Lựa chọn 'tướng kinh tế' của ông Trump ảnh hưởng gì đến thị trường
Ông Trump vừa chọn ông Scott Bessent làm 'tướng kinh tế' cho Nội các. Lựa chọn này có thể gây ảnh hưởng gì đến thị trường?
Thị trường tài chính lập tức hoan nghênh lựa chọn của ông Trump với việc các loại tiền tệ trên toàn cầu tăng giá, nhờ kỳ vọng rằng ông Bessent có thể sẽ giảm bớt sự khó chịu từ quan điểm kinh tế cực đoan của tổng thống đắc cử.
Ví dụ, chỉ số USD - thước đo tỷ giá đồng bạc xanh so với 6 loại tiền tệ chính xuống 106,69 (giảm 0,8%), xóa bỏ mức tăng gần đây sau đợt tăng giá từ cuối tháng 9. Euro là một trong những đồng tiền có hiệu suất cao nhất, tăng khoảng 1% để giao dịch ở mức 1,0517 USD. Đồng JPY, GBP cũng giao dịch cao hơn so với USD.
Với giới hoạch định chiến lược, ông Scott Bessent - nhà sáng lập Quỹ đầu tư Key Square Capital Management là "người đáng tin cậy", một nhà đầu tư có tiếng và là lựa chọn ôn hòa hơn so với các đối thủ khác. Nhiều người kỳ vọng Bessent sẽ giúp ông Trump cân nhắc hướng tiếp cận nhẹ nhàng hơn với chính sách thuế, bãi bỏ quy định để thúc đẩy tăng trưởng và cắt giảm chi tiêu thâm hụt.
Theo Susannah Streeter - Giám đốc bộ phận Tiền tệ và Thị trường tại Hargreaves Lansdown, việc ông Trump chọn Bộ trưởng Tài chính đã cải thiện tâm lý của nhà đầu tư, khi cổ phiếu trên Phố Wall có vẻ sẽ tăng mạnh trở lại.
“
Sự nghiệp của ông Bessent trong việc điều hướng những biến động của thị trường đã thúc đẩy sự tự tin về các chính sách có lợi cho doanh nghiệp trong thời gian tới, cũng như nuôi dưỡng hy vọng rằng bất kỳ mức thuế nào cũng sẽ có mục tiêu cụ thể và có khả năng ít gây lạm phát hơn.
Susannah Streeter - Giám đốc bộ phận Tiền tệ và Thị trường tại Hargreaves Lansdown
Cắt giảm thuế và chính sách ba mũi tên
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên sau khi được chọn, Bessent cho biết ưu tiên chính sách của ông là thực hiện cam kết giảm thuế khác nhau của ông Trump. Chúng gồm cắt giảm thuế vĩnh viễn ngay nhiệm kỳ đầu và xóa bỏ thuế với phúc lợi an sinh xã hội lẫn tiền làm thêm giờ. Ông nói việc ban hành thuế, giảm chi tiêu sẽ là trọng tâm, và "duy trì vị thế USD là đồng tiền dự trữ của thế giới".
Hơn nữa, nếu chính thức thành Bộ trưởng Tài chính, ông Bessent sẽ giám sát việc bán hàng nghìn tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ theo loại mà ông từng giao dịch. Các trách nhiệm khác sẽ gồm tư vấn về chính sách tài khóa, xử lý việc thu thuế, thực thi lệnh trừng phạt...
Bessent từ lâu đã lo ngại về khoản nợ lớn của Mỹ và cho rằng cách chính để giảm nợ là thúc đẩy tăng trưởng, qua đó tăng doanh thu thuế. Ông khuyên ông Trump theo đuổi chính sách 3-3-3, lấy cảm hứng từ chính sách "Ba mũi tên" hồi sinh nền kinh tế Nhật vào những năm 2010 của cố Thủ tướng Shinzo Abe.
"Ba mũi tên" của Bessent gồm cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 3% GDP năm 2028, thúc đẩy tăng trưởng GDP 3% qua việc bãi bỏ quy định và sản xuất thêm 3 triệu thùng dầu hoặc tương đương mỗi ngày.
Để kiểm soát chi tiêu chính phủ, Bessent ủng hộ việc gia hạn Đạo luật cắt giảm thuế và việc làm 2017 nhưng với cái gọi là trả tiền để giảm chi phí. Điều đó sẽ liên quan đến việc giảm chi tiêu hoặc tăng doanh thu ở nơi khác để bù đắp tác động. Ông cũng đề xuất đóng băng chi tiêu tùy ý không liên quan đến quốc phòng và cải cách trợ cấp cho xe điện và các phần khác của Đạo luật giảm lạm phát.
Một cách tiếp cận "nhiều lớp" với thuế quan
Thực tế, chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử đầu tháng đã dấy lên nhiều lo ngại về kịch bản giá cả tăng, khiến giới phân tích xem lại triển vọng về lợi suất trái phiếu và tiền tệ toàn cầu. Nhiều người cho rằng cam kết giảm thuế và áp thuế cao của ông Trump có thể giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng, nhưng sẽ làm tăng thâm hụt tài chính và thúc đẩy lạm phát.
Khi vận động tranh cử, ông Trump đã đề xuất áp thuế suất chung 20% với tất cả hàng nhập vào Mỹ. Đặc biệt, mức thuế tới 60% cho sản phẩm Trung Quốc và 2.000% cho các loại xe sản xuất ở Mexico. Do đó, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ kỳ vọng ông Bessent có thể điều chỉnh một số lời hứa mạnh mẽ của ông Trump.
Chúng gồm các cuộc trục xuất hàng loạt đe dọa làm nhiều ngành công nghiệp chủ chốt thiếu hụt lao động, sự ảnh hưởng đến chính sách của Cục Dự trữ Liên bang và thuế quan toàn diện với tất cả 3.000 tỷ USD hàng xuất khẩu của Mỹ.
“
Đối với thuế quan - vấn đề gây chia rẽ rõ rệt nhất giữa ông Trump và giới lãnh đạo doanh nghiệp truyền thống, ông Bessent tập trung vào giá trị của thuế như một công cụ để đạt thỏa thuận tốt hơn với các đối tác thương mại. Đây là một mục tiêu vốn có lịch sử lâu đời và nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng.
Judge Glock - Thành viên cấp cao của Viện nghiên cứu Manhattan
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg hồi tháng 8, ông Bessent nói thuế sẽ chủ yếu nhắm vào Trung Quốc.
"Tôi cho rằng thuế quan theo cách nào đó có thể được xem như lệnh trừng phạt kinh tế ngầm. Nếu không thích chính sách kinh tế của Trung Quốc, hay cách nước này xâm chiếm thị trường bằng cách sản xuất hàng hóa quá mức, bạn có thể trừng phạt hay đánh thuế họ. Đây cũng là lời đáp trả cho hành vi thao túng tiền tệ", ông nói.
Theo đó, Bessent nhiều khả năng sẽ kêu gọi áp thuế giống với chương trình trừng phạt của Bộ Tài chính như một công cụ thúc đẩy lợi ích của Mỹ ở nước ngoài. Ông sẵn sàng xóa bỏ thuế với các nước thực hiện cải cách cơ cấu và lên tiếng ủng hộ khối thương mại công bằng cho các đồng minh có chung lợi ích an ninh và cách tiếp cận có đi có lại với thuế quan.
Tất nhiên, ngay cả khi Bessent là tiếng nói ôn hòa trong những cuộc tranh luận của ông Trump về thuế và trục xuất, điều ấy không có nghĩa là ông nhất định sẽ giành chiến thắng trong các cuộc tranh luận đó, mà lựa chọn cuối cùng sẽ do chính tổng thống quyết định.