Lớp học tình thương cho học sinh nghèo biên giới

Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi vượt hơn 100km từ thành phố Hồ Chí Minh đến với xã biên giới Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Trên tuyến biên giới này có một lớp học tình thương do các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tuyên Bình, BĐBP Long An trực tiếp đứng lớp giảng dạy, học trò là những con em của các gia đình gốc Việt, di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam sinh sống.

"Thầy giáo" Nguyễn Đình Thông tận tình chỉ dạy các em từng nét chữ. Ảnh: Minh Luận

Từ năm 2010, một lượng người di cư tự do từ Campuchia về sinh sống trên địa bàn xã Tuyên Bình (nay là xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng). Khi về Việt Nam, đa số họ không có nhà cửa, ruộng vườn, không nghề nghiệp, không giấy tờ tùy thân, cùng chung hoàn cảnh nghèo khó và hầu hết con em của họ đều không biết chữ.

Thượng tá Vũ Mạnh Hà, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tuyên Bình cho biết: "Để ổn định cuộc sống cho các hộ dân và giúp các cháu được học hành, Đồn Biên phòng Tuyên Bình đã phối hợp với chính quyền địa phương và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Hưng mở lớp học tình thương phổ cập giáo dục, xóa mù chữ giúp các cháu. Và từ đây, lớp học tình thương do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tuyên Bình đảm nhận vai trò thầy giáo “quân hàm xanh” bắt đầu hành trình “gieo con chữ” cho các cháu học sinh di cư từ Campuchia về Việt Nam trên vùng biên giới còn nhiều khó khăn này".

Được biết, từ năm 2012 đến nay, Đồn Biên phòng Tuyên Bình đã trực tiếp quản lý, giảng dạy 29 lớp, với 285 lượt học sinh (từ lớp 1 đến lớp 5). Thời gian học bắt đầu từ 18 đến 20 giờ mỗi ngày. Từ lớp học tình thương này, đã có hàng trăm lượt học sinh biết đọc, biết viết.

Năm học 2024 - 2025, lớp học đặc biệt này có 33 em theo học. Để duy trì lớp học, Đồn Biên phòng Tuyên Bình phân công 4 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp đứng lớp do “thầy giáo”, Đại úy Nguyễn Đình Thông, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Tuyên Bình phụ trách. Học sinh theo học tại đây được phân chia theo 2 phòng học khác nhau. Một phòng dạy cho các em theo chương trình lớp 1, phòng còn lại dạy chung tất cả các em theo chương trình từ lớp 2 đến lớp 5.

Đại úy Nguyễn Đình Thông cho biết: "Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nhiều em phải theo cha mẹ đi làm thuê, đi bán vé số, hái lục bình trên sông... Buổi tối, các em mới có thời gian đến lớp. Trước đây, lớp thường vắng học sinh do các em đi làm, đi bán vé số về đến nhà thường vào lúc đêm tối, mệt mỏi nên ngại đi học, nhưng dù chỉ vài em đến lớp thì các cán bộ, chiến sĩ đơn vị vẫn lên lớp giảng bài".

Ngoài được học chữ, các em còn được các chú ở Đồn Biên phòng Tuyên Bình hỗ trợ gạo và nhu yếu phẩm để gia đình các em giảm bớt khó khăn. Ảnh: Minh Luận

Theo Trung tá Vũ Mạnh Hà, thấu hiểu hơn ai hết về giá trị của việc được học hành, được biết đọc, biết viết, biết cộng, trừ, nhân, chia phục vụ cuộc sống..., nhất là với thế hệ các con em của họ, vì vậy, Ban Chỉ huy đơn vị thường xuyên chỉ đạo các tổ, đội công tác phối hợp với địa phương đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động cha mẹ các em nhắc nhở và tạo điều kiện để các em đi học đều đặn hơn. Qua công tác tuyên truyền, vận động, đa số cha mẹ các em đều nhận thức được giá trị của việc biết đọc, biết viết, không biết chữ sẽ thiệt thòi và gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Qua đó, hiện nay, các em luôn tích cực đi học đầy đủ, kể cả những hôm trời mưa gió đi lại vất vả.

Em Võ Thị My, hiện đang sinh sống tại khu dân cư thuộc xã Vĩnh Bình, học sinh của lớp học tình thương là một trong những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Qua tìm hiểu của chúng tôi, gia đình em My cũng như nhiều hộ gia đình khác từ Biển Hồ bên Campuchia di cư tự do về đây sinh sống đều không giấy tờ, không nhà cửa, ruộng vườn, không nghề nghiệp ổn định. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, gia đình em My và các gia đình khác đã được hỗ trợ nơi ở tại khu dân cư này.

Cuộc sống hàng ngày của các gia đình ở đây chủ yếu phụ thuộc vào con nước lớn, ròng và sản lượng thu hoạch được từ nghề thả lưới đánh cá ven các con kênh, rạch, đan lát lục bình, làm thuê, hay bán vé số dạo... để trang trải cho cuộc sống tạm qua ngày. Từ cố gắng trong học tập, em My đã trưởng thành vượt bậc, thông qua cuộc thi “Dân vận khéo” năm 2023, năm 2024 do Bộ Chỉ huy BĐBP Long An và Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức, em My đều tham gia và giúp đội thi đạt giải Nhất cấp Bộ Chỉ huy và giải Ba cấp Bộ Tư lệnh.

Cùng ở khu dân cư, gia đình chị Ngô Thị Ánh có 2 con là Nguyễn Văn Tư và Nguyễn Văn Sáng hiện đang theo học tại lớp học tình thương. Hàng ngày, vợ chồng chị Ánh bơi xuồng dọc theo các sông, kênh rạch để cắt lục bình, kiếm tiền nuôi gia đình. Với chị, các con được đi học để biết cái chữ là niềm mơ ước, chị chia sẻ: "Từ khi về đây sinh sống, được các chú bộ đội đến tuyên truyền, vận động cho con em đi học để biết cái chữ, giúp ích cho cuộc sống và tương lai sau này, bản thân tôi nhận thấy việc biết chữ rất quan trọng. Cảm ơn các chú rất nhiều vì đã dạy cho con em chúng tôi biết cái chữ, còn tặng nhiều đồ dùng học tập cho các cháu nữa".

Trong câu chuyện với chúng tôi sau giờ lên lớp, “thầy giáo” Nguyễn Đình Thông chia sẻ: "Hàng ngày, ngoài thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ tại đơn vị, tổ “giáo viên” thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tuyên Bình để trao đổi, học tập, nâng cao kỹ năng sư phạm và chất lượng nội dung bài giảng, kết hợp lên mạng tìm tòi, học hỏi thêm những phương pháp mới để làm sao truyền đạt cho các em dễ nhớ, dễ hiểu, tạo cho các em niềm đam mê trong học tập. Ngoài dạy chữ cho các em, chúng tôi còn dạy các em các kỹ năng sống, biết yêu thương, chia sẻ, biết cố gắng vươn lên trong cuộc sống; các em sẽ là những người có ích cho xã hội, là những cánh tay đắc lực của người lính Biên phòng nơi biên giới của Tổ quốc trong tương lai".

Thượng tá Vũ Mạnh Hà cho biết thêm: "Để giúp các em có thêm động lực đến trường và chia sẻ một phần khó khăn với các gia đình Việt kiều, hàng năm, Đồn Biên phòng Tuyên Bình đều phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như các nhà hảo tâm thăm hỏi, tặng quà hỗ trợ, động viên các gia đình cố gắng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Nhiều chương trình được tổ chức vào các dịp lễ, tết, mang đến cho các em học sinh lớp học tình thương nơi đây nhiều phần quà ý nghĩa nhằm tạo niềm vui, động lực để các em học tập tốt hơn".

Lê Khoa (Báo Biên phòng)

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/lop-hoc-tinh-thuong-cho-hoc-sinh-ngheo-bien-gioi-224610.htm
Zalo