Dự báo tình trạng hạn hán, thiếu nước sẽ kết thúc vào đầu tháng Năm tới

Từ tháng 4-7 năm nay, tình hình nắng nóng và khô hạn có khả năng xảy ra ở nhiều khu vực, đặc biệt là ở phía Tây Bắc Bộ và các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk.

Anh Thạch Giàu tại xã Thạnh Phú, Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng chuyển đổi 6.000m2 đất lúa sang trồng dưa hấu (tiết kiệm nước) trong mùa hạn, mặn xâm nhập. (Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN)

Anh Thạch Giàu tại xã Thạnh Phú, Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng chuyển đổi 6.000m2 đất lúa sang trồng dưa hấu (tiết kiệm nước) trong mùa hạn, mặn xâm nhập. (Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN)

Khô hạn và thiếu nước hiện đang xảy ra ở nhiều địa phương với mức độ, quy mô nhỏ nên trước những dự báo về nắng nóng sắp tới yêu cầu các địa phương cần chủ động hơn trong việc quản lý nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt.

Tình hình này có thể diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại các khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi hạn hán.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tháng Tư đến tháng Bảy, tình hình nắng nóng và khô hạn có khả năng xảy ra ở nhiều khu vực, đặc biệt là ở phía Tây Bắc Bộ (Điện Biên, Sơn La, Lai Châu...) và các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk.

Cục Quản lý và Xây dựng Công trình Thủy lợi dự báo khu vực Tây Nguyên có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn hán và thiếu nước từ nay đến cuối vụ Đông Xuân 2024-2025, với diện tích khoảng 500-1.000ha (bao gồm tỉnh Gia Lai 100-400ha, tỉnh Đắk Lắk 200-300ha, tỉnh Đắk Nông 200-300ha). Những diện tích này chủ yếu ở các khu vực ngoài hệ thống công trình thủy lợi. Dự báo tình trạng hạn hán và thiếu nước sẽ kết thúc vào đầu tháng Năm tới.

Hiện dung tích bình quân các hồ chứa thủy lợi tại khu vực Nam Trung Bộ hiện đạt 77% dung tích thiết kế, trong khi khu vực Tây Nguyên có mức dung tích thấp nhất, chỉ đạt 36%.

Cụ thể: Kon Tum 39% dung tích thiết kế, Gia Lai 30%, Đắk Lắk 33%, Đắk Nông 45%, Lâm Đồng 67%. Toàn vùng Tây Nguyên hiện có 52 hồ cạn nước, gồm 11 hồ ở Kon Tum, 21 hồ ở Đắk Lắk và 20 hồ ở Đắk Nông.

Tại Gia Lai, gần 269ha lúa (chiếm 1,1% tổng diện tích lúa toàn tỉnh) nằm ngoài các khu tưới của hệ thống thủy lợi, đặc biệt tại các huyện Đắk Đoa, Chư Sê, Kbang, đang bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Các diện tích này đã được khuyến cáo không nên sản xuất trong vụ Đông Xuân 2024-2025 ngay từ đầu vụ, do nguồn nước không đủ để phục vụ sản xuất. Các địa phương khác chưa ghi nhận thiệt hại đáng kể do hạn hán và thiếu nước.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ thực vật, cho biết khi Tây Nguyên bước vào giai đoạn cao điểm của hạn hán, cục đã có văn bản gửi các ngành nông nghiệp và môi trường các tỉnh Tây Nguyên yêu cầu theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất nông nghiệp, đồng thời triển khai các biện pháp giảm thiểu thiệt hại do hạn hán. Cục cũng khuyến cáo các địa phương áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng chống hạn hán hiệu quả, đặc biệt là đối với cây công nghiệp lâu năm.

 Một đàn gia súc đi tìm nước uống giữa trưa nắng bên cạnh dòng suối đã cạn trơ đáy ở Bình Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Một đàn gia súc đi tìm nước uống giữa trưa nắng bên cạnh dòng suối đã cạn trơ đáy ở Bình Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Tại Bình Thuận, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cho biết tỉnh đang bước vào cao điểm mùa khô năm 2025. Mặc dù lượng nước trong các hồ chứa hiện vẫn còn ở mức cao, đủ để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân và phục vụ tưới cho vụ Hè Thu theo kế hoạch, nhưng Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo thời tiết; đồng thời thông báo tình hình nguồn nước đến Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố để kịp thời cập nhật vào phương án phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn.

Bình Thuận hiện có 78 hệ thống công trình thủy lợi đã đưa vào khai thác, với tổng lượng nước trữ tại các hồ chứa thủy lợi đạt 180/360 triệu m3, tương đương 50% dung tích thiết kế. Điều kiện nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi và các hồ thủy điện Hàm Thuận, Đại Ninh hiện nay thuận lợi hơn so với các năm trước, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân đến hết tháng Sáu tới và phục vụ tưới cho vụ Hè Thu cũng như nuôi trồng thủy sản.

Tại Bắc Bộ, dung tích bình quân các hồ chứa thủy lợi hiện đạt 53,2% dung tích thiết kế, trong khi khu vực Bắc Trung Bộ đạt 62%, cao hơn 4% so với mức trung bình nhiều năm.

Tại Nghệ An, dự báo nắng nóng sẽ xuất hiện từ tháng Tư này và gia tăng cường độ trong tháng Năm đến tháng Bảy tới. Với thực trạng nguồn nước tại các hồ đập, sông suối, và các công trình đầu mối, nguy cơ hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn có thể xảy ra ở các vùng cao, cuối kênh và cuối hệ thống. Dự báo diện tích có nguy cơ hạn hán và thiếu nước có thể lên tới hơn 2.900ha.

Để chủ động ứng phó với tình hình này, ngành nông nghiệp và môi trường Nghệ An đã xây dựng phương án chống hạn và phương án tưới hợp lý. Đồng thời, các biện pháp như tu sửa bờ vùng, nạo vét kênh mương và thực hiện tưới tiết kiệm nước sẽ được triển khai ngay từ đầu vụ.

Tại Đông Nam Bộ, dung tích bình quân các hồ chứa thủy lợi đạt 60,7%, cao hơn 12,9% so với mức trung bình của nhiều năm. Trong tuần qua, xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long đã giảm và dự báo từ nay đến hết tháng Tư này, dòng chảy từ thượng nguồn về Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tăng mạnh, xâm nhập mặn có xu hướng giảm dần.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết xâm nhập mặn tại các cửa sông Cửu Long đã qua đỉnh và khả năng xuất hiện nước ngọt ở các khu vực cách biển từ 30-40km trở vào sẽ thường xuyên, thuận lợi cho các công trình thủy lợi lấy nước, đặc biệt là vào thời điểm triều thấp.

Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi đã yêu cầu các Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng cường vận hành công trình thủy lợi để cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/du-bao-tinh-trang-han-han-thieu-nuoc-se-ket-thuc-vao-dau-thang-nam-toi-post1034831.vnp
Zalo