Khai thác tiềm năng, tận dụng thế mạnh

Tuy đối diện với những thách thức, nhưng ngành sản xuất và chế biến, xuất khẩu rau, quả của tỉnh cũng đứng trước nhiều cơ hội để vươn xa, nhờ sở hữu các lợi thế đặc biệt. Đó là diện tích sản xuất lớn, sản lượng dồi dào, thị trường tiềm năng cùng hạ tầng giao thông, logistics, cảng biển tương đối đồng bộ.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo và Phát thanh, Truyền hình Quảng Ngãi đã trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Quản lý chất lượng và thị trường nông sản tỉnh Nguyễn Quang Hòa.

PV: Xin ông cho biết những thế mạnh của ngành sản xuất và chế biến rau, quả của tỉnh?

Ông Nguyễn Quang Hòa: Nhiều vùng, khu vực trên địa bàn Quảng Ngãi có tiềm năng, lợi thế phát triển ngành sản xuất và chế biến rau, quả. Nhất là ở phía tây của tỉnh, ngoài diện tích lớn thì một số vùng có lợi thế đặc biệt về sản xuất rau, quả xứ lạnh. Hiện nay, cả nước nói chung, Quảng Ngãi nói riêng đang đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đây chính là động lực quan trọng thúc đẩy ngành chế biến rau, quả phát triển mạnh mẽ khi trở thành mắt xích trong chuỗi giá trị du lịch, dịch vụ.

Vùng sản xuất rau, quả xứ lạnh ở xã Măng Đen thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Vùng sản xuất rau, quả xứ lạnh ở xã Măng Đen thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Như ở xã Măng Đen, hiện có gần 300ha được các nhà vườn ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, trong đó có công nghệ vạn vật kết nối internet (IoT) để tự động hóa nhiều khâu trong sản xuất. Chính vì vậy, sản phẩm không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn sạch, an toàn nên ngoài việc tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản, còn trở thành sản phẩm du lịch. Điều này cho thấy, nếu mặt hàng nào đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, đóng gói và bảo quản tiên tiến... đều có nhiều cơ hội đứng vững trên thị trường.

PV: Các sản phẩm rau quả chế biến có thể tham gia vào chuỗi giá trị du lịch để gia tăng lợi nhuận. Vậy, phương thức tham gia như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Hòa: Du khách, đặc biệt là khách du lịch có xu hướng tìm kiếm các sản phẩm nông sản tươi, sạch và sản phẩm chế biến đặc trưng địa phương. Do đó, việc sản xuất rau, quả cần theo hướng đa dạng hóa chủng loại, nhất là rau, quả xứ lạnh theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP..., gắn với đầu tư chế biến sâu. Sản phẩm rau, quả chế biến không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại chỗ, mà còn là quà lưu niệm của du khách. Đây cũng là cơ hội lan tỏa thị trường và nâng cao giá trị, mở ra kênh tiêu thụ trực tiếp và hiệu quả cho nông sản, giảm phụ thuộc vào thương lái và thị trường truyền thống.

Chẳng hạn tại xã Măng Đen, tận dụng thế mạnh du lịch (dự kiến đạt 1,56 triệu lượt khách vào cuối năm 2025), các nhà vườn mở kênh bán hàng trực tiếp qua các quầy trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các khu du lịch, homestay, điểm tham quan và trải nghiệm du lịch nông nghiệp. Tại đây, du khách có thể tự tay thu hoạch sản phẩm, dùng tại chỗ, hoặc chứng kiến quy trình chế biến. Điều này không chỉ gia tăng thu nhập cho người dân, mà còn nâng cao giá trị thương hiệu và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Rõ ràng, việc đẩy mạnh du lịch nông nghiệp, sinh thái và trải nghiệm hứa hẹn sẽ mang đến cơ hội vàng để cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị và phát triển bền vững lĩnh vực sản xuất và chế biến rau, quả.

PV: Vậy đâu là giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành sản xuất, chế biến rau, quả?

Ông Nguyễn Quang Hòa: Phát triển ngành chế biến rau, quả là một trong những giải pháp quan trọng, căn cơ để đưa mặt hàng rau, quả của tỉnh vươn xa hơn, hướng đến thị trường quốc tế. Không chỉ xuất khẩu rau, quả ở dạng tươi, mà cần hướng đến những thị trường xa và tiềm năng, nhất là những thị trường có xu hướng thích sử dụng trái cây chế biến hơn là rau, quả tươi, nhờ sự tiện dụng.

Để ngành sản xuất và chế biến rau, quả vươn tầm, cần thiết phải quy hoạch, phát triển vùng chuyên canh tập trung tương ứng với từng ngành hàng, gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ. Đặc biệt là những vùng có thế mạnh về sản xuất rau, quả xứ lạnh và du lịch trong tỉnh. Qua đó, tạo thuận lợi trong việc thu hút doanh nghiệp đầu tư ứng dụng và chuyển giao công nghệ, quy trình kỹ thuật cho người dân; nâng cao tỷ lệ tự động hóa, cơ giới hóa, để gia tăng năng suất và chất lượng, giảm chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. Ứng dụng các công nghệ mới cũng sẽ giúp cho sản phẩm giảm sử dụng tài nguyên và tăng cường bảo vệ môi trường, qua đó xây dựng hình ảnh tốt hơn cho sản phẩm rau, quả của tỉnh trên thị trường.

Các sản phẩm được chế biến từ tỏi Lý Sơn - sản phẩm OCOP 5 được du khách ưa chuộng. Ảnh: MỸ HOA

Các sản phẩm được chế biến từ tỏi Lý Sơn - sản phẩm OCOP 5 được du khách ưa chuộng. Ảnh: MỸ HOA

Bên cạnh đó, người dân, doanh nghiệp cần linh hoạt và chủ động đổi mới trong sản xuất, chế biến nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng chuyên nghiệp và bền vững, nhất là phục vụ phát triển du lịch. Cơ quan chức năng đẩy mạnh hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu và xúc tiến thị trường tiêu thụ nông sản; đào tạo nông dân về marketing, đàm phán hợp đồng, quản trị chi phí sản xuất... Đồng thời, xây dựng hệ thống quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất lượng và an toàn thực phẩm; giúp ngành chế biến rau, quả gia tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu.

MỸ HOA (thực hiện)

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/khai-thac-tiem-nang-tan-dung-the-manh-54557.htm
Zalo