Luật Công đoàn (sửa đổi): Băn khoăn với quy định về xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân
Thảo luận tại hội trường sáng 18/6 về Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), một số đại biểu bày tỏ băn khoăn về nhiệm vụ đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động.
Thảo luận về Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai, cho biết: Về mối quan hệ với Luật Nhà ở, khoản 4 Điều 80 Luật Nhà ở (sửa đổi) năm 2023 đã bổ sung một số quy định về trách nhiệm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đối với việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động.
Tuy nhiên, trong dự thảo luật chưa bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn Việt Nam nói chung và Tổng Liên đoàn Việt Nam nói riêng. Về các nội dung này, theo đại biểu, dự thảo chưa đề xuất phương án quản lý, sử dụng nguồn tài chính công đoàn như thế nào để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đảm bảo công khai, minh bạch, hợp lý, bình đẳng giữa các đối tượng thụ hưởng. Đồng thời cũng chưa có cơ chế để công nhân, người lao động có nhu cầu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được tiếp cận với nhà ở xã hội.
Theo đó, đại biểu Lan Anh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát để bổ sung các quy định có liên quan đến việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi).
Về nội dung này, đại biểu Phạm Thúy Chinh, đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, cho biết: Điểm k khoản 3 Điều 30 quy định về nhiệm vụ chi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, là điểm mới và phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 80 Luật Nhà ở năm 2023.
Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý, theo cách phân chia nguồn thu hiện nay thì tỷ lệ kinh phí để lại cho cấp công đoàn cơ sở đang chiếm tỷ trọng rất lớn, trong khi nhiệm vụ này thì đang được giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức thực hiện. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần giải trình làm rõ tỷ trọng dự kiến dành cho chi đầu tư nhà ở xã hội trong cơ cấu nhiệm vụ chi và cần có cam kết nhiệm vụ chi này không làm ảnh hưởng tới các nhiệm vụ chi đảm bảo quyền lợi cho đoàn viên và người lao động.
Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, số dư quỹ công đoàn những năm qua tương đối lớn, việc này đặt ra vấn đề cần nghiên cứu có quy định về đầu tư tài chính công đoàn ngay tại dự thảo luật, bao gồm danh mục đầu tư, cơ cấu đầu tư, đầu tư vào các lĩnh vực có khả năng sinh lời cao để phát triển tài chính công đoàn trên nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thị Thanh Hương, đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, cho biết: Về quản lý sử dụng tài chính công đoàn, tại Điều 30, Dự thảo Luật đã bổ sung một số nhiệm vụ chi mới như là chi cho việc xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân thuê, xây dựng công trình công cộng cho đoàn viên, người lao động, chi cho công đoàn cơ sở mà tại đó tổ chức doanh nghiệp gặp khó khăn được miễn giảm đóng kinh phí công đoàn...
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định rõ hơn những nguyên tắc, tiêu chí để xác định, chẳng hạn như doanh nghiệp gặp khó khăn ở mức độ nào sẽ đủ điều kiện được miễn, giảm đóng kinh phí công đoàn. Bên cạnh đó, đề nghị cũng cần nghiên cứu để có chính sách, chế độ đặc thù đối với đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức, người lao động, người dân tộc thiểu số đang sống ở vùng đặc biệt khó khăn để có những chính sách miễn, giảm tỷ lệ đóng công đoàn phí cho phù hợp.