'Lợi' và 'hại' khi đồ uống có đường chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Chuẩn bị được trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ tám, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) với đề xuất bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả người dân và doanh nghiệp.

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5 g/100 ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5 g/100 ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Tại Tờ trình Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Chính phủ nêu rõ, xu thế chung về cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay là mở rộng cơ sở tính thuế. Việc này nhằm hạn chế tiêu dùng một số loại hàng hóa có hại cho sức khỏe cộng đồng, trẻ em, môi trường, hoặc nhà nước cần có sự điều tiết về tiêu dùng, bổ sung một số hàng hóa, dịch vụ mới vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (như nước giải khát có đường).

Dự thảo Luật bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5 g/100 ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (thuế suất 10%) để thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Bộ Y tế về thực tế bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường tại Việt Nam.

Chính sách mới này, theo Chính phủ, nhằm kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên, nhằm dự phòng giảm thiểu rủi ro bệnh tật và gánh nặng y tế đối với bệnh không lây nhiễm, nâng cao nhận thức và hạn chế tiêu thụ nước giải khát có đường, mang lại lợi ích về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt đối với giới trẻ, thế hệ tương lai của quốc gia, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tại Báo cáo Đánh giá tác động của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính (cơ quan chủ trì soạn thảo) dẫn hàng trăm con số minh chứng cho sự cần thiết phải hạn chế tiêu thụ nước giải khát có đường.

Như, nhiều nhóm nước giải khát có đường được tiêu thụ trong năm 2022 tăng trưởng mạnh so với năm 2021, cụ thể là đồ uống có ga (16,7%), nước tăng lực (25,5%), nước rau và quả (16,92%), nước uống thể thao (35,6%), trà pha sẵn (9,8%). Dự kiến, các sản phẩm này tiếp tục tăng trưởng 6,4 - 8,7% trong năm tiếp theo.

Trong khi đó, tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em Việt Nam là đáng báo động. Nếu không có các can thiệp hiệu quả, ước tính đến năm 2030, Việt Nam sẽ có gần 2 triệu trẻ em trong độ tuổi 5 - 19 tuổi bị thừa cân, béo phì.

Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với nước giải khát có đường, theo Bộ Tài chính, làm tăng giá các sản phẩm nước giải khát có hàm lượng đường cao, định hướng người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các sản phẩm thay thế, hoặc nước giải khát ít đường.

Đối với ngân sách nhà nước, thì năm 2026 tăng thu so với năm 2025 khoảng 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu các năm sau sẽ giảm hơn so với năm đầu, do tác dụng của mục tiêu đánh thuế nước giải khát có đường để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng (sử dụng ít đi) và nhà sản xuất (chuyển đổi công thức, sản xuất sản phẩm có hàm lượng đường dưới ngưỡng đánh thuế).

Tác động tích cực nữa, theo đánh giá của Ban Soạn thảo, là sẽ khuyến khích các doanh nghiệp thay đổi thành phần, công thức sản xuất nước giải khát, giảm tỷ lệ đường trong sản phẩm để không chịu thuế. Từ đó, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Thẩm tra sơ bộ, đa số ý kiến thành viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhất trí với việc bổ sung sản phẩm nước giải khát vào diện chịu thuế, đồng thời, đề nghị Chính phủ làm rõ nội dung “theo Tiêu chuẩn Việt Nam”, vì quy định này có thể dẫn đến vướng mắc trong thực hiện đối với các sản phẩm nhập khẩu không được sản xuất theo Tiêu chuẩn Việt Nam, song vẫn có hàm lượng đường trên 5 g/100 ml.

Nhất trí với chính sách mới nói trên, song Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, bổ sung theo lộ trình các loại đồ uống có đường khác để phù hợp với định nghĩa của WHO, gồm các loại đồ uống có chứa đường tự do, như nước ngọt có ga hoặc không có ga; nước ép và đồ uống từ trái cây/rau củ; chất cô đặc dạng bột và lỏng; nước có pha chế hương liệu; nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao; trà pha sẵn; cà phê pha sẵn và đồ uống sữa có pha chế hương liệu.

“Theo định nghĩa của WHO, thì còn một số loại chưa được bao hàm trong khái niệm nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam”, Bộ Y tế giải thích.

Tác động tiêu cực đến doanh nghiệp không lớn

Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường là không khả thi trong việc đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì. Bởi béo phì là một căn bệnh phức tạp do nhiều yếu tố gây ra, bao gồm nạp dư thừa năng lượng, thiếu hoạt động thể chất... Sử dụng nước giải khát có đường không phải là nguyên nhân chính và duy nhất.

Hiệp hội này cũng cho rằng, áp thuế là không hiệu quả trong việc tác động lên hành vi của người tiêu dùng, bởi hiệu ứng thay thế khi người tiêu dùng có thể tiêu thụ các loại thực phẩm và đồ uống khác có hàm lượng đường và ca-lo cao hơn nước giải khát, như sữa, milo, bánh ngọt.

Sẽ tiếp tục nghiên cứu

- Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Hiện có 107 quốc gia trên toàn thế giới và 6/10 quốc gia trong ASEAN đánh thuế nước giải khát có đường. Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đưa ra tiêu chuẩn nước giải khát có hàm lượng đường trên 5 g/100 ml theo tiêu chuẩn của Việt Nam để quản lý theo đúng tiêu chuẩn này. Theo đó, hàng nhập khẩu nếu đạt tiêu chuẩn này, thì vẫn cứ thu thuế. Bộ Khoa học và Công nghệ đã có quy định về tiêu chuẩn của Việt Nam đối với các loại hàng hóa này. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu về quy định áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường.

Một số ý kiến tại Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng, với mục tiêu góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, thì việc chỉ đề xuất bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế là chưa bao quát toàn diện các sản phẩm có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng. Vì nước giải khát có đường không phải là sản phẩm duy nhất có hàm lượng đường, nên nếu chỉ thu thuế đối với sản phẩm này, thì người tiêu dùng vẫn có thể tiêu thụ đường với hàm lượng cao hơn từ các sản phẩm khác (như bánh, kẹo,...), dễ gây tình trạng thừa cân, béo phì và có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng hơn.

Đồng thời, các ý kiến này cho rằng, việc thu thuế đối với đồ uống có đường có thể thay đổi hành vi lựa chọn sản phẩm của người tiêu dùng, song chưa hẳn đã đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng, do người dân có nhiều lựa chọn khác để thay thế, như sử dụng các sản phẩm có đường được pha chế tại chỗ theo yêu cầu của khách hàng. Đây là những sản phẩm rất khó để kiểm soát hàm lượng đường và cơ quan quản lý thuế cũng không có đủ căn cứ để thu thuế đối với các sản phẩm đồ uống này.

Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam nhấn mạnh, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường có tác động lớn tới đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp là ngành nước giải khát và các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan, như ngành mía đường, bao bì, bán lẻ và hậu cần ở Việt Nam, đặc biệt là ảnh hưởng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đưa nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt dễ gây phản ứng mạnh từ phía các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu nước giải khát, cũng là tác động tiêu cực được Cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tính đến.

Nhưng, Bộ Tài chính lập luận, việc thực hiện đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có hàm lượng đường trên 5 g/100 ml sẽ làm tăng giá bán, từ đó góp phần làm giảm nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này. Do đó, trong thời gian đầu có thể ảnh hưởng giảm sản lượng, doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu mặt hàng này và các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bao bì, bán lẻ.

“Tuy nhiên, mức thuế suất đề xuất 10% trên giá bán của cơ sở sản xuất sẽ có tác động khiêm tốn đến giá bán lẻ của các sản phẩm (tăng giá khoảng 5%), nên tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp không lớn. Để giảm tiêu thụ nước giải khát có đường, giá bán lẻ mặt hàng này cần phải tăng 20% trở lên, tương đương với thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt trên giá bán ra của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải là 40%”, Bộ Tài chính phân tích.

Ngoài ra, Cơ quan chủ trì soạn thảo nêu rõ, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường như một chính sách y tế công cộng, đặc biệt là một biện pháp phòng ngừa để bảo vệ, nâng cao sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là thanh thiếu niên. Từ đó góp phần kiểm soát được yếu tố nguy cơ gây bệnh, làm giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong, nên giảm áp lực lên hệ thống y tế, giảm quá tải bệnh viện.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/loi-va-hai-khi-do-uong-co-duong-chiu-thue-tieu-thu-dac-biet-d226110.html
Zalo