Lúa chết cạnh cao tốc Cần Thơ - Cà Mau không liên quan đến sử dụng cát biển

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận khẳng định cát sử dụng ở khu vực lúa chết cạnh cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là cát sông, nhưng do nhà thầu sử dụng nước nhiễm mặn để tập kết cát dẫn đến tình trạng lúa chết.

Sáng 24-4, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Ban Quản dự án Mỹ Thuận (Bộ Xây dựng), cho biết lúa ở khu vực huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang chết không phải do sử dụng cát biển.

Nước sông nhiễm mặn do triều cường

Thực tế, khi nhận được phản ánh của người dân vào cuối tháng 3, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận mời Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hậu Giang, UBND huyện Long Mỹ và UBND xã Lương Nghĩa đi kiểm tra hiện trường. Đồng thời, đơn vị báo cáo UBND tỉnh Hậu Giang xem xét chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ đánh giá nguyên nhân và xác định thiệt hại.

 Lúa chết cạnh cao tốc. Ảnh: VGP

Lúa chết cạnh cao tốc. Ảnh: VGP

Tiếp đó, ngày 4-4, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm việc với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang và Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hậu Giang về nguyên nhân suy giảm năng suất lúa.

Trong đó, các bên đánh giá nguyên nhân chính là do quá trình bơm cát sông vào công trường, đơn vị thi công sử dụng nguồn nước trên sông Ngan Dừa. Trong khi đó, nước từ sông này lại bị nhiễm mặn do triều cường nhưng đơn vị thi công lại không xác định được.

Thêm vào đó, quá trình sử dụng nước bơm tập kết cát do kết cấu nền đất không chặt khiến nước thẩm thấu ra bên ngoài và không thoát được ra kênh rạch mà rò rỉ từ nền đường vào đất sản xuất của người dân.

“Như vậy, chúng tôi xác định nguồn cát được sử dụng tại các vị trí bị ảnh hưởng được sử dụng là nguồn cát sông và được phân bổ theo cơ chế đặc thù từ tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long…”- đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho hay.

Sẽ bồi thường cho người dân trong ngày 30-4

Trên cơ sở kết luận, ngày 8-4, UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hậu Giang, UBND huyện Long Mỹ và Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận rà soát, thống kê, niêm yết, công khai diện tích lúa của người dân bị ảnh hưởng để xem xét, hỗ trợ.

Chính quyền địa phương cũng hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp rửa mặn trên ruộng trước khi tiến hành xuống giống vụ tiếp theo, đồng thời kiểm tra nguồn nước bơm cát và có giải pháp thi công đảm bảo an toàn cho sản xuất trong thời gian tới.

Triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Hậu Giang và Bộ Xây dựng, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết đã cùng nhà thầu thi công phối hợp với UBND huyện Long Mỹ kiểm đếm và xác định 62 hộ dân bị ảnh hưởng.

Hiện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và nhà thầu đã mời đơn vị bảo hiểm vào khảo sát, đánh giá và đã đưa ra hỗ trợ thiệt hại cho các hộ dân. Đến nay, các bên đã thống nhất kinh phí hỗ trợ thiệt hại và dự kiến sẽ chi trả cho người dân vào ngày 30-4.

“Cùng với đó, chúng tôi cũng yêu cầu nhà thầu cho khơi thông kênh rãnh, điều chỉnh giải pháp bơm cát và lấy nguồn nước bơm cát để tránh rò rỉ nước ra ruộng của bà con trong thời gian tới…”- Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho hay.

Trước đó, người dân huyện Long Mỹ đã phản ánh lúa vụ Đông Xuân cạnh cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thiệt hại do công trình bơm cát biển đắp nền. Việc thi công cao tốc không có mương thoát nước nên phèn và nước mặn tràn thấm xuống ruộng.

Sau đó, lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì kiểm tra.

Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài gần 111 km đi qua TP Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.

Công trình có tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Xây dựng) làm chủ đầu tư. Dự án khởi công ngày 1-1-2023, dự kiến cơ bản hoàn thành tháng 12-2025.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/lua-chet-canh-cao-toc-can-tho-ca-mau-khong-lien-quan-den-su-dung-cat-bien-post846260.html
Zalo