinh thần trách nhiệm, sự cố gắng và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã triển khai công việc khẩn trương nhưng kĩ lưỡng và thận trọng, để xây dựng và đảm bảo chất lượng của dự thảo Luật và được Quốc hội biểu quyết thông qua vào chiều ngày 30/11/2024.
Cùng với đường dây 500 kV mạch 3, Luật Điện lực (sửa đổi) đã làm nên kỳ tích mới khi được sửa đổi và thông qua trong khoảng thời gian ngắn chưa đầy một năm với 1 kỳ họp. Điều này đã kịp thời tạo hành lang pháp lý, tháo gỡ các điểm nghẽn về chính sách, đáp ứng sự mong mỏi của cử tri và doanh nghiệp, nhằm giải phóng nguồn lực cho phát triển ngành điện Việt Nam trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.