Lũ sông Hồng tại Hà Nội xấp xỉ báo động 3, nội thành vẫn an toàn
Ghi nhận lúc 10h sáng nay (ngày 11/9) mực nước sông Hồng tại Hà Nội lên 11,02 m, thấp hơn báo động ba 0,48 m. Dự báo lũ sông Hồng tiếp tục tăng.
Trưa ngày 11/9, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, mưa ở miền Bắc đang có xu thế giảm so với hai ngày trước. Mưa tập trung ở đồng bằng và Đông Bắc bộ, Bắc Trung Bộ.
Dự báo sau ngày 12/9, mưa sẽ giảm.
Hà Nội nằm ở hạ du các con sông lớn như sông Hồng, Đà. Ngoài ra, thành phố còn có nhiều sông khác chảy qua như Đáy, Đuống, Cầu, Cà Lồ, nội thành có sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét. Nước lũ ở Hà Nội phụ thuộc vào dòng chảy các sông trên.
Do mực nước thượng lưu các sông Hồng ở Lào Cai, Yên Bái đã vượt báo động ba và đang xuống nên lũ sẽ đổ về Hà Nội.
Ông Mai Văn Khiêm cho biết, lúc 10h sáng nay (ngày 11/9) mực nước sông Hồng tại Hà Nội lên 11,02 m, thấp hơn báo động ba 0,48 m. So với dữ liệu quá khứ, mức lũ trên 11 m đã xảy ra gần nhất năm 2004 (11,04 m). Trong những giờ tới, lũ trên thượng nguồn đổ xuống, lũ sông Hồng còn tăng.
Tuy nhiên, lũ trên sông Hồng chỉ gây ngập khu vực ngoài đê của các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình..., không thể ngập vào nội đô. Dự báo trong 6 giờ tới, mực nước sông Hồng tại Hà Nội sẽ lên 11,3 m, dưới báo động ba khoảng 20 cm, sau đó có thể chững lại phụ thuộc vào mưa và xả của hồ thủy điện.
"Dù nước lũ có lên báo động ba (mức cao nhất) thì vẫn không thể gây ngập nội thành Hà Nội, do có hệ thống đê sông Hồng", ông Mai Văn Khiêm và ông Vũ Đức Long, Vụ trưởng Quản lý dự báo khí tượng thủy văn, Tổng cục Khí tượng thủy văn, khẳng định.
Nước các sông Bùi, sông Tích cũng đang lên gây tràn vào một số khu vực nội đô. Các huyện Ứng Hòa, Chương Mỹ, Hoài Đức, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Sơn Tây, Đông Anh... bị ngập úng cục bộ. Khả năng ngập úng kéo dài ở huyện Chương Mỹ do nước các sông chính cao, làm ngăn cản khả năng thoát nước.