Lòng yêu nước của một vị đại khoa

Một bậc đại khoa mà khi nhắc tên, cả vùng quê tôi đều kính trọng; đó là Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm (1889 - 1954). Cụ nổi tiếng là thần đồng từ nhỏ, khi mới 19 tuổi, trong Khoa thi năm Đinh Mùi 1907 dưới thời vua Thành Thái, cụ đỗ Hoàng giáp - học vị cao nhất thời đó.

Tác giả của “Tứ tôn châm”

Là người yêu chuộng và có kiến thức sâu về văn hóa, thoạt đầu cụ Nguyễn Khắc Niêm chọn con đường Học quan, từ Đốc học địa phương đến Tư nghiệp Quốc Tử Giám Triều Nguyễn. Sau bỏ thi chữ Nho, cụ mới theo Đường quan (Hành chính), về hưu sớm khi đang làm Tổng đốc Thanh Hóa.

Cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm (1889 - 1954)

Cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm (1889 - 1954)

Ngay khi còn là một chàng trai trẻ, mới đỗ tiến sĩ, Nguyễn Khắc Niêm đã mang khát vọng cải cách chính trị, chấn hưng đạo đức, trước hết trong bộ máy Nhà nước. Năm 1907, cụ dâng lên vua Thành Thái kế sách mà người đời sau gọi là Tứ tôn châm: tôn tộc đại quy, tôn lộc đại nguy, tôn tài đại thịnh, tôn nịnh đại suy (tạm dịch: nếu tôn trọng, đề cao nòi giống, dân tộc thì thiên hạ một lòng theo về; nếu đề cao, chạy theo bổng lộc ắt đại nguy nan; nếu tôn trọng, đề cao hiền tài, đất nước ắt đại hưng thịnh; nếu tin dùng, nghe theo bọn xiểm nịnh, ắt đại suy vong).

Trên thực tế, Nguyễn Khắc Niêm là một nhà văn hóa, được nhà Nguyễn sử dụng và có nhiều đóng góp trên lĩnh vực này. Châu bản Triều Nguyễn, thời Bảo Đại, tờ 180, tập 33, trong bản tấu của Bộ Lễ - Bộ Công năm 1941 ghi: “Phụng xét hàng năm đều có lễ tế ở Văn Miếu và Đàn Xã Tắc. Bộ thần phụng chọn ngày 7 tháng tới cử hành lễ tế tại Văn Miếu… Xin chọn cử Thượng thư sung Chủ tọa Hội đồng Cải lương hương lệ Nguyễn Khắc Niêm khâm mệnh làm lễ tại Văn Miếu”.

Châu bản triều Nguyễn, Bảo Đại tập số 33

Châu bản triều Nguyễn, Bảo Đại tập số 33

Thượng thư Bộ Học Cao Xuân Dục trong bức trướng thay mặt thân sĩ Nghệ An - Hà Tĩnh mừng tặng Nguyễn Khắc Niêm khi thi đỗ (trẻ nhất, đỗ cao nhất) đánh giá: “Người có đức thì lời văn thuần nhất, người có học vấn thì tri thức toàn diện, người có lý lẽ minh bạch thì sách luận khúc chiết; ở Nguyễn quân (chỉ Nguyễn Khắc Niêm) hội đủ tất cả những điều trên. Văn là người, gọi Nguyễn quân là một trang thiếu niên anh tuấn cũng đáng mà gọi là một bậc lão thành cũng không phải là không xứng”.

Từ tấm gương người cha

Đóng góp cho văn hóa, cho xây dựng con người, trước hết là gia đình cụ Niêm đã nuôi dạy được những người con trung hiếu, thông tuệ, có đóng góp với cách mạng, với văn hóa nước nhà như BS. Nguyễn Khắc Viện, GS. Nguyễn Khắc Phi, nhà văn Nguyễn Khắc Phê…

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, sinh năm 1913, là con trai cả của cụ Niêm. Năm 1937, ông sang Pháp học Y và tốt nghiệp Bác sĩ Nội trú. Ông tham gia Đảng Cộng sản Pháp năm 1949, từng lãnh đạo Phong trào Việt kiều yêu nước ở Pháp và bị trục xuất vì lẽ đó. Về nước năm 1963, ông sáng lập và chủ biên Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam bằng tiếng Pháp và tiếng Anh (Études Vietnamiennes, Vietnam Studies) và làm Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn, đưa thông tin đối ngoại lên một tầm cao mới.

Tôi được gặp bác Viện trong những buổi bác đi dạy đá cầu cho thiếu nhi Hà Nội với quần soóc, túi dết đựng cầu, tính tình hồn nhiên, giản dị, không thâm nghiêm như tôi tưởng. Tôi theo bác nhiều cuộc, được trò chuyện với bác, và từ sự giản dị mà uyên thâm, tôi thấy bác như một nhà truyền giáo mà tôi vô tình trở thành tín đồ. Điều thứ nhất là sự giác ngộ về sức khỏe: tập luyện, giữ gìn cơ chế tự điều chỉnh của con người là số một (nghe nói từ ngày về nước, bác chỉ uống mỗi hai viên thuốc cảm là để chiều bác gái). Bác nói: “Sức khỏe tốt là khả năng thích nghi cao với hoàn cảnh và môi trường”. Phương pháp thở bụng của bác nay rất được nhiều người theo.

Càng ngày, tôi càng thấy những cống hiến tưởng chừng nho nhỏ ấy mới thật lớn lao. Trong những năm tháng mà tình trạng “im lặng đáng sợ” (chữ của TBT Nguyễn Văn Linh) thì Nguyễn Khắc Viện cũng như Phan Đình Diệu… đã cất lên tiếng nói thẳng thắn trước Trung ương, trước Quốc hội nhằm cải biến tình hình đất nước.

“Đạo” là một chữ có nội hàm rất rộng trong triết học phương Đông, có lần tôi hỏi bác Viện về đạo và đạo lý, bác chỉ nói giản dị: đạo là thật thà, sai nói sai, đúng nói đúng, chỉ làm đúng, không làm sai!

Sự nghiệp và đóng góp của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đối với đất nước hết sức to lớn. Nhưng cội rễ của sự nghiệp ấy, bắt đầu từ sự rèn giũa, định hướng và tấm gương của người cha Nguyễn Khắc Niêm.

Một nhà nho tiến bộ

Cụ Nguyễn Khắc Niêm là một nhà nho tiến bộ. Cùng với chữ Hán, cụ đã học tiếng Pháp, và có chí nguyện cao xa. Cụ tin vào sự học, vào khả năng cải tạo con người và xã hội bằng văn hóa. Năm 2024, trước sự kiện danh nhân Nguyễn Khắc Niêm và Nguyễn Khắc Viện cùng được đặt tên đường tại thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, GS. Nguyễn Khắc Phi có gửi cho tôi bức thư của cụ Nguyễn Khắc Niêm gửi bác sĩ Nguyễn Khắc Viện ngày 1.6.1950.

Trích nguyên bản lá thư - Di bút duy nhất còn lại của cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm

Trích nguyên bản lá thư - Di bút duy nhất còn lại của cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm

Điều đáng chú ý là cụ Niêm rất tự hào đề tên Quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - điều không bắt buộc đối với một bức thư, một sự thừa nhận Chính phủ Hồ Chí Minh và tin tưởng ở tương lai tươi sáng của dân tộc. Về phần mình, cụ không giấu nổi niềm vui sướng khi được tham gia vào sự nghiệp lớn ấy: “Thầy tuy rằng tuổi già, nhưng được trông thấy công cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc, và tin tưởng vào sự thắng lợi hoàn toàn đã gần tới, rất lấy làm vui thích nên chí khí tinh thần khí lực vẫn được mạnh luôn, lâu nay có tham gia ít nhiều trong công cuộc kháng chiến, như là sung vào Hội đồng nhân dân ở xã, giúp việc Hội Phụ lão Kháng chiến ở huyện, Chi hội Văn hóa ở tỉnh, Ủy viên Hội Liên Việt ở Liên khu IV”.

Điều tâm huyết nhất mà cụ muốn gửi gắm vào con trai là: “Con cứ chăm bề bảo dưỡng sức khỏe, không nên làm việc quá chừng, để cho được thiệt lành mạnh, nay mai về nước, đưa một ít tài học giúp vào công cuộc kiến thiết của nước nhà, cho thỏa lòng trông đợi của thầy, của bà con và của bè bạn, như lời con đã hứa trong thư trước, ấy là một điều nguyện vọng duy nhất của thầy trong lúc già cả này”.

Cũng như các cụ Võ Liêm Sơn, Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, cụ Nguyễn Khắc Niêm được Bác Hồ mời tham gia công việc của Chính phủ mới. Tuy cụ không ra Trung ương nhưng lại tích cực tham gia tại địa phương như thư cụ đã kể. Mà không chỉ cụ. Cụ bà là Đoàn Thị Viên làm Chủ tịch Hội Mẹ Chiến sĩ. Con gái út của cụ là Nguyễn Thị Phương Thảo được kết nạp Đảng năm 1946, khi mới 18 tuổi; con trai Nguyễn Khắc Dương theo người bạn thân là Đinh Nho Liêm (sau này là Thứ trưởng Ngoại giao) tham gia Đoàn tuyên truyền xung phong của tỉnh Hà Tĩnh, và Nguyễn Khắc Phi vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc năm 1950…

Không kể các con, rất nhiều cháu nội, cháu ngoại của cụ Nguyễn Khắc Niêm thành đạt, cống hiến vẻ vang cho đất nước.

Nguyễn Sĩ Đại

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/long-yeu-nuoc-cua-mot-vi-dai-khoa-i386448/
Zalo