Nghiên cứu khoa học và công nghệ gắn liền với nhu cầu phát triển đất nước

Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học và công nghệ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Điều này không chỉ thể hiện qua các chính sách phát triển mà còn được thể hiện qua việc đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nghiên cứu khoa học, công nghệ gắn với đào tạo

Trong bối cảnh khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành động lực then chốt cho sự phát triển của đất nước, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) đã và đang khẳng định vai trò tiên phong, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo của quốc gia.

Trong năm 2024, lần đầu tiên số lượng công bố quốc tế của ĐHQG-HCM vượt mốc chỉ tiêu 3.000 bài báo và tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng công bố quốc tế. Ảnh: ĐHQG- HCM

Trong năm 2024, lần đầu tiên số lượng công bố quốc tế của ĐHQG-HCM vượt mốc chỉ tiêu 3.000 bài báo và tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng công bố quốc tế. Ảnh: ĐHQG- HCM

PGS. TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM nhấn mạnh, nghiên cứu khoa học, công nghệ và đào tạo luôn gắn chặt với nhau. Vì thế, ĐHQG-HCM đã định hướng mục tiêu phát triển hệ thống thành trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu Việt Nam; đồng thời là nơi cung cấp nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài phục vụ đắc lực sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, các chiến lược phát triển của ĐHQG-HCM trong giai đoạn tới đều bám sát các Nghị quyết của Đảng.

Theo đó, ĐHQG-HCM xác định chiến lược phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 có 4 nhóm đào tạo, nghiên cứu mang tính mũi nhọn và đột phá gồm: Công nghệ sinh học, công nghệ bán dẫn, vi mạch, trí tuệ nhân tạo, các ngành khoa học - công nghệ liên ngành. Đây là những lĩnh vực then chốt được ĐHQG -HCM đầu tư và phát triển mạnh mẽ.

Theo PGS.TS Đoàn Lê Hoàng Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử (ĐHQG-HCM), nghiên cứu khoa học và công nghệ gắn liền với đào tạo góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đại học, sau đại học. Khi đó, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh trở thành lực lượng quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Trong giai đoạn 2018 - 2024, ĐHQG-HCM đã thí điểm xây dựng 9 nhóm nghiên cứu mạnh và một Trung tâm xuất sắc. Việc hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh và phát triển các Trung tâm xuất sắc đã mang lại những kết quả tích cực, từ việc nâng cao chất lượng đào tạo, gia tăng công bố quốc tế đến việc phát triển các sáng chế và ứng dụng thực tiễn.

PGS. TS Vũ Hải Quân cũng cho biết, trong năm 2024, lần đầu tiên số lượng công bố quốc tế của ĐHQG-HCM đã vượt qua mốc chỉ tiêu 3.000 bài báo, tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu cả nước về số lượng công bố quốc tế. Cụ thể, số công bố quốc tế trong danh mục cơ sở dữ liệu Scopus đạt 3.120 bài báo, khẳng định vị thế quốc tế của ĐHQG-HCM trong nhóm các đại học tốt nhất thế giới, với xếp hạng từ Top 901 - 950 toàn cầu và vị trí 184 trong các đại học xuất sắc nhất châu Á, tăng 36 bậc so với năm 2023.

Không chỉ thế, ĐHQG-HCM tiếp tục tập trung vào triển khai các chương trình hợp tác quốc tế thông qua việc ký kết các thỏa thuận với các địa phương, doanh nghiệp và tổ chức hội nghị, hội thảo quốc gia; đồng thời, tích cực mở rộng hợp tác quốc tế với các đối tác mới trong những lĩnh vực ưu tiên như trí tuệ nhân tạo, thiết kế vi mạch nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra, ĐHQG-HCM cũng đã thu hút và tuyển chọn được 27 nhà khoa học trẻ xuất sắc và các nhà khoa học đầu ngành, phần lớn trong số họ là những người tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Các nhà khoa học này đã được tuyển dụng làm việc tại các đơn vị thuộc ĐHQG-HCM thông qua Chương trình VNU350, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy tại các đơn vị trong hệ thống.

Theo đó, nhiều thầy cô giáo và sinh viên ĐHQG-HCM được vinh danh và tặng thưởng các danh hiệu, giải thưởng cao quý vì thành tích học thuật xuất sắc. Tiêu biểu, ĐHQG-HCM có một nhà khoa học được bầu chọn làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới; 2 nhà khoa học đạt Danh hiệu “Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2024” cấp toàn quốc; 2 nhà khoa học nữ đạt Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam; 4 nhà khoa học đạt Giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả cầu vàng và 11 nữ sinh đạt Giải thưởng Nữ sinh Khoa học Công nghệ Việt Nam.

Để tiếp tục duy trì và mở rộng thành công này, PGS.TS Đoàn Lê Hoàng Tân cho rằng, cần có sự hỗ trợ liên tục từ chính phủ, các doanh nghiệp và hợp tác quốc tế, cùng với cam kết mạnh mẽ từ nội bộ trường đại học. Điều này sẽ góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của nền giáo dục và khoa học công nghệ Việt Nam trong tương lai.

Trước đó, tại buổi tọa đàm phổ biến quy định về tổ chức thực hiện và quản lý nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ cấp ĐHQG-HCM, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết, là một đại học lớn nhất tại khu vực phía Nam, ĐHQG-HCM có trách nhiệm xây dựng chương trình hành động, giải pháp và KPI cụ thể để thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

“Chương trình hành động này sẽ ưu tiên cho các nhóm nghiên cứu tập trung các dự án lớn, mang tính đột phá và ưu tiên các đề tài do hội đồng liên ngành đề xuất, phê duyệt thay vì tập trung các đề tài nghiên cứu đơn lẻ. Điều này giúp việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 57 tại ĐHQG-HCM đạt kết quả tốt nhất”, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai thông tin.

Phát triển cơ sở hạ tầng nghiên cứu khoa học và công nghệ

Là một trong những trường thành viên của ĐHQG-HCM, lãnh đạo Trường ĐH Quốc tế cho biết, để trở thành trường đại học theo định hướng nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam và châu Á, nhà trường luôn chú trọng đặc biệt đến các chính sách thúc đẩy công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín. Trong năm 2024, các hoạt động hợp tác khoa học và công nghệ của trường đã ghi nhận nhiều thành tựu nổi bật. Nhà trường không chỉ hoàn thành tốt vai trò là cầu nối giữa nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ mà còn mở rộng và củng cố thêm nhiều biên bản ghi nhớ với các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức về các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và giáo dục phát triển bền vững.

Trong giai đoạn 2019 - 2024, tổng kinh phí được phê duyệt cho các đề tài nghiên cứu khoa học và các dự án chuyển giao công nghệ cho các địa phương của Trường ĐH Quốc tế đã vượt qua con số 171 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2024 đạt gần 23 tỷ đồng.

“Nguồn kinh phí dồi dào là yếu tố thiết yếu giúp các đề tài nghiên cứu triển khai hiệu quả, cho phép các nhóm nghiên cứu đầu tư nhiều hơn vào chất lượng và quy mô của dự án. Nhờ có nguồn lực tài chính vững chắc, nhà trường có thể thực hiện các nghiên cứu có tính ứng dụng cao, góp phần tích cực vào sự phát triển khoa học và công nghệ trong nước”, đại diện Trường ĐH Quốc tế nhận định.

Để hiện thực hóa các mục tiêu nghiên cứu, ĐHQG-HCM đã không ngừng đầu tư vào hệ thống phòng thí nghiệm và trang bị cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết, các mũi nhọn đột phá trong khoa học và công nghệ phải gắn liền với hệ thống phòng thí nghiệm. Hiện nay, các phòng thí nghiệm của ĐHQG-HCM đã được đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất tương đối tốt, phục vụ cho các nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Cụ thể, trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc, ĐHQG-HCM đã được đầu tư một tòa nhà và trang thiết bị hiện đại. Sắp tới, trường sẽ xây dựng phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia, với quy mô đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng, cùng với phòng thí nghiệm ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống, quy mô đầu tư khoảng 320 tỷ đồng.

PGS.TS Vũ Hải Quân cũng cho biết, 2025 là năm quan trọng, đánh dấu nhiều sự kiện lịch sử của đất nước, đồng thời cũng là năm ĐHQG-HCM tròn 30 năm tuổi. Đây là thời điểm ĐHQG-HCM nhận thức rõ trách nhiệm lớn lao trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Theo đó, trong năm nay, ĐHQG-HCM tiếp tục đổi mới quản trị đại học theo hướng tinh gọn, hiện đại và hiệu quả, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, gắn kết với nhu cầu phát triển của đất nước, hội nhập với khu vực và thế giới, phù hợp với chiến lược phát triển của ĐHQG-HCM.

Trong phát triển nghiên cứu khoa học và công nghệ, ĐHQG-HCM sẽ đưa vào vận hành và khai thác hiệu quả trang thiết bị của dự án Trung tâm Nghiên cứu tiên tiến và Đổi mới sáng tạo. Trung tâm này hợp tác với các doanh nghiệp để mở rộng các hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cho sinh viên. Trung tâm tọa lạc trên diện tích 4,65 hecta với tổng kinh phí đầu tư xây dựng lên đến 700 tỷ đồng. Đây sẽ là nơi đặt các phòng thí nghiệm tiên tiến, có quy mô hàng ngàn tỷ đồng, các xưởng sản xuất thử nghiệm và các trung tâm R&D hợp tác với doanh nghiệp.

Song song đó, ĐHQG-HCM cũng sẽ đẩy mạnh phát triển và đăng ký bằng sáng chế (patent) cho các sản phẩm mẫu (prototype) trong các lĩnh vực công nghệ vật liệu, sinh học, hóa dược, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)... Bên cạnh đó, nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cơ bản trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, cùng với khoa học liên ngành, nhằm hướng đến các công bố trên các tạp chí khoa học hàng đầu.

Đan Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/nghien-cuu-khoa-hoc-va-cong-nghe-gan-lien-voi-nhu-cau-phat-trien-dat-nuoc-20250205213414458.htm
Zalo