Lũ trên sông Kôn (Bình Định) tiếp tục lên và khả năng đạt đỉnh
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tối 14/11, khu vực từ Quảng Nam đến Khánh Hòa đã có mưa vừa, mưa to, riêng Quảng Ngãi đến Phú Yên có mưa to đến rất to (lượng mưa đo được đến 20 giờ ngày 14/11) như: Phổ Khánh (Quảng Ngãi) 144.6 mm, Ba Liên (Quảng Ngãi) 129.4 mm, Phù Mỹ (Bình Định) 368.1 mm, Cát Minh (Bình Định) 359 mm, Sông Hinh 4 (Phú Yên) 188.4 mm….
Dự báo, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên từ đêm 14/11 đến ngày 18/11, Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa dự báo, ở Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên phổ biến 200-300 mm, có nơi trên 400 mm. Các tỉnh Quảng Trị, Khánh Hòa phổ biến 80-180 mm, có nơi trên 200 mm.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 20-50 mm/24 giờ, có nơi trên 70 mm/24 giờ, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét và mưa đá cấp 1.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, tối 14/11, mực nước trên sông Kôn (Bình Định) đang lên, các sông khác ở Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên có dao động, các sông ở Khánh Hòa đang xuống. Mực nước trên sông Kôn tại Thạnh Hòa lúc 19 giờ là 7,48 m (trên báo động 2 là 0,48 m).
Dự báo, sáng 15/11, lũ trên sông Kôn tiếp tục lên và có khả năng đạt đỉnh ở mức 7,9 m, dưới báo động 3 là 0,1m, sau dao động ở mức cao. Tối 15/11, lũ trên sông Kôn xuống chậm.
Cảnh báo, từ tối 14/11 đến 19/11, trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Phú Yên và Khánh Hòa lên mức báo động 1- báo động 2, có sông trên báo động 2; các sông ở Quảng Ngãi và Bình Định lên mức báo động 2- báo động 3, có sông trên báo động 3.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.
Các chuyên gia khuyến cáo, để giảm thiểu thiệt hại do lũ quét gây ra, đối với các vùng có nguy cơ lũ quét cao, chính quyền và các cơ quan chức năng cần có những phương án cụ thể để phòng tránh; có phương án sơ tán người lên các vùng cao và những địa điểm an toàn, nhất là đối với người già, trẻ em. Mỗi người dân cần nắm chắc và sử dụng thành thạo bản đồ nguy cơ ngập lụt, làm chủ các phương án sơ tán và chủ động trong phòng tránh; thành lập các đơn vị xung kích cứu nạn để sẵn sàng làm nhiệm vụ giúp dân sơ tán, tìm kiếm, cứu trợ, cấp cứu người và bảo vệ tài sản của nhân dân trong thời gian có lũ quét...
Ngoài ra, người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn.