Lừa đảo đặt phòng nghỉ du lịch qua mạng: Chiêu thức cũ, nạn nhân mới

Việc đặt phòng nghỉ du lịch qua fanpage giả mạo bị lừa tiền xảy ra lâu nay, nhưng nhiều người vẫn tiếp tục bị sập 'bẫy'.

Người dân cần cảnh giác với hình thức đặt phòng nghỉ qua mạng xã hội để tránh bị lừa đảo. Ảnh minh họa: ITN

Người dân cần cảnh giác với hình thức đặt phòng nghỉ qua mạng xã hội để tránh bị lừa đảo. Ảnh minh họa: ITN

Mới đây, một nạn nhân ở TP Hải Phòng bị lừa hơn 1 tỷ đồng khi đặt phòng nghỉ qua mạng cho chuyến du lịch một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh giác.

Sập “bẫy” với chiêu thức cũ

Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình nhận được thông tin một người dân ở TP Hải Phòng bị kẻ gian lừa với số tiền hơn 1 tỷ đồng khi người này lên mạng đặt phòng nghỉ cho hai người lớn và hai trẻ em tại khu nghỉ dưỡng Minawa Kênh Gà (Ninh Bình) trong thời gian từ ngày 31/1 đến ngày 3/2.

Ngày 6/2, Công an TP Hải Phòng cho biết, đã nhận được đơn trình báo của chị P.T.T. (trú tại TP Hải Phòng) về việc bị lừa hơn 1 tỷ đồng khi đặt phòng nghỉ qua fanpage về một khu du lịch ở tỉnh Ninh Bình. Vụ việc đang được xác minh làm rõ.

Nạn nhân là chị P.T.T., cho biết: Sau khi nhắn tin trên trang fanpage khu nghỉ dưỡng (giả mạo), chị T., được nhân viên trang fanpage tư vấn mức giá phòng vào dịp cuối tuần có giá từ 2,9 triệu đồng, ngày lễ, Tết từ 3,6 triệu đồng cho hạng phòng Twin Room (phòng đôi).

Qua trao đổi, chị T., quyết định chốt phòng và thanh toán tiền đặt cọc là 6,5 triệu đồng cho 2 phòng, bằng hình thức chuyển khoản.

“Mỗi lần chuyển khoản xong họ đều báo lại là chuyển khoản “sai nội dung”. Tôi đã chuyển tổng cộng số tiền hơn 1 tỷ đồng và không thể liên lạc được với đại diện “khu nghỉ dưỡng”. Lúc này mới biết mình đã bị lừa”, chị T., cho biết.

Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết, đơn vị đã vào cuộc, phối hợp với cơ quan chức năng để xác minh thông tin. Được biết, nạn nhân đã đặt phòng qua fanpage có tên “Khu nghỉ dưỡng Minawa Kênh Gà”.

“Trước Tết năm 2025, khu nghỉ dưỡng này đã bị các đối tượng xấu giả mạo trang web, fanpage Facebook… có giao diện gần giống trang chính của đơn vị để thực hiện hành vi lừa đảo”, ông Mạnh thông tin với báo chí.

Cũng theo ông Mạnh, thời gian qua sở thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo rộng rãi thông tin để du khách nắm được, tránh bị lừa đảo khi đặt các dịch vụ tại các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng… trên địa bàn.

Trước Tết Ất Tỵ 2025, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình đã có văn bản gửi đến các đơn vị, điểm lưu trú tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn tại các khu điểm du lịch. Đề nghị các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch khi phát hiện các trang web, fanpage giả mạo… thì báo ngay cho cơ quan chức năng ngăn chặn và xử lý.

Một trường hợp bị lừa khác là chị Ng. B. (trú tại quận Tân Bình, TPHCM). Cận Tết Nguyên đán chị B. đã trình báo cơ quan chức năng về việc bị lừa gần 40 triệu đồng. Trước đó chị B. chuyển tiền đặt cọc phòng nghỉ khách sạn ở Đà Lạt.

Theo chị B., do có nhu cầu đặt phòng khách sạn ở Đà Lạt, qua fanpage, chị tìm thấy khách sạn Túi Ba Gang (Phường 1, Đà Lạt, Lâm Đồng).

Chị gọi vào số điện thoại trên fanpage này để trao đổi về nhu cầu phòng thì được yêu cầu chuyển khoản số tiền 3,5 triệu đồng đặt cọc. Khi chuyển khoản xong thì nhận được thông báo bằng tin nhắn “chuyển sai nội dung” và sẽ chuyển lại số tiền cọc cho chị B.

Đối tượng lừa đảo gọi video hướng dẫn thao tác theo cách của chúng để hoàn trả tiền cọc. Chị B. làm theo hướng dẫn, nhưng tài khoản bị trừ tiền nhiều lần. Đến khi tài khoản mất gần 40 triệu đồng, chị B., mới phát hiện bị lừa.

Khách sạn Túi Ba Gang xác nhận, nhiều đối tượng giả mạo hình ảnh của khách sạn để lừa đảo. Nhiều nạn nhân bị lừa tương tự như trường hợp của chị B. với số tiền từ vài triệu đồng lên đến nhiều triệu đồng cùng chiêu thức giống nhau…

Cơ quan quản lý du lịch cho biết, những đối tượng lừa đảo thường mạo danh cơ sở lưu trú, khách sạn, homestay… ở những điểm du lịch nổi tiếng để lừa tiền của khách.

Chiêu trò này không hề mới, hoạt động rầm rộ vào mùa du lịch. Đối tượng lừa đảo đăng thông tin, hình ảnh mạo danh, giá dịch vụ rẻ để “câu” khách rồi tiến hành lừa đảo.

Khuyến cáo cảnh giác

Chị P.T.T. (nạn nhân ở Hải Phòng) cho biết, trước đây đã nhiều lần đặt phòng qua các trang fanpage (trang cá nhân) tại một số khu nghỉ dưỡng thành công, nên cảm thấy an tâm, tin tưởng.

Lần này, sau khi tìm thấy một cơ sở lưu trú sang trọng tại Ninh Bình qua fanpage (có tích xanh) nên chị T., không ngần ngại đặt phòng dịch vụ. Nhóm đối tượng lừa đảo nhiệt tình, chăm sóc tư vấn với chị T.

Cận Tết, một số người tự nhận là nhân viên khu nghỉ dưỡng gọi điện liên tục qua messenger, giục chị T., chuyển tiền đặt cọc giữ chỗ. Vì sợ hết phòng nên chị T., đã nhanh chóng chuyển tiền cho chúng.

Sau khi chuyển 6,5 triệu đồng để đặt cọc giữ chỗ cho 2 phòng. Chị T., được đối tượng mạo danh nhân viên khu nghỉ dưỡng báo là “chuyển khoản sai nội dung”. Chúng yêu cầu chị T., sao chép mã do các đối tượng cung cấp, thực hiện theo hướng dẫn để nhận lại tiền cọc.

Chúng gọi điện “thao túng” tâm lý, cung cấp mã xác thực lừa đảo cho chị T., nhập vào ứng dụng ngân hàng trên điện thoại. Chị T., đã nhập mã VNPAY do các đối tượng lừa đảo gửi đến.

Các khoản tiền mà chị T., đã chuyển vào tài khoản của nhóm đối tượng lừa đảo lần lượt là: 9,5 triệu đồng, 125,6 triệu đồng và 379,6 triệu đồng. Số tiền cuối cùng chị T., chuyển vào tài khoản mạo danh khu nghỉ dưỡng ở Ninh Bình là 485,6 triệu đồng.

Theo chị T., trong thời gian khoảng 2 - 3 giờ đồng hồ, tổng số tiền chị đã chuyển cho các đối tượng lừa đảo là hơn 1 tỷ đồng.

Công an tỉnh Ninh Bình đưa ra cảnh báo và khuyến cáo: Du khách thận trọng, tìm hiểu kỹ các thông tin, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch hoặc đặt phòng du lịch có sẵn trên các ứng dụng. Cảnh giác với những quảng cáo, giới thiệu, mời chào giá rẻ, thấp hơn giá thị trường từ 20% - 50%.

Kiểm tra chính xác thông tin liên hệ, cần tìm hiểu kỹ chính sách đặt, hủy phòng; yêu cầu khách sạn chuyển thông tin xác nhận đặt phòng, ngoài ra có thể đề nghị cơ sở cung cấp dịch vụ cho xem các giấy phép hoạt động kinh doanh dịch vụ tại địa phương...

“Sự việc nạn nhân ở Hải Phòng bị lừa mất hơn 1 tỷ đồng một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho người dân về việc nâng cao cảnh giác đối với hoạt động lừa đảo trên không gian mạng. Đặc biệt, việc thực hiện các giao dịch qua không gian mạng, chuyển tiền banking... Mỗi người dân cần nâng cao hiểu biết và cảnh giác để tránh bị lừa. Tuyệt đối không vội vàng chuyển tiền cho những đối tượng mà mình không quen biết, chưa có sự xác minh, kiểm chứng”, luật sư Đặng Xuân Cường (VPLS Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư Hà Nội) khuyến cáo.

Nguyên Khôi

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lua-dao-dat-phong-nghi-du-lich-qua-mang-chieu-thuc-cu-nan-nhan-moi-post719014.html
Zalo