Chuyển giao Di tích Quốc Tử Giám về Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý

Bảo tàng Lịch sử TP. Huế sau hơn 40 năm 'tạm trú' ở Di tích Quốc Tử Giám bên trong Kinh thành Huế thì nay đã chính thức về địa điểm mới, chuyển giao lại di tích này để Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý.

 Di tích Quốc Tử Giám – là trụ sở cũ của Bảo tàng Lịch sử TP. Huế trong suốt hơn 40 năm, nay đã được chuyển giao lại cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý

Di tích Quốc Tử Giám – là trụ sở cũ của Bảo tàng Lịch sử TP. Huế trong suốt hơn 40 năm, nay đã được chuyển giao lại cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý

Chiều 7/2, Bảo tàng Lịch sử TP. Huế cho biết, đã tiến hành lễ chuyển giao Di tích Quốc Tử Giám – là trụ sở cũ của đơn vị trong suốt hơn 40 năm qua cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý.

Buổi lễ chuyển giao với sự tham dự của lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cùng lãnh đạo một số cơ quan dự chứng kiến.

Được biết, ngay sau khi thành lập Bảo tàng Bình Trị Thiên (tiền thân của Bảo tàng Lịch sử TP. Huế) toàn bộ khuôn viên khu đất thuộc Quốc Tử Giám đã được tạm giao cho bảo tàng sử dụng. Hiện trạng toàn bộ khuôn viên tiếp giáp 4 đường: Đoàn Thị Điểm, Lê Trực, Đinh Tiên Hoàng, 23 Tháng 8. Gồm có công trình Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc Tử Giám, Bia Thị Học, Bia Huỳnh Tự Thư Thanh, 2 nhà Học, cổng tam quan...

Di tích Quốc Tử Giám được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP. Huế) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất ngày 17/12/2013 cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế.

Năm 2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc điều chỉnh phân cấp quản lý di tích đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh, theo đó Di tích Quốc Tử Giám giao Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý và bảo tàng sẽ bàn giao lại cho trung tâm sau khi đến địa điểm mới.

Đến thời điểm này, Bảo tàng Lịch sử TP. Huế đã hoàn tất việc di dời về địa điểm mới tại 268 Điện Biên Phủ (phường Trường An, quận Thuận Hóa) và tiến hành bàn giao toàn bộ khu đất Quốc Tử Giám cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Dự kiến trong năm 2025, Di tích Quốc Tử Giám sẽ được bảo tồn, tu bổ các hạng mục công trình trong khuôn viên tổng thể di tích với kinh phí hơn 108 tỷ đồng, hoàn thành sau 4 năm.

Trước đó vào cuối năm 2024, việc di dời các hiện vật đã được tiến hành rốt ráo, đảm bảo tiến độ để bàn giao lại Di tích Quốc Tử Giám

Trước đó vào cuối năm 2024, việc di dời các hiện vật đã được tiến hành rốt ráo, đảm bảo tiến độ để bàn giao lại Di tích Quốc Tử Giám

Được biết, sau khi thống nhất đất nước, vua Gia Long đã quyết định xây dựng kinh đô tại Huế. Tháng 8/1803, một trường học mang tính quốc gia đã được thành lập tại đây với tên gọi là Đốc Học Đường (hay Quốc Học Đường). Tháng 3/1820, vua Minh Mạng đổi tên trường thành Quốc Tử Giám. Vị trí trước đây của Quốc Tử Giám tại địa phận An Ninh Thượng, cách Kinh thành Huế chừng 5km về phía tây.

Đến năm 1908, thời vua Duy Tân, Quốc Tử Giám được dời vào bên trong Kinh thành là vị trí hiện nay. Quy mô của trường bao gồm các công trình như Di Luân Đường, hai bên là hai dãy phòng học, nhà ở của quan Tế Tửu, Tư Nghiệp (hiệu trưởng, hiệu phó) và các viên chức khác… Phần nhiều trong số những công trình này có kiến trúc bằng gỗ với phong cách truyền thống có giá trị nghệ thuật cao. Với gần 150 năm tồn tại, Quốc Tử Giám đã góp phần không nhỏ trong việc đào tạo những nhân tài cho đất nước. Trong số hơn 500 vị tiến sĩ, phó bảng của triều Nguyễn, có không ít vị đã từng dùi mài kinh sử tại ngôi trường này.

Công trình kiến trúc tuyệt đẹp này cùng với hệ thống di tích cung đình triều Nguyễn đã được ghi tên vào danh mục Di sản thế giới của UNESCO.

NHẬT MINH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/thong-tin-van-hoa/chuyen-giao-di-tich-quoc-tu-giam-ve-trung-tam-bao-ton-di-tich-co-do-hue-quan-ly-150639.html
Zalo