Khởi nghiệp sáng tạo 'Từ địa phương ra quốc tế'
Chiều 26/11, tại Hải Phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức Diễn đàn chính sách cấp cao về khởi nghiệp sáng tạo 'Từ địa phương ra quốc tế'. Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện Techfest quốc gia 2024.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh cho biết, năm 2024, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam đã tăng 2 bậc, xếp hạng 44/133 quốc gia và nền kinh tế. Việt Nam cũng là một trong ba quốc gia có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 14 năm liên tiếp. Việc nước ta luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển cho thấy hiệu quả của Chính phủ trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra trong lĩnh vực này.
Cũng trong thời gian qua, thu hút đầu tư mạo hiểm của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trở lại sau đại dịch Covid-19 và những biến đổi của khu vực cũng như thế giới. Số thương vụ đầu tư mạo hiểm năm 2024 của Việt Nam tăng 27 bậc, xếp hạng 50/133 quốc gia, nền kinh tế. Điều này phản ánh môi trường đầu tư và chất lượng của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam được cải thiện. Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lọt Top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu và lần đầu tiên thành phố Đà nẵng cũng lọt Top 1.000 thành phố khởi nghiệp toàn cầu. Những con số trên cho thấy, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đang trên đà phát triển và thể hiện tiềm năng bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn chuyển mình.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Hoàng Minh cũng nhận định, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã cơ bản bước qua giai đoạn đầu tiên, đang bước sang giai đoạn thứ hai, mở rộng và hội nhập với các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên thế giới. Trong giai đoạn phát triển vừa qua, Việt Nam có nhiều chủ trương, chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo nhưng vẫn cần cải thiện hệ thống quy định pháp lý, tạo hành lang pháp luật để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đúng với bản chất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành phố phát triển.
Chia sẻ tại diễn đàn, với vai trò từ địa phương Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết: Trong những năm qua, quy mô kinh tế thành phố không ngừng được mở rộng, tốc độ tăng trưởng tương đối cao, 9 năm liền giữ mức tăng trưởng 2 con số. Hải Phòng đang dần khẳng định là thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; tiếp tục định hình rõ nét vai trò trọng điểm kinh tế biển của cả nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2023 của thành phố xếp vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023 đạt 52,32 điểm, xếp thứ 3 cả nước, sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, xếp thứ 2/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng.
Đạt được những thành tựu đó, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp vai trò quan trọng. Trong bối cảnh Hải Phòng đang nỗ lực triển khai Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mà trong đó, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Với mục tiêu đến năm 2030, Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại; trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học-công nghệ với các ngành nghề hàng hải, đại dương học, kinh tế biển, thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là trong các ngành như công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo, dịch vụ logistics, y học biển...
Với quyết tâm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng như phát triển Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của Hải Phòng, thành phố sẽ biến những thách thức này thành cơ hội, đẩy mạnh liên kết nguồn lực từ địa phương, quốc gia và quốc tế. Đồng thời, trên cơ sở khai thác đặc thù và thế mạnh thành phố làm nguồn lực phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thành phố kêu gọi sự hợp tác, tinh thần liên kết từ các địa phương, quốc gia và quốc tế để cùng chia sẻ, học tập kinh nghiệm, hướng đến một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bền vững trong tương lai. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cho biết thêm.
Tại diễn đàn, đại biểu tham dự đã tham gia vào hai phiên thảo luận chính. Phiên một với chủ đề “Khai thác thế mạnh đặc thù phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo địa phương”, các địa phương Việt Nam và Hàn Quốc có thế mạnh ngành tương đồng sẽ cùng tham gia thảo luận về việc biến thách thức thành cơ hội và tìm kiếm những giải pháp cho tương lai, phát triển kinh tế địa phương gắn liền với khởi nghiệp sáng tạo dựa trên thế mạnh đặc thù. Một trong những điểm nhấn của diễn đàn là việc trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương Việt Nam với các địa phương Hàn Quốc, những nơi đã thành công trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp năng động thông qua hệ thống các trung tâm kinh tế sáng tạo và đổi mới cũng như hệ thống các công viên công nghệ, mở ra cơ hội cho các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam áp dụng và học hỏi mô hình hỗ trợ, nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.
Trong phiên thứ hai, với thông điệp “Liên kết, khơi thông nguồn lực và phát triển hệ thống trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo địa phương”, các đại biểu tham gia cùng đưa ra những đề xuất, giải pháp đổi mới, liên kết nguồn lực giữa Việt Nam và quốc tế, giữa khu vực tư và công, với định hướng biến Trung tâm hỗ trợ quốc gia trở thành nơi kết nối và phân bổ nguồn lực phù hợp với lợi thế địa phương, và Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo địa phương bảo đảm số lượng và chất lượng đầu ra từng dự án.
Thông qua Diễn đàn, Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn khuyến khích sự liên kết giữa các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo địa phương, quốc gia và quốc tế, khai thác tối đa các nguồn lực trong việc cung cấp hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo. Việt Nam sẵn sàng học hỏi và áp dụng các sáng kiến hợp tác quốc tế để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước phát triển với định hướng bền vững và kết nối toàn cầu.