Lòng kính yêu Bác Hồ của kiều bào Thái Lan vô cùng sâu đậm và trọn vẹn
Dù chỉ hoạt động tại Thái Lan trong khoảng thời gian ngắn từ năm 1928 đến 1929, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại ấn tượng và tình cảm sâu sắc trong lòng kiều bào Việt Nam tại đây.
Ở Thái Lan, đa phần kiều bào chưa từng được gặp Bác Hồ, những dấu tích về thời gian Bác ở trên đất Xiêm giờ cũng chỉ còn trong ký ức, lời kể. Thế nhưng, lòng kính yêu Bác Hồ của kiều bào Thái Lan vẫn vô cùng sâu đậm và trọn vẹn. Với kiều bào, Bác là niềm tin, là một phần gốc rễ để nhắc nhở mỗi người về quê hương Việt Nam.
Giữa cái nắng tháng Năm ở Udon Thani, con đường mang tên “Thầu Chín” dẫn chúng tôi về khu Tưởng niệm mang tên Bác.

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng trong khuôn viên rộng gần 10.000 m2, tại bản Noỏng Ôn, thị xã Mương, tỉnh Đông Bắc Thái Lan Udon Thani
Bà Thoa, một kiều bào xúc động cho biết, giọng của Bác rất ấm áp. Bản Tuyên Ngôn độc lập Bác Hồ đọc ngày 2/9/1945 bà đã ghi âm lại để luôn mở nghe. Như bao kiều bào tại Thái Lan, bà Thoa chưa một lần được gặp Bác, nhưng qua những câu chuyện được ông bà, cha mẹ truyền lại, hình ảnh Bác Hồ kính yêu luôn gần gũi, giản dị.

Nhà lợp mái lá tái hiện gần giống nơi Bác Hồ sinh sống ở tỉnh Udon Thani, giai đoạn 1928-1929

Góc mô phỏng không gian sinh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động tại Udon Thani, Thái Lan
Với kiều bào nơi đây, Bác Hồ tới Thái Lan để khơi dậy lòng yêu nước vốn đã sẵn có trong trái tim những người con xa quê, kêu gọi họ hướng về Tổ quốc. Bác là hình mẫu luôn tận tụy hết lòng vì nước, vì dân.
Anh Thành - hướng dẫn viên Khu Tưởng niệm chỉ vào bút tích của Bác Hồ viết bằng tiếng Anh, bên dưới viết bằng tiếng Việt, kể lại 16 tháng thời gian Bác Hồ hoạt động cách mạng tại Thái Lan, bắt đầu từ tháng 7/1928 đến tháng 1/1929.

Phòng trưng bày lưu giữ nhiều hình ảnh, tư liệu quý về những câu chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động tại Thái Lan; bút tích của Người hay bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh với kiều bào Thái Lan về nước ngày 10/1/1960
Khu tưởng niệm Bác Hồ đứng đầu trong các điểm thu hút du khách tới tỉnh Udon Thani. Không chỉ có du khách từ Việt Nam, các cựu chiến binh, mà còn có các đoàn học sinh Thái Lan tới tìm hiểu về lịch sử, về con đường cứu nước của Bác, đi theo dấu chân Bác Hồ trên đất Thái.
Ông Phạm Đức Dậu, Trưởng Ban Quản lý khu Tưởng niệm cho biết, câu chuyện mà ông được nghe từ thế hệ cha, chú kể nhiều nhất là về đức tính giản dị của Bác. Bác đi đâu cũng dạy cho con cháu kiều bào tính giản dị, bày cho mọi người biết tiếng Việt, khuyến khích mọi người cố gắng học hành, không từ bỏ tiếng Việt, vì tiếng Việt còn thì người Việt còn.

Bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh với kiều bào Thái Lan trở về nước 10/01/1960
Rời khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm lớp học tiếng Việt trường Khánh An ở khu phố Việt Nam đầu tiên trên đất Thái, tỉnh Udon Thani, câu chuyện về Bác Hồ là chủ đề chính được bàn luận rôm rả trước giờ vào học. Nơi đây, các thầy cô dù đã cao tuổi vẫn đều đặn duy trì dạy tiếng Việt theo lời dạy của Bác.
Cô Hường, giáo viên phụ trách lớp tiếng Việt cho biết, tuy chưa được gặp Bác bao giờ, nhưng từ nhỏ cô được nghe kể nhiều về Bác. Từ trẻ nhỏ cho tới người lớn, khi được kể về Bác, ai cũng tự hứa với lòng mình cố gắng học tập, làm việc để xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ.
"Trẻ đang khóc mà nói như vậy không xứng là cháu Bác Hồ thì bèn nín khóc. Khi nói đến Bác Hồ, là nói tới hình ảnh in sâu trong tim, tôn trọng nhất, vì Bác Hồ mà làm được hết mọi thứ", cô Hường chia sẻ.

Các em bé học tiếng Việt tại Trường tiếng Việt Khánh An, Viet Nam Town, Udon Thani
Trong lòng cộng đồng kiều bào Thái Lan, tình cảm với Bác vẫn bền bỉ, như một phần máu thịt. Tình cảm ấy được truyền từ đời này sang đời khác – qua lời kể, tấm ảnh, câu chuyện bên mâm cơm. Tình cảm ấy giống như niềm tin - không thấy, mà có thật.
Cô giáo Thế cho biết, từ khi còn nhỏ, cô chỉ thấy Bác Hồ qua tấm ảnh mọi nhà đều thờ. Khi lớn lên, cô được nghe nhiều câu chuyện về Bác nên càng in sâu hình ảnh về người lãnh tụ trong lòng. Giờ cô dạy lại cho các thế hệ học trò về những câu chuyện về Bác.

Trường tiếng Việt Khánh An, Viet Nam Town, Udon Thani
Dù chỉ hoạt động tại Thái Lan trong khoảng thời gian ngắn từ năm 1928 đến 1929, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại ấn tượng và tình cảm sâu sắc trong lòng kiều bào Việt Nam tại đây. Người đã đi nhiều nơi, từ Phichit, Udon Thani đến Nakhon Phanom, truyền bá tư tưởng yêu nước, động viên họ hướng về quê hương, tạo dựng niềm tin và khơi dậy tinh thần đoàn kết, chuẩn bị cho công cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc.
Ông Lương Xuân Hòa, Chủ tịch Hội người Việt tỉnh Udon Thani cho biết, thế hệ của ông là kiều bào sinh ra và lớn lên trên đất Thái Lan trong thời đại Hồ Chí Minh. Từ khi Bác Hồ qua đây từ năm 1928, Bác đã từng lập Hội Việt Nam cứu quốc, Hội Thanh niên cứu quốc tại Thái Lan, lập nền tảng trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
"Công ơn của Bác đã dạy bảo cho thế hệ cha mẹ chúng tôi đoàn kết, hữu nghị, giữ gìn bản sắc dân tộc. Tới ngày nay, chúng tôi vẫn làm theo như vậy. Kiều bào Thái Lan tự hào là con cháu Bác Hồ", ông Lương Xuân Hòa cho biết.
Trực tiếp giúp đỡ cộng đồng người Việt, học tiếng Thái để dễ dàng giao tiếp với người dân bản địa, tạo sự gần gũi và gắn kết giữa cộng đồng Việt kiều với xã hội Thái Lan, những hành động và tư tưởng của Bác đã khiến kiều bào cảm nhận được sự chân thành, tận tâm và lòng yêu nước sâu sắc. Hình ảnh ông cụ "Thầu Chín" vẫn được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành biểu tượng của lòng yêu nước và sự gắn kết cộng đồng Việt kiều tại Thái Lan.