Nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản chiếm đoạt, nợ tín dụng

Trong năm 2025, hệ thống thi hành án dân sự tập trung vào các giải pháp, nhiệm vụ trong đó có việc nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng...

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh (ảnh giữa), Thứ trưởng Mai Lương Khôi (ảnh trái) và Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái (ảnh phải) chủ trì Hội nghị. Ảnh: MOET.

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh (ảnh giữa), Thứ trưởng Mai Lương Khôi (ảnh trái) và Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái (ảnh phải) chủ trì Hội nghị. Ảnh: MOET.

Ngày 2/12, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Thứ trưởng Mai Lương Khôi và Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái đồng chủ trì Hội nghị triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ Thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2025.

GẦN 495 NGHÌN TỶ ĐỒNG TIỀN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Theo Báo cáo tại Hội nghị, về công tác thi hành án dân sự, tổng số việc phải thi hành 1.021.783 việc (có điều kiện thi hành 739.974 việc, đã thi hành xong 620.657 việc (đạt tỷ lệ 83,88%), tăng 0,62% so với năm 2023); tổng số tiền phải thi hành là gần 495 nghìn tỷ đồng (có điều kiện thi hành 224.775 tỷ 432 triệu 442 nghìn đồng, đã thi hành xong 116.531 tỷ 786 triệu 859 nghìn đồng (đạt tỷ lệ 51,84%), tăng 5,06% so với năm 2023).

Về kết quả thu hồi các khoản nợ cho các tổ chức tín dụng: đã thi hành xong 6.252 việc, tương ứng với 30.544 tỷ 274 triệu 403 nghìn đồng;

Về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế: Đã thi hành xong 9.211 việc, tương ứng với 22.177 tỷ 138 triệu 250 nghìn đồng.

Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã ban hành Kế hoạch triển khai Quy định số 132-QĐ/TW và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, báo cáo, đóng góp ý kiến về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Hệ thống thi hành án dân sự tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động đẩy mạnh phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong thi hành án dân sự giai đoạn 2021-2025; ban hành Kế hoạch thực hiện Kế hoạch số 196-KH/BCSĐ. Bộ Quốc phòng chú trọng quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ công chức làm công tác thi hành án vững mạnh về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ; thực hiện bổ nhiệm các chức danh cán bộ lãnh đạo đúng quy định.

Bộ Tư pháp cũng đã tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm các kết luận của các cơ quan có thẩm quyền, nhất là kết luận thanh tra, kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Kiểm toán nhà nước và các bộ, ngành có liên quan, các kiến nghị sau giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Qua đó, các tồn tại, hạn chế được chấn chỉnh và khắc phục kịp thời, các vi phạm cần xem xét trách nhiệm được thực hiện, xử lý nghiêm túc.

5 NHIỆM VỤ TRỌNG NĂM TRONG NĂM 2025

Trong năm 2025, hệ thống thi hành án dân sự tập trung vào các giải pháp, nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Đảng liên quan đến các lĩnh vực công tác THADS, đặc biệt là Nghị quyết đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII; Chỉ thị số 04-CT/TW; Kết luận số 05-KL/TW;

Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, trọng tâm là xây dựng Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) để trình Quốc hội khóa XV bảo đảm tiến độ, chất lượng;

Thứ ba, tiếp tục tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính theo Nghị quyết số 96/2019/QH14.

Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; nâng cao hiệu quả công tác thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng;

Thứ tư, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, tự kiểm tra cùng với việc thực hiện hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao;

Thứ năm, thực hiện hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác thi hành án dân sự nhằm cải cách hành chính, tăng cường quản lý các mặt công tác của Ngành theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn 2030.

Như Nguyệt

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-thu-hoi-tai-san-chiem-doat-no-tin-dung.htm
Zalo