Long An phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số
Long An đã hoàn thành rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản 2.0 và thực hiện thủ tục thuê đơn vị tư vấn xây dựng phiên bản 3.0, hướng tới chính quyền số.
Nhiều kết quả ấn tượng từ phát triển chính quyền điện tử
Trong năm 2024, Long An là một trong những tỉnh tập trung đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử, nhằm hướng tới chính quyền số.
Cụ thể, tỉnh đã triển khai, duy trì vận hành hiệu quả các hệ thống ứng dụng dùng chung như: Hệ thống thư điện tử; Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP); Kho cơ sở dữ liệu dùng chung; Hệ thống thông tin đối với Hệ thống Thông tin nguồn; Cổng thông tin điện tử tỉnh; Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh.
Trong đó, hệ thống Quản lý văn bản và điều hành được duy trì triển khai đồng bộ tại 100% sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã, với trên 9.300 tài khoản được cấp; đảm bảo gửi, nhận văn bản liên thông trong nội bộ các cơ quan nhà nước của tỉnh, giữa tỉnh với các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố khác qua Trục liên thông văn bản quốc gia.
Tỷ lệ trao đổi, gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước ở Long An cấp tỉnh, huyện đạt 100%, cấp xã đạt 99,99%. Tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng tại các sở, ngành đạt 92%; tại các huyện, thị xã thành phố đạt 97%; tại các xã phường, thị trấn đạt 99%.
Ở lĩnh vực chữ ký số, có 6.265 chứng thư số chuyên dùng của Chính phủ được cấp cho các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. 100% UBND các cấp, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện được cấp chứng thư số cho cơ quan và lãnh đạo. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử có ký số tại cấp tỉnh, huyện đạt 99,96%, cấp xã đạt 99,99%.
Chính quyền Long An cũng đã cấp 4.512 tài khoản thư điện tử cho các cơ quan, đơn vị. Trong đó, 100% sở, ngành tỉnh và UBND các cấp có hộp thư đơn vị và trên 95% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện có hộp thư cá nhân phục vụ công việc. Tỷ lệ sử dụng hộp thư điện tử đã cấp đạt khoảng 92%.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được nâng cấp, chỉnh sửa. Duy trì triển khai sử dụng đồng bộ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; 19 sở, ngành, 02 cơ quan ngành dọc, 15 Trung tâm hành chính công cấp huyện, 188 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã phục vụ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường mạng.
Tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Long An đã đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công của tỉnh phiên bản mới từ ngày 16/12/2024.
Có 1.758 dịch vụ công đã được cung cấp đầy đủ trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, trong đó 857 dịch vụ công toàn trình và 693 dịch vụ công trực tuyến một phần; tỷ lệ hồ sơ đã giải quyết đúng hạn công bố trên Cổng dịch vụ công của tỉnh đạt 99,99%.
Công tác chuyển đổi số cấp xã được quan tâm, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh trên cả 3 trụ cột, góp phần thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành của UBND cấp xã trên môi trường số, lan tỏa công tác chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số và có sự tham gia tích cực của người dân với chính quyền trên môi trường số.
Hướng tới chính quyền số
Trong năm 2025, Long An tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Long An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch chuyển đổi số năm 2025 và Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh năm 2025.
Trong đó, tỉnh chú trọng vào việc xây dựng Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Long An 3.0, hướng tới chính quyền số phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số.
Tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển hạ tầng số năm 2025. Phát triển hạ tầng lưu trữ, điện toán đám mây phục vụ chuyển đổi số của tỉnh phù hợp với định hướng chung về phát triển trung tâm dữ liệu quốc gia. Phát triển hạ tầng số, hạ tầng băng rộng di động và cố định, hướng tới phổ cập với băng thông rộng, tốc độ cao.
Triển khai cung cấp dịch vụ di động 5G, tập trung phủ sóng tại các khu vực thành thị, khu công nghệ cao... Cấp chữ ký số cho người dân để thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Thúc đẩy triển khai phổ cập điện thoại thông minh từng bước theo lộ trình.
Tỉnh cũng triển khai đề án “Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực, địa phương phục vụ chuyển đổi số đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, chia sẻ dữ liệu trong cơ quan nhà nước, cung cấp dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa tỉnh với các bộ, ngành phục vụ cải cách hành chính.
Tỉnh cũng tiến hành xây dựng và triển khai kế hoạch nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh năm 2025.
Tập huấn chuyển đổi số cho thành viên tổ công nghệ số cộng đồng thành thạo về kiến thức, kỹ năng số để hướng dẫn cho người dân; đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ chuyên gia nòng cốt làm công tác tham mưu, quản lý, thực thi về chuyển đổi số ở các ngành, các cấp trong tỉnh.