Lựa chọn môn thi thứ ba vào lớp 10: Bảo đảm mục tiêu giáo dục toàn diện
Năm đầu triển khai quy định mới, ngoại ngữ là môn học được nhiều địa phương ưu tiên lựa chọn là môn thi thứ 3 đối với tuyển sinh THPT...
![Thí sinh TPHCM sau khi kết thúc môn Tiếng Anh kỳ thi vào lớp 10 năm học 2024 – 2025. Ảnh minh họa: INT](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_181_51410489/bb97275c1f12f64caf03.jpg)
Thí sinh TPHCM sau khi kết thúc môn Tiếng Anh kỳ thi vào lớp 10 năm học 2024 – 2025. Ảnh minh họa: INT
Theo Thông tư 30/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024, ngoài 2 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, việc chọn môn thi hoặc bài thi thứ 3 đối với tuyển sinh THPT thuộc trách nhiệm của sở GD&ĐT. Năm đầu triển khai quy định mới, ngoại ngữ là môn học được nhiều địa phương ưu tiên lựa chọn.
Nhiều địa phương chọn ngoại ngữ
Theo quy định, môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 3 năm liên tiếp. Bài thi thứ ba là bài thi tổ hợp của một số môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số thuộc chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.
Thời điểm này, nhiều sở GD&ĐT đã dự kiến, đề xuất, thậm chí chốt môn thứ 3 trong kỳ thi vào lớp 10 năm học 2025 - 2026 và hầu hết chọn ngoại ngữ, đặc biệt là môn Tiếng Anh. Một số địa phương chọn/dự kiến chọn môn Tiếng Anh như: TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Hải Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam, Thái Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Đồng Nai, Bình Dương…
Địa phương chọn ngoại ngữ có Thừa Thiên Huế (Tiếng Anh, Tiếng Pháp hoặc Tiếng Nhật), Hải Phòng (Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Nga, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn, Tiếng Trung Quốc), Cần Thơ (Tiếng Anh, Tiếng Pháp), Nghệ An (Tiếng Anh, Tiếng Pháp).
Riêng Vĩnh Phúc, ngày 31/12/2024, Sở GD&ĐT công bố phạm vi kiến thức, đề thi tham khảo các môn trong lựa chọn cho môn thi hoặc bài thi thứ 3, gồm: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, môn Tiếng Anh. Trước đó, sở này công bố cấu trúc định dạng và bảng năng lực của 2 môn thi Toán, Ngữ văn.
Cho biết Tiền Giang đã chọn môn thi thứ 3 là Tiếng Anh, ông Lê Quang Trí - Giám đốc Sở GD&ĐT chia sẻ: Nhiều năm qua, tỉnh duy trì 3 môn thi vào lớp 10 là Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Sở GD&ĐT đã thực hiện khảo sát trong tháng 1/2025 và 100% người được hỏi chọn Tiếng Anh là môn thứ 3. Do đó có thể 2 năm tiếp theo, Tiền Giang tiếp tục chọn môn học này.
Thông tin môn thi thứ 3 được TP Huế lựa chọn là ngoại ngữ, ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở GD&ĐT đồng thời nhận định việc ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT theo Thông tư số 30/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 là cần thiết, phù hợp với việc triển khai Chương trình GDPT 2018. Đã có sự chuẩn bị từ khá sớm nên những thay đổi trong Thông tư 30 được ngành, cơ sở giáo dục của địa phương đón nhận triển khai một cách chủ động; quy định mới về tuyển sinh THCS, THPT hoàn toàn phù hợp.
“Tổ chức tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT thực hiện theo nguyên tắc: Bảo đảm an toàn, khách quan, công bằng, nghiêm túc; thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục THCS và mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản. Trên cơ sở 3 nguyên tắc này, phụ huynh, học sinh không có gì phải lo lắng.
Trong quá trình chỉ đạo, điều hành, chúng tôi tính toán kỹ về quá trình dạy học, kiểm tra đánh giá, tính chỉ tiêu phân luồng từng năm đúng theo quy định và không làm ảnh hưởng, khó khăn đến quá trình học tập, thi tuyển của học sinh. Đề thi cũng sẽ ra sát với chương trình; nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, chủ yếu là lớp 9.
Như vậy, việc tổ chức dạy học của các nhà trường theo tinh thần hướng đến thực hiện tốt Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024, từng bước giải quyết triệt để các hạn chế bất cập hệ lụy phát sinh của dạy thêm, học thêm thiếu tích cực”, ông Nguyễn Tân chia sẻ.
![Giờ học tại Trường THCS Đống Đa (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NTCC](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_181_51410489/0b2999e2a1ac48f211bd.jpg)
Giờ học tại Trường THCS Đống Đa (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NTCC
Bảo đảm giáo dục toàn diện
Thầy Vũ Ngọc Hòa - Trường THPT Ngô Quyền (Đồng Nai) nhận định: Chọn ngoại ngữ làm môn thi thứ 3 là đúng đắn; quy định không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 3 năm liên tiếp là hợp lý. Các môn như Tin học, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội là những lựa chọn phù hợp cho các năm tiếp theo khi có sự chuẩn bị chu đáo hơn về đội ngũ, cơ sở vật chất.
Nêu quan điểm, thầy Lê Văn Hòa - Giám đốc Trung tâm GDTX - Tin học, Ngoại ngữ tỉnh Quảng Trị cho rằng, hiện có sự chênh lệch về năng lực ngoại ngữ của học sinh nông thôn, vùng khó và thành thị. Các phương thức tuyển sinh đại học lại ưu tiên cao học sinh năng lực ngoại ngữ tốt.
Nếu tuyển sinh THPT có môn ngoại ngữ, học sinh sẽ tập trung ôn luyện và chắc chắn chất lượng học tập bộ môn được nâng cao. Ngoại ngữ còn là một trong 8 môn bắt buộc phải học ở THPT. Ngoài ra, Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị đặt vấn đề từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, nên môn thứ 3 chọn ngoại ngữ là phù hợp.
Thầy Lê Văn Hòa cũng bày tỏ băn khăn khi nhiều học sinh THCS có tâm lý ngại chọn các môn học tự nhiên, trong khi thị trường lao động việc làm và xu hướng đột phá phát triển khoa học công nghệ rất cần lao động có năng lực về lĩnh vực này. Để khắc phục, học sinh cần được tư vấn hướng nghiệp sớm từ THCS và mỗi nhà trường phải có trách nhiệm làm tốt công tác tư vấn cho học sinh để tránh mất cân bằng về nguồn nhân lực trong tương lai.
Liên quan đến vấn đề này, thầy Lê Văn Hòa nhắc đến giải pháp với bài thi tổ hợp. Ưu điểm của bài tổ hợp là cùng lúc kiểm tra, đánh giá được năng lực học sinh ở nhiều môn học, từ đó tránh học lệch, học tủ. Việc thiết kế đề thi tổ hợp có thể hướng đến các dạng câu hỏi tích hợp sử dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn; điều này giúp học sinh thay đổi phương pháp, tư duy học tập theo đúng mục tiêu Chương trình GDPT 2018.
Bài thi tổ hợp có thể bao gồm các mạch kiến thức về tự nhiên, xã hội và ngoại ngữ sẽ tạo được sự công bằng trong tuyển sinh đối với học sinh. Mặt khác, bài thi tổ hợp giúp người học tiếp cận sớm các kỳ thi đánh giá năng lực đang được một số trường đại học có thương hiệu tổ chức thi đầu vào, cũng là xu thế của giáo dục thế giới.
“Tuy nhiên, khó khăn với bài tổ hợp là việc ra đề thi đòi hỏi phải có ngân hàng đề chuẩn, đủ lớn và tổ chức thi trên máy tính để đảm bảo tính khách quan. Điều này ít địa phương có thể triển khai được, đòi hỏi phải có quá trình chuẩn bị công phu, tốn kém. Học sinh THCS không tránh khỏi khó khăn, bỡ ngỡ với dạng bài này. Vì vậy, cần công bố ma trận đề sớm để các em chủ động ôn tập”, thầy Lê Văn Hòa chia sẻ.
Quy định môn thứ 3 không trùng 3 năm liên tiếp bảo đảm mục tiêu giáo dục toàn diện, hạn chế tình trạng học sinh lơ là với môn không thi. Tuy nhiên, năm đầu tiên thực hiện thông tư mới, ngoại ngữ là lựa chọn đem lại hài lòng nhất cho các nhà trường, học sinh và phụ huynh vì tâm thế chuẩn bị sẵn sàng cho môn học này, cũng như yêu cầu ngày càng quan trọng về kỹ năng ngoại ngữ với người học. - Thầy Giang Ngọc Ảnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Mỹ Lộc (Thái Thụy, Thái Bình)