Đặt mục tiêu 220 sinh viên trên 1 vạn dân trong năm 2025

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra 15 nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện kế hoạch năm 2025 của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách...

Giữ vững tinh thần vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2025 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.

Theo Kế hoạch, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết tâm, giữ vững tinh thần vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt, hành động quyết liệt, khoa học, hiệu quả, tích cực đổi mới, sáng tạo theo đúng tinh thần “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tạo đà bứt phá” với 5 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ; tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Chính phủ giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2025 đối với lĩnh vực giáo dục.

15 nhiệm vụ, giải pháp

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra 15 nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện kế hoạch của Chính phủ năm 2025. Đáng chú ý, trong số 15 nhiệm vụ, giải pháp của Bộ này có một số nội dung quan trọng như: Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đổi mới chương trình giáo dục mầm non, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, số sinh viên đại học trên 1 vạn dân năm 2025 đạt 220 người, khuyến khích phát triển mô hình trường học mới, phát triển đội ngũ, tăng cường cơ sở vật chất…

Cụ thể, 15 nhiệm vụ, giải pháp của Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:

Một là, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Kết luận số 91-KL/TW ngày 13/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hai là, tập trung hoàn thiện thể chế, đổi mới công tác quản lý giáo dục, đào tạo và quản trị nhà trường theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế.

Ba là, hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy; tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi.

Ngành giáo dục đặt mục tiêu đạt 220 sinh viên trên 1 vạn dân trong năm 2025. Ảnh: CMC

Ngành giáo dục đặt mục tiêu đạt 220 sinh viên trên 1 vạn dân trong năm 2025. Ảnh: CMC

Bốn là, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, thực hiện đổi mới Chương trình Giáo dục mầm non, triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đẩy mạnh xây dựng các mô hình học tập, xã hội học tập, học tập suốt đời; tăng cường thực hiện công bằng, bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Năm là, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; chủ động đào tạo nhân lực các ngành, lĩnh vực trọng điểm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhất là các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật, công nghệ, đường sắt cao tốc và các ngành mới như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, chíp bán dẫn… đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học thực chất; số sinh viên đại học trên 1 vạn dân năm 2025 đạt 220 người; thúc đẩy nghiên cứu khoa học…

Sáu là, khuyến khích phát triển các mô hình trường học mới, trường học số, trường học thông minh.

Bảy là, tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục quốc phòng và an ninh, giáo dục thể chất, thể thao trường học cho học sinh, sinh viên, gắn với việc xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam; đẩy mạnh triển khai xây dựng văn hóa học đường, quan tâm giáo dục cho học sinh, sinh viên lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng cống hiến phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tám là, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục của người dân (trong đó, quan tâm đến đối tượng là người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn…); tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông, công bằng, bình đẳng, thúc đẩy xã hội học tập và học tập suốt đời; đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.

Chín là, phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; tiếp tục giải quyết tình trạng thiếu giáo viên các cấp học, nhất là tại các địa bàn vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Mười là, tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

Mười một, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục; hoàn thiện các cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, kết nối liên thông dữ liệu trong ngành giáo dục và kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và Bộ phận một cửa, một cửa liên thông.

Mười hai, tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục

Mười ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Mười bốn, tăng cường công tác truyền thông giáo dục.

Mười lăm, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua trong toàn ngành.

2025 là năm Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn tất chu trình đầu tiên đổi mới căn bản toàn diện giáo dục từ lớp 1 đến lớp 12 theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng và Nghị quyết 88 của Quốc hội. Đây cũng là năm khởi đầu tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngân Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dat-muc-tieu-220-sinh-vien-tren-1-van-dan-trong-nam-2025-372553.html
Zalo