Lọt 'top' đẹp nhất thế giới, du lịch Việt làm gì để không bỏ lỡ cơ hội?

Tạp chí Mỹ US News & World Report công bố Việt Nam thuộc nhóm 40 quốc gia đẹp nhất thế giới năm 2024. Lọt vào danh sách quốc gia đẹp nhất thế giới dựa trên ý kiến đánh giá của hơn 17.000 du khách trên khắp thế giới và các chuyên gia giàu kinh nghiệm, quả là điều rất vui mừng. Việt Nam xứng đáng được vinh danh, bởi vì những năm gần đây đã nỗ lực để tạo ra các giá trị mới trên nền cảnh sắc thiên nhiên có sẵn, được du khách quốc tế đánh giá cao. Với mục tiêu đón 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế và 130 triệu lượt khách nội địa vào năm 2025, Việt Nam cần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh đất nước, đầu tư mạnh vào các địa điểm nổi tiếng.

Nhiều cơ hội

Những tháng cuối năm, du lịch Việt Nam liên tiếp nhận được tin vui khi tạp chí Mỹ US News & World Report công bố Việt Nam thuộc nhóm 40 quốc gia đẹp nhất thế giới năm 2024. Việt Nam được xếp ở vị trí 36, nổi bật ở những hạng mục như đồ ăn ngon (63,7 điểm), điểm khác biệt thu hút (64,3 điểm), bề dày lịch sử (48 điểm), nhiều cảnh thiên nhiên đẹp (45,2 điểm), sự thân thiện (43,8 điểm)... Lọt vào danh sách quốc gia đẹp nhất thế giới dựa trên ý kiến đánh giá của hơn 17.000 du khách trên khắp thế giới và các chuyên gia giàu kinh nghiệm, quả là điều rất vui mừng. Việt Nam xứng đáng được vinh danh, bởi vì những năm gần đây đã nỗ lực để tạo ra các giá trị mới trên nền cảnh sắc thiên nhiên có sẵn, được du khách quốc tế đánh giá cao.

Trước đó, vào tháng 10 năm 2024, Tạp chí du lịch Mỹ Condé Nast Traveler công bố Giải thưởng Readers’ Choice Awards 2024, trong đó Việt Nam lọt “top” 15/20 quốc gia du khách toàn cầu yêu thích nhất.

Cũng Tạp chí du lịch danh tiếng hàng đầu thế giới Condé Nast Traveler công bố Phú Quốc là đại diện Việt Nam trong top đảo tuyệt nhất thế giới, đạt Giải thưởng Readers’ Choice Awards 2024. Sau 9 tháng đầu năm 2024, lượng khách quốc đến Việt Nam đạt 12,7 triệu lượt, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn tổng lượng khách quốc tế trong cả năm 2023.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng giành được chiến thắng tại Giải thưởng Du lịch Thế giới 2024 như giải “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á”, “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á”. Tất cả như khẳng định vị thế, thương hiệu, hình ảnh du lịch Việt Nam được công nhận vươn tầm thế giới.

Kỳ vọng bức tranh tươi sáng

Trong năm 2024, Việt Nam hướng tới mục tiêu đón 18 triệu lượt khách (bằng thời điểm trước đại dịch Covid-19). Việc này thể hiện quyết tâm của Chính phủ và ngành du lịch.

Trong 9 tháng năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,7 triệu lượt, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Với tốc độ tăng trưởng này, ngành Du lịch có thể phục hồi hoàn toàn thị trường khách quốc tế trong năm nay, bằng với lượng khách năm 2019, khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện.

Triển vọng tươi sáng này đang tiếp thêm sức sống cho ngành du lịch Việt Nam. Với việc đặt ra mục tiêu cao gấp đôi kế hoạch năm trước cho thấy tham vọng của Việt Nam trong bứt phá ngành kinh tế xanh. Cải thiện chất lượng dịch vụ và mở rộng các chương trình visa đã tạo thêm sức hút đối với du khách quốc tế.

Không chỉ tập trung vào du lịch nghỉ dưỡng truyền thống, ngày càng nhiều doanh nghiệp quảng bá những dịch vụ du lịch mới, nhằm đáp ứng xu hướng của khách quốc tế. Các loại hình như du lịch sinh thái, du lịch chữa lành, MICE (du lịch kết hợp hội nghị), du lịch ẩm thực và đánh golf thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của người nước ngoài.

Với sự quan tâm và hỗ trợ tích cực của Chính phủ và các địa phương, cùng sự tham gia của doanh nghiệp, ngành du lịch đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay không chỉ là một con số, mà còn là minh chứng cho sự phát triển toàn diện và bền vững của du lịch Việt Nam.

Định vị Việt Nam là điểm đến du lịch cao cấp

Để phát triển du lịch bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, chúng ta phải tìm cách gia tăng giá trị thặng dư cho các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch. Để làm được điều đó, xu hướng chung của thế giới cũng như Việt Nam là đều phải hướng tới du lịch cao cấp với tệp khách hàng chi tiêu cao. Tuy nhiên, thực tế du lịch Việt Nam vẫn chưa khai thác tốt “mảnh đất màu mỡ” này.

Nhiều người thường có quan niệm Việt Nam khó làm du lịch cao cấp (hay còn gọi là du lịch chi tiêu cao, du lịch hạng sang...) vì chúng ta không có tiền đầu tư. Tuy nhiên, thực tế chứng minh không phải cứ đầu tư nhiều tiền thì mới có du lịch cao cấp. Lâu nay, tour du lịch khám phá hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) của Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis) nổi tiếng không rẻ: Gần 3.000 USD (tương đương 72 triệu đồng), trong khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2023 là 2.484 USD. Khách đi tour 6 ngày 5 đêm này cũng chỉ có 1 đêm được ngủ ở khách sạn, còn lại là thời gian băng rừng, vào hang. Nhưng tour du lịch vẫn được hàng loạt giải thưởng của du lịch thế giới.

Thậm chí muốn đi tour, khách phải đặt trước cả năm mới có suất đi. Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Oxalis cho biết: “Hiện nay, tour cho năm 2025 đã bán hết và Công ty đang bán tour năm 2026”.

Để có tour du lịch Sơn Đoòng như ngày nay, Oxalis phải trải qua không ít gian nan. Sơn Đoòng được nhóm thám hiểm cùng với Tạp chí National Geographic công bố là hang động đá vôi tự nhiên lớn nhất thế giới năm 2009 nhưng nhiều nhà đầu tư đến xong chỉ lắc đầu và để đấy. Năm 2011, Oxalis được thành lập. Tour đầu tiên với hang động ở Quảng Bình, Oxalis làm ở Hang Én, rồi Tú Làn. Loay hoay 2 năm trời, Công ty cũng chỉ đủ ăn mà không cách nào bứt phá. Đến khi ra đời, Sơn Đoòng là tour duy nhất trên thế giới được cắm trại trong hang động kỳ quan. Du khách được cắm trại đêm để thưởng thức một bầu trời khác, cảm nhận khác. Trước kia, loại hình khám phá hang động này chỉ dành cho các nhà thám hiểm. Tour thành công là sự kết hợp của nhiều yếu tố từ marketing tới dịch vụ. Nhưng để khách có được những cảm nhận thú vị thì một chuyến đi 10 khách, Oxalis có tới 30 người phục vụ.

Một câu chuyện chiều lòng khách khác để thấy tiền đầu tư không phải vấn đề đầu tiên là của Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) đón 4.500 khách Ấn Độ đến Việt Nam vừa qua. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel chia sẻ: “Chúng tôi đón vị chủ tịch tỷ phú trước đoàn 2 ngày. Ở Hội An (Quảng Nam), chúng tôi đưa đi lắc thúng và ông chủ tịch đã vô cùng hưng phấn. Để tạo được cảm xúc cho khách, chúng tôi phải bảo đảm an toàn tuyệt đối. Vietravel phải chuẩn bị hàng loạt thúng, thử trước với những người nặng hơn vị tỷ phú, tìm thợ lắc giỏi nhất và thậm chí phải thuê vài người thợ lặn phía dưới khu vực lắc thúng... Với kinh nghiệm của mình, chúng tôi có thể khẳng định rằng chất lượng dịch vụ mới là cái quyết định cao cấp hay thấp cấp, dù gắn mác 6 sao mà phục vụ kém vẫn là thấp cấp. Khách phải “chạm vào”, trải nghiệm được văn hóa bản địa, khiến họ không thể quên trong chuyến đi, làm cuộc sống của họ tốt hơn, nhân văn hơn nên họ sẽ quay lại. Chất lượng dịch vụ tốt thì không thể thiếu sự tỉ mỉ, chuẩn bị chu đáo và sự đột phá, sáng tạo. Nếu ta có một sản phẩm cao cấp thực sự thì ta sẽ nhận được sự phản ứng thích đáng của thị trường”.

Việt Nam hoàn toàn có thể làm các sản phẩm du lịch cao cấp nhưng những công ty như Oxalis hay Vietravel... chưa nhiều. Có thể thấy, chúng ta có nhiều lợi thế nhưng lại thiếu quá nhiều yếu tố quyết định để “ghi bàn”, tạo sản phẩm du lịch cao cấp đột phá. Cho rằng du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, vì thế, theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): “Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ. Trong đó, phải nghiên cứu thị trường; đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật; có các chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp; cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; triển khai các chiến dịch quảng bá có chiều sâu, tập trung vào phân khúc thị trường, sản phẩm, dịch vụ, điểm đến và thương hiệu du lịch cao cấp của Việt Nam”.

Phải có tầm nhìn mới, tư duy mới

Những năm gần đây, Việt Nam ghi nhận bước tiến vượt bậc của ngành du lịch, khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch thế giới. Với tầm nhìn và tư duy mới, Việt Nam đang hướng tới việc phát triển du lịch toàn diện, từ du lịch nội địa đến quốc tế, đồng thời định hướng phát triển các sản phẩm đặc thù cho mỗi điểm đến, tạo sức hút mạnh mẽ và bền vững.

Theo Quyết định 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024, phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới. Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới.

Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 không chỉ xác định những mục tiêu cụ thể, mà còn khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc phát triển bền vững ngành du lịch, đáp ứng sự gia tăng nhu cầu của thị trường và du khách quốc tế.

Mỗi vùng miền trên dải đất hình chữ S đều có bản sắc riêng, từ vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, sự bình yên của Đồng bằng sông Cửu Long, đến những bãi biển tuyệt đẹp dọc theo bờ biển miền Trung. Việc khai thác tiềm năng du lịch nội địa không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm, mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân.

Suốt những năm qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách và chiến lược nhằm thúc đẩy du lịch nội địa. Các chương trình khuyến mãi, giảm giá và các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch được tổ chức thường xuyên để thu hút khách du lịch trong nước. Ngoài ra, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng du lịch, cải thiện chất lượng dịch vụ và đào tạo nguồn nhân lực cũng được chú trọng.

Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, các quy hoạch tỉnh, vùng và quốc gia gần đây đã đồng loạt công bố, định hướng rõ ràng và củng cố niềm tin cho nhà đầu tư. Điều này cũng đồng nghĩa với vấn đề liên kết vùng - vốn là điểm yếu của ngành du lịch và nhiều ngành khác, sẽ được cải thiện mạnh mẽ.

Để thu hút lượng khách quốc tế, trở thành những điểm đến ưa thích của họ, thì các điểm đến nổi tiếng như Hạ Long, Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc và Sapa cần nỗ lực quảng bá, tham gia các hội chợ du lịch quốc tế và hợp tác với các hãng hàng không, công ty lữ hành quốc tế…

Những hoạt động đó không chỉ nâng cao nhận thức của du khách quốc tế về vẻ đẹp và tiềm năng du lịch của Việt Nam, mà còn mở ra “sân chơi” cho các doanh nghiệp du lịch trong nước kết nối, hợp tác và mở rộng thị trường.

Một trong những yếu tố không kém phần quan trọng để thu hút khách du lịch quốc tế là chính sách visa. Việt Nam đang mở rộng danh sách các quốc gia được miễn visa và triển khai hệ thống visa điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách. Đồng thời, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng, từ sân bay, cảng biển, đến hệ thống giao thông và khách sạn, cũng góp phần nâng cao trải nghiệm của khách quốc tế khi đến Việt Nam.

“Hình ảnh Việt Nam ngày càng được cải thiện, nhất là khi hiệu ứng của các hoạt động ngoại giao năm 2023 đã giúp Việt Nam được biết đến nhiều hơn. Điểm đến du lịch Việt Nam trước đây được đánh giá là thân thiện, mến khách, thì nay còn là điểm đến được yêu thích”, ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh.

Ngày 13/6/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định 509/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu cụ thể: năm 2025, phấn đấu đón 25-28 triệu lượt khách quốc tế, 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa 8-9%/năm. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng 13-15%/năm; đón 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa 4-5%/năm. Phấn đấu năm 2025 đóng góp trực tiếp 8-9% GDP; đến năm 2030 đóng góp trực tiếp 13-14% GDP.

Khánh An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lot-top-dep-nhat-the-gioi-du-lich-viet-lam-gi-de-khong-bo-lo-co-hoi-post327499.html
Zalo