Lũ lên cao bất ngờ, nhiều nơi ở Huế ngập nặng
Lũ trên các sông lớn tại TT-Huế được dự báo chỉ vượt báo động 1 đến báo động 2, có nơi trên báo động 2, nhưng từ rạng sáng 2/12, mức lũ trên sông Bồ đã lên nhanh xấp xỉ báo động 3, khiến vùng hạ du bị ngập nặng.
Sáng 2/12, thông tin từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh TT-Huế cho biết trong nhiều giờ qua, trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra mưa to và mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 150-300 mm, khiến mức lũ trên sông Bồ xấp xỉ báo động 3.
Đến 7h sáng 2/12, lũ trên sông Bồ tại trạm Phú Ốc ở mức +4,38 m, dưới báo động 3 chỉ 0,12 m. Lũ lên nhanh đã làm nhiều vùng hạ du sông Bồ thuộc thị xã Hương Trà, huyện Quảng Điền bị ngập lụt, đường sá đi lại chìm trong nước, gây chia cắt giao thông.
Theo người dân ven sông Bồ thuộc địa bàn thị xã Hương Trà, nước lũ bắt đầu lên nhanh vào rạng sáng 2/12. Nhiều gia đình đã chủ động kê kích đồ đạc lên cao, neo giữ bảo vệ các lồng cá nuôi trên sông Bồ để tránh nước lũ cuốn trôi, hạn chế đi lại khi lũ dâng cao.
Hiện nay, lượng nước về hồ chứa Hương Điền (thượng nguồn sông Hương, thị xã Hương Trà) rất lớn. Ngưỡng dâng của hồ thủy điện Hương Điền hiện đạt +58,00 m, lưu lượng nước đến hồ là 1.988m3/s, lưu lượng xả về hạ du 1.988m3/s (mực nước dâng bình thường +58m).
Có thời điểm (4h45 sáng nay) lưu lượng nước đến hồ lên đến 2.515 m3/s, lưu lượng xả lớn nhất 2.515 m3/s, gây ngập nhanh cho vùng hạ du.
Theo dự báo, mức lũ trên sông Bồ có thể đạt mức báo động 3 vào 2/12, sau đó xuống chậm.
Trước diễn biến phức tạp của đợt mưa lũ mới, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh TT-Huế yêu cầu các chủ hồ đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn thường xuyên cập nhật tình hình vận hành hồ, cung cấp thông tin cho văn phòng thường trực Ban chỉ huy, thông báo điều tiết cho các địa phương, đơn vị để chủ động ứng phó, giảm nhẹ thiên tai.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN còn đề nghị Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Đài Thông tin Duyên hải Huế thường xuyên thông báo cho chủ tàu và thuyền trưởng các phương tiện tàu, thuyền biết về diễn biến gió mạnh trên biển để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Các địa phương tổ chức rà soát phương án ứng phó với mưa lớn, rà soát sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, ven sông suối, cửa sông, ven biển, các công trình đang thi công, các vùng thấp trũng, ngập úng để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.
Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, ngăn chặn người đi vào rừng trong thời gian thiên tai, mưa lũ, phân công lực lượng cảnh giới tại các điểm có nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở, ngập lụt. Bố trí biển báo, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại các khu vực ngầm tràn khi xảy ra mưa lũ.
Chỉ đạo, đôn đốc rà soát, kiểm tra các chủ đầu tư xây dựng công trình bảo đảm an toàn trong thiên tai, khắc phục tình trạng ngập úng đô thị khi mưa lớn.
Chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu thi công công trình giao thông, xây dựng, thủy lợi, thủy điện, công trình hạ tầng có phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối cho cán bộ nhân viên, người lao động, rút toàn bộ công nhân ra khỏi vùng nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất. Chủ động phương án khơi thông dòng chảy, đảm bảo an toàn phương tiện, thiết bị, vật tư thi công. Bố trí biển báo, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công dở dang.