Lối về trên rạn nứt

'Phương Tây mà chúng ta từng biết không còn tồn tại nữa' - Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen phát biểu với tờ Die Zeit, hôm 15/4.

Trong cả nỗi thất vọng lẫn những cảm giác giận dữ trước cuộc chiến thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động, cùng cả các khía cạnh địa chính trị, châu Âu và nước Anh cảm nhận được rằng không còn cách nào khác, họ phải xích lại gần hơn để tựa vào nhau, nhằm chống đỡ với những dông bão thời cuộc. Bởi vậy, sau cả thập kỷ, những vận động hợp tác hậu Brexit giữa hai bờ eo biển Manche đột nhiên lại trở nên giàu sinh khí.

Điểm đến giữa mịt mùng

Ngày 19/5 tới đây, Hội nghị Thượng đỉnh Brexit dự kiến sẽ diễn ra tại London, thủ đô nước Anh, với trọng tâm là các cuộc thương thảo nhằm tái thiết quan hệ Anh - Liên minh châu Âu (EU). Chính vì vậy, ngay từ đầu tháng 5/2025, theo tờ Politico, các cuộc đàm phán đã được khởi động, nhằm tháo gỡ thế bế tắc kéo dài giữa hai bên.

Chủ tịch EC Ursula Von der Leyen và Thủ tướng Anh Keir Starmer.

Chủ tịch EC Ursula Von der Leyen và Thủ tướng Anh Keir Starmer.

Như Thủ tướng Anh Keir Starmer hé lộ, mục tiêu mà ông muốn đạt được là một thỏa thuận quốc phòng với Brussels, nhằm củng cố vị thế an ninh của Anh, cũng như mở đường cho doanh nghiệp Anh tiếp cận quỹ tái vũ trang trị giá 150 tỷ euro của EU. Bên cạnh đó, Anh muốn thúc đẩy các cuộc đàm phán về các vấn đề thương mại, bao gồm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu thực phẩm và điện năng. Đổi lại, EU đề xuất triển khai cơ chế thị thực linh hoạt cho thanh, thiếu niên và duy trì quyền tiếp cận vùng biển Anh cho đội tàu đánh cá của khối.

Về chương trình cơ chế thị thực này, thậm chí, EU đã đồng ý hạ thấp một số rào cản và đề xuất cái tên “Chương trình trải nghiệm thanh niên”. Theo đó, chương trình thị thực thanh niên này sẽ cho phép công dân dưới 30 tuổi của hai bên cư trú và làm việc tại lãnh thổ bên kia, trong thời hạn tối đa 3 năm - một bước tiến rất lớn, trên lộ trình “cài đặt lại” quan hệ giữa đảo quốc Anh với châu Âu lục địa, sau “cuộc chia ly” mang tên Brexit. Tại Anh, chương trình này đang nhận được sự ủng hộ từ một số nghị sĩ Công đảng và thành viên Thượng viện. Tuy nhiên, đảng Bảo thủ lo ngại rằng sáng kiến có thể bị lợi dụng, dẫn đến áp lực lên hệ thống nhập cư của nước này.

Trước đó nữa, theo Reuters, ngày 25/4, ông Keir Starmer cùng bà Ursula Von der Leyen đều xác nhận rằng nước Anh và EU đang tiến tới rất gần việc đạt được một thỏa thuận quốc phòng. Phát biểu tại cuộc gặp với Chủ tịch EC tại London, Thủ tướng Anh Keir Starmer nhấn mạnh: Trong bối cảnh thế giới "ngày càng bất ổn với một tương lai bất định", điều đáng mừng là Anh và EU đang hợp tác chặt chẽ với nhau trong nhiều vấn đề, từ quốc phòng, an ninh cho đến kinh tế - thương mại. Ông cũng cho rằng, việc "cài đặt lại" quan hệ sẽ mang tới lợi ích to lớn cho cả hai phía.

Về phần mình, viết trên mạng xã hội X, bà Ursula Von der Leyen gợi ý: “Với một thỏa thuận quốc phòng, Anh có thể tham gia Chương trình Hành động an ninh cho châu Âu (SAFE) - quỹ trị giá 150 tỷ euro nhằm tài trợ chung cho việc mua sắm và đầu tư trong lĩnh vực quốc phòng của EU”.
Đây là những diễn biến thực sự đáng chú ý, khi sắc thái nồng ấm của chúng đối nghịch với trạng thái băng lạnh, thậm chí từng có thời điểm trở nên gay gắt, sau khi nước Anh rời khỏi EU năm 2016.

Và, không có gì khó hiểu, chúng bắt nguồn từ tâm trạng nghi ngại dành cho các cam kết của nước Mỹ, sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống. Sự “thân thiện” mà ông dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, sự cứng rắn cố hữu đối với các đồng minh truyền thống ở cựu lục địa (mà ông đã thể hiện trong nhiệm kỳ 2017-2021), và hơn hết là cuộc chiến thuế quan toàn cầu mà ông khơi mào đang tô đậm thêm những vết đứt gãy trong lòng thế giới phương Tây, rồi từ đó đẩy nước Anh và EU về phía nhau, trong những nỗi lo lắng mông lung.

Phương trình nhiều biến số

“Không thể phủ nhận, đây là bước ngoặt trong mối quan hệ với nước Mỹ. Chúng ta sẽ không bao giờ trở lại như xưa được nữa”, một nhận xét đầy chua chát đã được bà Ursula Von der Leyen thốt lên, khi đề cập tới mức thuế đối ứng của Mỹ nhắm vào Liên minh châu Âu (EU) và triển vọng đàm phán song phương, để châu Âu bắt buộc phải đáp trả bằng mức thuế 25% đối với hàng hóa Mỹ.

Chủ tịch EC: “Phương Tây mà chúng ta từng biết không còn tồn tại nữa”.

Chủ tịch EC: “Phương Tây mà chúng ta từng biết không còn tồn tại nữa”.

Không chỉ vậy, trong diễn biến mới đây (ngày 5/5), Chủ tịch EC công bố sáng kiến mang tên “Chọn châu Âu cho khoa học” - một dự án có ngân sách 500 triệu euro, trong thời gian 2025-2027. Phát biểu tại Đại học Sorbonne ở Paris cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, bà Von der Leyen cho biết: “Sáng kiến nhằm hỗ trợ các nhà khoa học xuất sắc trên toàn cầu trong bối cảnh vai trò của khoa học đang đối mặt với nhiều thách thức. Khoa học cần được bảo vệ như một lĩnh vực không bị chi phối bởi biên giới, giới tính, sắc tộc hay chính trị”. Ai cũng hiểu bà đang nhắm đến mục đích tận dụng cuộc xung đột tư tưởng nảy lửa giữa Tổng thống Donald Trump với một số trường đại học danh tiếng của nước Mỹ.

Chính vì thế, Chủ tịch EC cũng công bố kế hoạch xây dựng một “Đạo luật đổi mới châu Âu” và một “Chiến lược khởi nghiệp và mở rộng quy mô” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư đổi mới sáng tạo. Bà cho biết sẽ đề xuất “Đạo luật Khu vực nghiên cứu châu Âu”, nhằm bảo đảm quyền tự do nghiên cứu khoa học trên toàn khối.

Cùng với đó, theo giới quan sát quốc tế, không ít quốc gia trong số 27 thành viên EU đang hy vọng nhanh chóng ký kết Hiệp ước Quốc phòng và An ninh với Vương quốc Anh, nhằm mở sẵn một “cánh cửa thoát hiểm”, đặc biệt là trong bối cảnh gần như chắc chắn Tổng thống Mỹ sẽ ráo riết đòi hỏi nâng cao mức đóng góp (lên tới 5% GDP - một yêu cầu khắc nghiệt, ngay cả với những quốc gia dẫn đầu châu Âu như Pháp hay Đức), để có thể nhận được cam kết bảo vệ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Vấn đề là, theo giới quan sát quốc tế, việc đẩy nhanh quá trình đàm phán có thể sẽ vấp phải một số khó khăn nhất định khi vẫn còn nhiều điều khoản quan trọng chưa tìm được tiếng nói chung. Chưa kể, cho dù lúc này Anh và EU có “khăng khít” đến đâu, thì trong một thí dụ cụ thể là tình hình Ukraine, cả bà Ursula Von der Leyen lẫn Thủ tướng Anh Keir Starmer từng phải thừa nhận: Mọi ý tưởng đều vẫn rất mong manh, nếu không có sự tham dự của nước Mỹ.

Nhưng, không chỉ vậy, EU và Anh vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng kể từ thời kỳ hậu Brexit. Thí dụ, về chương trình thị thực thanh niên đề cập ở trên, phía Anh vẫn phản đối yêu cầu khôi phục mức học phí ưu đãi cho sinh viên châu Âu - một trong những ưu tiên của nhiều nước thành viên EU.
Trong khi đó, quyền tiếp cận vùng biển Anh vẫn tiếp tục là một trong những nội dung nhạy cảm nhất trong các cuộc thương lượng.

Theo chương Hàng hải thuộc Thỏa thuận Thương mại và Hợp tác ký năm 2021 dưới thời cựu Thủ tướng Boris Johnson, các đội tàu cá EU được phép khai thác tại vùng biển Anh cho đến tháng 6/2026. Khi thời hạn này sắp kết thúc và Anh quay trở lại bàn đàm phán, một số quốc gia thành viên như Pháp đã yêu cầu gia hạn quyền tiếp cận trong khuôn khổ thỏa thuận mới. Tuy nhiên, phía Anh lo ngại rằng nếu nhượng bộ trong lĩnh vực ngư nghiệp, Thủ tướng Keir Starmer có thể bị chỉ trích là quá mềm mỏng trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, đặc biệt từ các đối thủ chính trị của ông.

Đặt lợi ích cốt lõi (của từng quốc gia thành viên EU cũng như riêng nước Anh) vào vị trí trọng tâm và cũng là yếu tố then chốt dẫn đến những thay đổi chiến lược, chưa ai dám chắc rằng một cuộc “tái hồi” nào đó sẽ có kết quả viên mãn. Có lẽ, cũng chưa nhà phân tích nào quên: Lý do để nước Anh rời bỏ EU chính là việc giới lãnh đạo của họ cảm thấy rằng London đã phải “gồng gánh” quá nhiều trách nhiệm đối với châu Âu - nghĩa là tương tự như những điều Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các thành viên NATO trong khối EU.

Bởi vậy, giữa hai bờ eo biển Manche, những vết rạn cũng khó có thể bị xóa mờ một cách dễ dàng...

Đông Phong

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/loi-ve-tren-ran-nut-i767996/
Zalo