Lớp học về giấc ngủ cho thanh thiếu niên ở Mỹ thu hút sự quan tâm

Các nghiên cứu gần đây ngày càng chứng tỏ rằng, chất lượng giấc ngủ có liên quan chặt chẽ đến tâm trạng, sức khỏe tinh thần và các hành vi tự làm hại bản thân. Trong nhiều năm qua, các chuyên gia về giấc ngủ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng khủng hoảng giấc ngủ ở thanh thiếu niên. Cải thiện chất lượng giấc ngủ cho các em cần sự phối hợp của cả nhà trường, gia đình và xã hội.

Ngủ cũng cần phải học

Tại trường Trung học Mansfield ở Mỹ, một lớp học đang thu hút sự quan tâm của học sinh, phụ huynh và giới chuyên môn, với môn học mà thanh thiếu niên trên khắp cả nước đang phải đối mặt: làm thế nào để ngủ được.

 Lớp học về giấc ngủ của thầy Tony Davis ở trường Trung học Mansfield (Ảnh:AP)

Lớp học về giấc ngủ của thầy Tony Davis ở trường Trung học Mansfield (Ảnh:AP)

“Nghe đúng là kỳ lạ khi nói rằng trẻ em ở trường trung học phải học các kỹ năng để ngủ. Nhưng bạn sẽ ngạc nhiên khi biết thật sự có nhiều em không biết cách để ngủ”, anh Tony Davis, giáo viên sức khỏe tại Mansfield cho biết.

Một học sinh lớp 9 trong lớp chia sẻ, cách để chìm vào giấc ngủ của em là “lướt TikTok cho đến khi ngủ gật”. Một em khác thì chọn cách “trò chuyện với nhóm với bạn bè vào đêm khuya” cho tới khi buồn ngủ.

Khi ngày càng có nhiều em học sinh ngủ gật trên lớp, việc “rèn luyện” giấc ngủ không còn chỉ dành cho trẻ sơ sinh nữa.

Thanh thiếu niên cần ngủ bao nhiêu là đủ?

Theo các nghiên cứu, thanh thiếu niên cần ngủ từ 8 đến 10 tiếng mỗi đêm để não bộ và cơ thể phát triển. Nhưng theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, nơi đã theo dõi sự suy giảm về giấc ngủ của thanh thiếu niên kể từ năm 2007, gần 80% thanh thiếu niên hiện nay ngủ ít hơn con số này. Ngày nay, hầu hết các em ngủ trung bình 6 tiếng.

 Thiếu ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên (Ảnh:AP)

Thiếu ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên (Ảnh:AP)

Việc các em thức khuya không phải là điều mới mẻ, khi nhịp sinh học của các em sẽ thay đổi theo tuổi dậy thì. Nhưng các nghiên cứu cho thấy, các em hiện nay thiếu ngủ nhiều hơn bao giờ hết, và các chuyên gia tin rằng điều này có thể gây ra cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần và nhiều vấn đề khác ở trường học.

Trầm cảm, lo âu, suy nghĩ và hành vi tự làm hại bản thân, tự tử tăng lên khi thời gian ngủ giảm xuống. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên hệ giữa việc thiếu ngủ và chấn thương thể thao, tai nạn lái xe ở tuổi vị thành niên, sử dụng chất gây nghiện… một phần là do suy giảm khả năng phán đoán khi não buồn ngủ.

Ngủ để trở thành một phiên bản tốt hơn

Chương trình dạy ngủ của trường Trung học Mansfield đang được thực hiện với slogan “Ngủ để trở thành phiên bản tốt hơn”. Chương trình hướng đến cải thiện tình trạng nghỉ học sinh học nhiều và hỗ trợ các em nâng cao chất lượng học tập thông qua việc cải thiện thói quen ngủ nghỉ.

Các em học sinh trong lớp của thầy Tony Davis đã chia sẻ về lý do tại sao chúng không thể ngủ được. Hơn 60% sử dụng điện thoại làm đồng hồ báo thức. Hơn 50% đi ngủ trong khi nhìn vào điện thoại.

Trong khóa học, các em được yêu cầu ghi nhật ký giấc ngủ hàng ngày trong 6 tuần và đánh giá tâm trạng cũng như năng lượng của mình.

Em Nathan Baker, 14 tuổi, nhận thấy bản thân đã có những thay đổi tích cực. Nếu như trước đây giờ đi ngủ với em có nghĩa là nằm trên giường, xem video trên YouTube, nhắn tin với bạn bè… cho đến khi thiếp đi và kiệt sức vào hôm sau, thì giờ đây, nhờ áp dụng những bài học học học được trong lớp học về giấc ngủ, em đã có thể thay đổi. Hiện tại, em đã thiết lập được thói quen đi ngủ sớm từ 10 giờ: không sử dụng điện thoại và TV, không ăn vặt, đảm bảo không gian ngủ đủ tối.

 Em Nathan Baker nhận thấy bản thân đã có những thay đổi tích cực sau khi giấc ngủ được cải thiện (Ảnh:AP)

Em Nathan Baker nhận thấy bản thân đã có những thay đổi tích cực sau khi giấc ngủ được cải thiện (Ảnh:AP)

“Em cảm thấy khỏe hơn nhiều, đến trường với nhiều năng lượng hơn. Cuộc sống trở nên đơn giản hơn rất nhiều”, em Baker chia sẻ.

Một lớp học nhỏ đang mang lại những thay đổi lớn. Tuy đây chưa phải giải pháp toàn diện những cũng đang mở ra một hướng tiếp cận mới, giúp các em có được một giấc ngủ chất lượng để cải thiện sức khỏe tâm thần của mình.

Mạng xã hội không đáng trách

Tuy nhiên, cũng cần nhìn sâu hơn vào nguyên nhân của cuộc khủng hoảng giấc ngủ hiện nay.

Những năm gần đây, mạng xã hội bị đổ lỗi là nguyên nhân gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên, nhưng thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng chúng ta đang bỏ qua vai trò quan trọng của giấc ngủ.

Theo ông Andrew Fuligni, giáo sư khoa tâm thần tại Đại học California, Los Angeles, “bằng chứng liên hệ giữa giấc ngủ và sức khỏe tâm thần chặt chẽ hơn nhiều, mang tính nhân quả hơn so với bằng chứng về mạng xã hội và sức khỏe tâm thần”.

Gần 70% học sinh tại trường Mansfield cho biết các em thường xuyên cảm thấy buồn ngủ hoặc kiệt sức trong ngày học. Nhưng mạng xã hội, công nghệ không phải là lý do duy nhất. Học sinh ngày nay bị quá tải, làm việc quá sức và căng thẳng, đặc biệt là khi các em học năm cuối cấp và chuẩn bị thi đại học. Các em có quá ít thời gian để ngủ.

“Em biết chắc chắn là mình cần phải ngủ nhiều hơn vào ban đêm. Nhưng thật khó khăn khi em phải tham gia tất cả các lớp học và các hoạt động ở trường. Rất mệt mỏi”, em Cole 17 tuổi chia sẻ.

Còn em Rafael, một học sinh cuối cấp 3, thì khẳng định: "Nếu không học tốt, không tham gia mọi lớp học, không nỗ lực, bạn đang tự đẩy mình vào thất bại. Có rất nhiều áp lực khi phải làm mọi thứ, và em đành phải hi sinh giấc ngủ để đạt mục tiêu của mình”.

Từ những chiếc điện thoại đặt ngay đầu giường đến áp lực thành tích không ngừng nghỉ, giấc ngủ của thanh thiếu niên đang bị “bào mòn” từng đêm. Gia đình, nhà trường và xã hội cần phối hợp để có những giải pháp toàn diện, đồng bộ, giúp cải thiện sức khỏe toàn diện của thanh thiếu niên từ căn bản nhất.

Hoàng Giang (Theo AP)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/lop-hoc-ve-giac-ngu-cho-thanh-thieu-nien-o-my-thu-hut-su-quan-tam-post411739.html
Zalo