Lợi thế của Trung Quốc về đất hiếm
Cách tiếp cận của Trung Quốc trong vấn đề xuất khẩu đất hiếm cho thấy nước này đang thực hiện chính sách hạn chế mang tính địa - chiến lược thay vì chính sách hạn chế chung.
Hai câu hỏi quan trọng là: (i) Trung Quốc đã tạo ra lợi thế về đất hiếm như thế nào và (ii) họ đã xây dựng hệ thống kiểm soát xuất khẩu (đất hiếm) ra sao.

Một điểm khai thác đất hiếm ở Trung Quốc. Ảnh: TL
Sau khi đạt được một thỏa thuận khung tại London (Anh) vào ngày 11-6-2025, Trung Quốc và Mỹ đều có những hành động để thực thi các cam kết hạ nhiệt căng thẳng thương mại. Theo đó, về phía Trung Quốc, họ sẽ “xem xét các đơn xin cấp phép xuất khẩu tuân thủ đối với các mặt hàng được kiểm soát” - chủ yếu là bảy loại đất hiếm. Nhưng ngay cả khi tỷ lệ phê duyệt giấy phép xuất khẩu đã tăng tốc từ 25% lên khoảng 60% thì đây không phải là một tin hoàn toàn vui đối với các hãng sản xuất công nghiệp. Bởi lẽ, việc nới lỏng hạn chế của Trung Quốc mang tính “phân loại đối xử”. Cụ thể là, các nhà sản xuất châu Âu nhận được “sự chấp thuận tối thiểu” để tránh đóng cửa hoàn toàn. Các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc gặp phải sự chậm trễ vừa phải nhưng nhìn chung vẫn nhận được sự chấp thuận. Vật liệu đến Mỹ đối mặt với sự chậm trễ dài nhất và tỷ lệ từ chối cao nhất. Vật liệu quá cảnh qua các quốc gia thứ ba sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ.
Lợi thế không dễ bắt kịp của Trung Quốc trong lĩnh vực đất hiếm
Không nên cho rằng lợi thế của Trung Quốc về đất hiếm đến từ việc sẵn sàng chịu ô nhiễm - một quan niệm có lẽ đã lạc hậu khoảng 20 năm và mang tính võ đoán. Trong hơn 20 năm qua, Trung Quốc đã trở thành nơi có nhiều hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và sở hữu trí tuệ quan trọng nhất về tinh chế đất hiếm cùng nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào. Một số lý do sau đây lý giải rõ hơn ưu thế mang tính chi phối của Trung Quốc với chuỗi giá trị đất hiếm.
Thứ nhất, về mặt địa chất, Trung Quốc có trữ lượng khoáng sản thương mại có thể khai thác được với nhiều loại khoáng sản khác nhau lớn hơn Mỹ. Trung Quốc là quốc gia nắm giữ trữ lượng kinh tế đã được chứng minh lớn nhất, chiếm 36,7% trữ lượng toàn cầu.

Thứ hai, về mặt bộ máy tổ chức, cả chính quyền trung ương, chính quyền địa phương và gần đây là các công ty hạ nguồn tư nhân, đã dành nhiều thập niên để phát triển một chuỗi giá trị trọn vẹn bên trong lãnh thổ Trung Quốc (xem hình). Tài nguyên đất hiếm của Trung Quốc tập trung ở Nội Mông (Baotou), chiếm 58% sản lượng quốc gia, tiếp theo là Tứ Xuyên (Liangshan) chiếm 23% sản lượng. Chính phủ nước này đã định hình ngành công nghiệp này thông qua hai làn sóng hợp nhất. Làn sóng đầu tiên hoàn thành trong những năm 2010 đã tạo ra sáu doanh nghiệp nhà nước lớn do trung ương hoặc do tỉnh sở hữu. Vào cuối năm 2021, Trung Quốc đã củng cố thêm ngành công nghiệp này bằng cách kết hợp China Minmetals Rare Earth Co., Ltd., Chinalco Rare Earth and Metals Co., Ltd., và China Southern Rare Earth Group Co. Ltd., cùng với hai công ty nhỏ hơn - Ganzhou Zhonglan Rare Earth New Material Technology và Jiangxi Ganzhou Rare Metal Exchange - để tạo ra Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc (China Rare Earth Group - CREG ). CREG là nhà sản xuất đất hiếm lớn thứ hai trên toàn cầu, kiểm soát khoảng 28% hạn ngạch khai thác và chiết xuất của Trung Quốc và 60-70% sản lượng đất hiếm nặng có giá trị cao của nước này.
Thứ ba, về mặt công nghệ, Trung Quốc có lợi thế đáng kể về cả phát triển nhân tài và kiến thức thể chế. Trung Quốc đã phát triển các công nghệ riêng của mình để xử lý, đo lường và các khía cạnh khác được hỗ trợ bởi khoản đầu tư của nhà nước vào đổi mới công nghệ và hệ thống bằng sáng chế bảo vệ đổi mới trong nước. Việc tách và tinh chế từng nguyên tố đất hiếm đòi hỏi các quy trình chuyên biệt, một lĩnh vực mà Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm và nguồn nhân lực nhất, và đã phát triển các công nghệ hàng đầu. Vào cuối năm 2023, sau khi Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với các công nghệ sản xuất chất bán dẫn tiên tiến, Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu các công nghệ tách và chiết xuất đất hiếm, bảo vệ vị thế thống lĩnh của mình đối với sản xuất đất hiếm. Gần đây, họ còn thu hộ chiếu của những nhà khoa học đất hiếm hàng đầu của đất nước để tránh bị thất thoát công nghệ.

Thứ tư, Trung Quốc đã xây dựng được chuỗi giá trị đất hiếm khép kín giúp các công ty tận hưởng lợi ích về hiệu quả từ sự tích hợp theo chiều dọc, qua đó tăng thêm khả năng cạnh tranh. Trung Quốc nắm giữ vị trí thống lĩnh trên toàn bộ chuỗi cung ứng - khai thác, tách, tinh chế và sản xuất thành phẩm. Ở mỗi bước trong chuỗi giá trị, Trung Quốc kiểm soát một phần, thậm chí chi phối. Ví dụ, đối với nam châm vĩnh cửu NdFeB (gồm neodymium, sắt và bo) - được sử dụng trong động cơ cho xe điện và xe điện xăng hỗn hợp, turbine gió và nhiều ứng dụng điện tử khác, Trung Quốc là nơi sản xuất 58% sản lượng khai thác, 89% công suất tách, 90% công suất tinh chế và 92% sản lượng nam châm. Vì vậy, khả năng cạnh tranh với sản xuất của Trung Quốc là thách thức lớn nhất đối với các nhà sản xuất mới nổi.
Chẳng hạn, với sản xuất gali, các nhà sản xuất phương Tây phải đối mặt với nguy cơ giá cả sụt giảm nếu Trung Quốc “mở cửa” xuất khẩu. Kịch bản này, xảy ra gần đây nhất vào năm 2015-2017 khi giá giảm xuống dưới 200 đô la Mỹ/ki lô gam, khiến hầu hết hoạt động sản xuất không phải của Trung Quốc trở nên không kinh tế và trước đây đã ngăn cản đầu tư vào các chuỗi cung ứng thay thế. Chi phí vốn cao so với đóng góp doanh thu là một rào cản đáng kể khác. Một nhà máy sản xuất gali thông thường công suất 50 tấn mỗi năm cần đầu tư khoảng 150 triệu đô la Mỹ nhưng thường chỉ đóng góp 1-2% doanh thu trong hoạt động sản xuất alumina tích hợp. Sự mất cân bằng này tạo ra động lực đầu tư đầy thách thức, đặc biệt là đối với các công ty đại chúng tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn.
Thứ năm, về đầu tư, Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng đầu tư vào các mỏ đất hiếm cũng như các mỏ khoáng sản quan trọng khác bên ngoài biên giới của mình. Theo khu vực, Trung Quốc đầu tư vào châu Á thường xuyên nhất với 36% giao dịch, tiếp theo là châu Phi (26%), châu Mỹ (24%), Đông Âu (13%), Trung Đông (2%) và Thái Bình Dương (1%).
Hệ thống kiểm soát xuất khẩu đất hiếm
Mặc dù Trung Quốc đã lần đầu tiên hạn chế xuất khẩu đất hiếm vào năm 2010 sau một căng thẳng ngoại giao với Nhật Bản, nhưng hệ thống kiểm soát xuất khẩu của nước này mới chỉ hoàn thiện một vài năm trở lại đây với một loạt phản ứng (xem bảng).
Hai điểm đáng chú ý từ hoạt động kiểm soát xuất khẩu khoáng sản chiến lược của Trung Quốc bao gồm:
Thứ nhất, Trung Quốc đã xây dựng được các khung khổ pháp lý cần thiết cho phép triển khai hoạt động này từ trung ương đến địa phương, tạo ra khả năng hướng dẫn triển khai nhanh chóng và đồng bộ. Với đặc điểm này, việc vũ khí hóa các đòn bẩy kinh tế sẽ ngày càng dễ dàng và phổ biến. Vào năm 2020, Trung Quốc ban hành Luật Kiểm soát xuất khẩu (Export Control Law) nhằm kiểm soát xuất khẩu với các công nghệ hoặc vật liệu lưỡng dụng. Năm 2023, Trung Quốc sửa đổi Luật Ngoại thương (Foreign Trade Law) để kiểm soát xuất khẩu đối với các công nghệ dân sự. Từ năm 2020 đã sửa đổi Quy định về quản lý xuất nhập khẩu công nghệ (Regulations on Administration of Import and Export of Technologies) và năm 2023 sửa đổi Danh mục các công nghệ bị cấm hoặc hạn chế xuất khẩu (Catalogue of Technologies Prohibited or Restricted from Export).
Thứ hai, Trung Quốc có tốc độ thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu ngày càng nhanh. Trong thương chiến năm 2017, Trung Quốc thường mất vài tháng để phản ứng với các hạn chế của Mỹ, quyết định gần đây của Bắc Kinh về việc cấm xuất khẩu gali, germani và antimon từ tháng 12-2024 được đưa ra một ngày sau thông báo về các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn mới của Mỹ. Đây là kết quả của việc xây dựng “Hệ thống cảnh báo sớm”. Giữa đại dịch Covid-19, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng “chuỗi cung ứng không được sụp đổ vào những thời điểm quan trọng”. Sau Hội nghị Trung ương 3 khóa 20 vào tháng 7-2024, các quan chức và doanh nghiệp đã chú ý nhiều hơn đến việc thiết lập hệ thống đánh giá rủi ro chuỗi cung ứng và cảnh báo sớm (链供应链风险评估和预警体系的长效机制). Điều này cùng với các sáng kiến khác đã tạo ra “một hệ thống quản lý thông tin toàn bộ quy trình từ cảnh báo sớm, ra quyết định, đến ứng phó và phục hồi” bằng cách thiết lập một “nền tảng ra quyết định và chỉ huy” chuỗi cung ứng tập trung cũng như một “trung tâm dữ liệu chuỗi cung ứng khẩn cấp thống nhất để tích hợp dữ liệu có liên quan từ nhiều phòng ban và khu vực khác nhau”. Chẳng hạn, từ tháng 10-2024, các nhà xuất khẩu Trung Quốc có nghĩa vụ cung cấp cho các cơ quan chức năng thông tin chi tiết về mục đích sử dụng cuối cùng của hàng xuất khẩu của họ trong chuỗi cung ứng phương Tây.
(*) Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS)