Nguyên nhân Trung Quốc để ngỏ đàm phán với Mỹ sau khi bị Washington áp thuế 10%
Trước áp lực thuế quan mới từ Mỹ, Trung Quốc phát tín hiệu muốn nối lại đàm phán thương mại với chính quyền Trump, đề xuất khôi phục thỏa thuận Giai đoạn 1 và tăng đầu tư vào Mỹ. Tuy nhiên, nội bộ Washington vẫn chia rẽ về cách tiếp cận với Bắc Kinh, khiến cuộc thương lượng lần này tiềm ẩn nhiều kịch tính.
Theo báo Wall Street Journal ngày 3/2, trong bối cảnh Mỹ vừa tuyên bố áp thuế 10% lên hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh đang cho thấy những dấu hiệu sẵn sàng quay trở lại bàn đàm phán thương mại với chính quyền Trump. Động thái này nhằm ngăn chặn việc tăng thuế quan và hạn chế công nghệ từ Washington.
Trong phản ứng ban đầu khá ôn hòa, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ kiện các biện pháp thuế quan mới lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời kêu gọi "đối thoại thẳng thắn" giữa hai bên. Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cũng đã lên tiếng yêu cầu Mỹ "sửa chữa những hành vi sai trái".
Những người am hiểu tình hình cho biết, đề xuất ban đầu của Trung Quốc sẽ tập trung vào việc khôi phục thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 đã ký năm 2020 với chính quyền Trump trước đây. Thỏa thuận này yêu cầu Trung Quốc tăng mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ thêm 200 tỷ USD trong hai năm. Tuy nhiên, theo ước tính của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Trung Quốc chỉ mới thực hiện được 58% cam kết mua hàng.
Kế hoạch mới của Trung Quốc còn bao gồm các đề xuất về tăng đầu tư vào Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực pin cho ô tô điện, cam kết không phá giá đồng nhân dân tệ và giảm xuất khẩu tiền chất fentanyl. Đáng chú ý, Bắc Kinh còn có ý định xem xét vấn đề TikTok như một "vấn đề thương mại" sau khi Tổng thống Trump đề xuất chia đôi quyền kiểm soát ứng dụng này theo tỷ lệ 50-50 giữa hai nước.
Arthur Kroeber, đối tác sáng lập và Giám đốc nghiên cứu tại Gavekal Dragonomics, nhận định: "Trung Quốc sẽ rất vui khi tham gia đàm phán thỏa thuận. Mục tiêu về cơ bản là làm giảm bớt sự tấn công của Mỹ".
Động thái này của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với khó khăn kinh tế, trong khi ông Trump đã cho các cơ quan liên bang thời hạn đến đầu tháng 4 tới để đưa ra khuyến nghị về chính sách đối với Trung Quốc. Yun Sun, Giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, cho biết: "Bắc Kinh rất mong muốn biết yêu cầu mà nhóm cố vấn của ông Trump đưa ra và tìm kiếm cơ hội đàm phán, đặc biệt là về thuế quan và công nghệ".
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc đàm phán sẽ không đơn giản. Trong chính quyền Trump, có sự chia rẽ về cách tiếp cận với Trung Quốc. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent ủng hộ việc thực thi các cam kết mua hàng Giai đoạn 1, trong khi Howard Lutnick, ứng viên Bộ trưởng Thương mại, lại ủng hộ các biện pháp mạnh hơn, đặc biệt trong việc kiểm soát công nghệ.
Bob Davis, nhà báo kỳ cựu và đồng tác giả cuốn "Superpower Showdown", nhận định: "Tổng thống Trump không coi Trung Quốc là mối đe dọa quân sự đối với Mỹ như nhiều cố vấn của ông ấy, và ông ấy có thể cởi mở với một thỏa thuận. Tuy nhiên, đó sẽ là một cuộc chiến lớn ở trong nước".
Để đạt được mục tiêu tăng lượng mua sản phẩm từ Mỹ theo thỏa thuận Giai đoạn 1, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc sẽ phải tăng trung bình 33% mỗi năm, nhanh gấp khoảng ba lần so với tốc độ tăng trưởng hàng năm kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001. Lần này, Bắc Kinh dự định tập trung vào việc mua thêm các sản phẩm nông nghiệp, năng lượng và công nghiệp của Mỹ, đồng thời đề xuất được phép mua các sản phẩm công nghệ cao đang bị kiểm soát xuất khẩu.