Long An: Phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm trong thương mại điện tử
Từ đầu năm 2024 đến thời điểm ngày 15/5/2024, Cục QLTT tỉnh Long An đã kiểm tra, phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử, xử phạt vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách gần 500 triệu đồng.
Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Long An, từ đầu năm 2024 đến thời điểm ngày 15/5/2024, Cục QLTT tỉnh Long An đã kiểm tra, phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử, xử phạt vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách gần 500 triệu đồng.
Hiện nay, hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa trên nền tảng các trang mạng xã hội, mua bán hàng hóa trên các website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử đang phát triển mạnh, giúp kết nối giữa người mua và người bán nhanh chóng, thuận lợi. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì hình thức mua bán này cũng tiềm ẩn nguy cơ bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ… gây thiệt hại cho người tiêu dùng
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục QLTT tỉnh Long An đã kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử.
Các hành vi vi phạm qua kiểm tra phát hiện như: kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng đến người tiêu dùng; trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định…
Theo đó, từ đầu năm 2024, các Đội Quản lý thị trường trực thuộc Cục Quản lý thị trường Long An thực hiện kiểm tra, phát hiện, xử lý 14 trường hợp vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử, xử phạt vi phạm hành chính 447,2 triệu đồng và tịch thu một số tang vật vi phạm gồm: 02 tấn hàng hóa gia dụng (chén, dĩa, ly…) sành, sứ, gốm, thủy tinh đã qua sử dụng, 583 sản phẩm quạt điện, bình giữ nhiệt, máy pha cà phê, 3.015 sản phẩm quần áo không rõ nguồn gốc xuất xứ, 164 đơn vị sản phẩm quần áo giả nhãn hiệu Adidas, CHANEL…
Đơn cử, vào ngày 2/5/2024, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh Long An) phối hợp Đội Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế - ma túy, Công an huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) kiểm tra cơ sở đang livestream bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội Facebook trên địa bàn huyện Đức Hòa. Qua đó, tạm giữ 3.015 sản phẩm quần áo chưa qua sử dụng tại cơ sở có nhãn hàng hóa nhưng trên nhãn không ghi nguồn gốc nơi sản xuất hàng hóa và xuất xứ hàng hóa.
Trước đó, Đội QLTT số 3 (Cục QLTT tỉnh Long An) thực hiện kiểm tra cửa hàng kinh doanh trên địa bàn thành phố Tân An, phát hiện, tạm giữ 164 sản phẩm quần áo còn mới chưa qua sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam. Trị giá hàng hóa vi phạm tính theo giá niêm yết bán tại cơ sở là 17,2 triệu đồng.