Lồng ghép giảng dạy phòng chống tác hại thuốc lá trong môn học

Bộ GD&ĐT phê duyệt Tài liệu hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục ở THPT.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Tài liệu được biên soạn nhằm hỗ trợ giáo viên THPT cập nhật kiến thức về thuốc lá; tác hại, cách phòng, chống; phương pháp luận tiếp cận và các hình thức thực hiện lồng ghép, tích hợp khối kiến thức này trong việc dạy - học một số môn học, các hoạt động giáo dục ở cấp THPT.

Tài liệu bao gồm hai nội dung chính:

Phần 1: Khái quát về tác hại của việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá và giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá.

Phần này giúp người đọc hiểu hơn về tác hại của thuốc lá, các sản phẩm thuốc lá mới đối với sức khỏe con người, kinh tế, xã hội, môi trường; cũng như vị trí, vai trò của giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá đối với việc giáo dục toàn diện người học.

Ngoài ra, phần 1 còn giúp xác định được nội dung giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá trong chương trình các môn học và hoạt động giáo dục cấp THPT của Chương trình GDPT 2018 và giúp người đọc có định hướng về phương pháp giáo dục, đánh giá kết quả học tập của học sinh THPT về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Tác hại của thuốc lá tới kinh tế và môi trường. Ảnh chụp từ tài liệu hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Tác hại của thuốc lá tới kinh tế và môi trường. Ảnh chụp từ tài liệu hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Phần 2: Hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học và hoạt động giáo dục cấp THPT. Trong phần này, người đọc sẽ xác định mục tiêu, nguyên tắc, quy trình lồng ghép cũng như các hướng dẫn lồng ghép về giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học và hoạt động giáo dục cấp THPT.

Trong tài liệu ghi rõ: Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong học sinh độ tuổi từ 13 - 15 tuổi giảm từ 2,5% (năm 2014) xuống 1,9% (năm 2022). Trong nhóm tuổi từ 13 - 17, tỷ lệ hút thuốc giảm 50% (từ 5,4% năm 2013 xuống còn 2,8% năm 2019). Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động ở học sinh mầm non đến THPT tại khu vực trường học giảm từ 24,4% (năm 2020) xuống 20,5% (năm 2022).

Trong thời gian qua, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá được các cơ sở giáo dục chú trọng triển khai và đạt những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận học sinh sử dụng các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường. Việc sử dụng sản phẩm thuốc lá mới, như: Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có dấu hiệu gia tăng.

Theo Điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13 - 17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử học sinh độ tuổi 13 - 15 là 3,5%.

Theo các chuyên gia WHO tại Việt Nam, với lứa tuổi học sinh, khi hút một trong các loại trên sẽ dẫn đến tình trạng nghiện thuốc lá, gặp phải những căn bệnh nguy hiểm, nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe, kết quả học tập và tương lai sau này.

Thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá thông qua các hoạt động ngoại khóa, việc lồng ghép giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá vào nội dung chương trình môn học, hoạt động giáo dục là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Qua đó, học sinh nhận thức được các hệ lụy nghiêm trọng trong việc hút thuốc lá và có thái độ, ứng xử đúng đắn đối với phòng, chống tác hại thuốc lá, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, không khói thuốc.

Bình Hải

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/long-ghep-giang-day-phong-chong-tac-hai-thuoc-la-trong-mon-hoc-post662268.html
Zalo