Lợi nhuận ngân hàng: Bán lẻ buồn hơn bán buôn

Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm khá tích cực, là tín hiệu tốt về lợi nhuận của ngành ngân hàng trong quý III/2024. Tuy vậy, theo giới chuyên gia, sẽ không có sự đồng pha tăng trưởng của các nhà băng.

Techcombank được dự báo ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận quý III tích cực

Techcombank được dự báo ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận quý III tích cực

Lợi thế của ngân hàng tập trung “bán buôn”

Theo ông Lê Hoài Ân, chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng, Công ty cổ phần Giải pháp tài chính tích hợp, để phân tích được tình hình tài chính của các ngân hàng, phải chờ báo cáo tài chính quý III/2024 được các ngân hàng công bố (theo quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý. Có nghĩa là, đầu tuần này mới tới hạn công bố báo cáo tài chính của các nhà băng - PV).

Tuy nhiên, ông Ân cho rằng, trên cơ sở các số liệu vĩ mô, có thể dự báo được bức tranh chung về lợi nhuận của ngành ngân hàng trong quý vừa qua. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 27/9/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng trưởng 4,79% so với đầu năm, trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,53% trong cùng mốc thời gian. Mức tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm nay tích cực hơn hẳn so với cùng kỳ năm ngoái.

“Lợi nhuận các ngân hàng Việt Nam chủ yếu đến từ mảng tín dụng, do vậy, tăng trưởng tín dụng đang ổn là tín hiệu tốt đối với lợi nhuận của ngành ngân hàng. Tuy vậy, sẽ có sự phân hóa nhất định về lợi nhuận giữa các ngân hàng do mục tiêu tăng trưởng tín dụng khác nhau”, ông Ân nói.

Ông Ân phân tích, tăng trưởng kinh tế năm nay chủ yếu là nhờ khu vực công nghiệp, nói cách khác là đến từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp. Điều này cũng cho thấy tín dụng đã rẽ hướng sang khu vực doanh nghiệp, khu vực sản xuất. Nếu như giai đoạn 2015 - 2023, nền kinh tế Việt Nam thiên về tiêu dùng và tín dụng tiêu dùng cá nhân là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng thì đến cuối năm 2023, theo ông Ân, tín dụng tiêu dùng chỉ chiếm 5% trong tổng dư nợ của nền kinh tế.

“Tăng trưởng của Việt Nam trong vòng 10 năm qua chủ yếu nhờ tiêu dùng, nhưng hiện tại rất nhiều người đang phải “gồng gánh” khoản nợ vay mua bất động sản. Điều này cũng có nghĩa, người dân phải cắt giảm chi tiêu, theo đó tín dụng tiêu dùng yếu dần. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng xoay vòng, luân phiên trong các ngành công nghiệp (chế biến, chế tạo, điện, nước…), tăng mạnh trong hai quý đầu năm và tiếp tục duy trì đà tăng trong quý III. Đáng chú ý, mức sinh lời cũng thể hiện rõ trong nhóm cổ phiếu ngành công nghiệp”, ông Ân phân tích.

Số liệu của Công ty Chứng khoán Vietcombank cũng cho biết, tín dụng bán lẻ tiếp tục đà giảm tốc, với tỷ trọng tín dụng bán lẻ trên tổng dư nợ giảm từ mức 44,2% cuối năm 2023 xuống mức 43% tại thời điểm quý II/2024 khi nhu cầu mua nhà, phục vụ đầu tư, sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng chưa có sự phục hồi rõ rệt, chủ yếu đến từ: Thứ nhất, sự hạn chế về nguồn cung nhà ở, đặc biệt ở khu vực phía Nam; thứ hai, giá nhà ở - chung cư (chủ yếu ở khu vực trung tâm) biến động mạnh trong thời gian vừa qua, gây tâm lý e ngại cho nhà đầu tư/người vay mua nhà.

Cho vay mua nhà chưa hồi phục mạnh, với dư nợ tính đến ngày 31/5/2024 mới tăng 1,15% so với hồi đầu năm, tương đương chiếm 12,9% tổng dư nợ nền kinh tế và chiếm khoảng 60% tổng dư nợ tín dụng bất động sản. Tuy vậy, phân khúc này được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng chính của tín dụng bán lẻ thời gian tới trong bối cảnh mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp và nhu cầu mua nhà để ở và đầu tư vẫn ở mức cao, với sự hỗ trợ từ nguồn cung khả quan hơn.

Ngân hàng bán lẻ tiếp tục khó khăn

Ông Ân nói: “Tín dụng tiêu dùng giảm, tín dụng ngành công nghiệp tăng sẽ thể hiện rõ nét về lợi nhuận trong báo cáo tài chính của nhóm ngân hàng tập trung cho vay doanh nghiệp như HDBank, Techcombank, nên tín dụng tăng trưởng mạnh. Còn nhóm ngân hàng chuyên cho vay tiêu dùng như MBBank, VPBank đang gặp khó khăn”.

Báo cáo tài chính bán niên của các ngân hàng cho thấy, dù con số lợi nhuận tuyệt đối ghi nhận trong 6 tháng đầu năm còn cách xa so với lợi nhuận của Vietcombank, song Techcombank đã vượt các ngân hàng quốc doanh còn lại về hiệu quả kinh doanh. Riêng quý II, Techcombank báo lãi trước thuế hơn 7.800 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, lãi trước thuế hợp nhất của Techcombank đạt 15.628 tỷ đồng, cũng tăng 39%.

Nửa đầu năm, lãi trước thuế của MB đạt 13.428 tỷ đồng, tăng 5% trong 6 tháng đầu năm nhưng nguồn thu nhập lãi thuần sụt giảm. Đà giảm lợi nhuận còn hiện diện tại VIB và OCB, khi nhu cầu vay bán lẻ thấp, NIM thu hẹp đáng kể do lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh và các gói vay mua nhà, sản xuất - kinh doanh ưu đãi lãi suất, nợ xấu nhóm bán lẻ tăng cao.

“Nhóm ngân hàng cho vay doanh nghiệp vẫn được kỳ vọng tăng trưởng tốt trong quý III và cả năm 2024, trong khi nhóm cho vay tiêu dùng có thể tiếp tục đối mặt khó khăn”, ông Ân nói.

Cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý IV/2024 của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố cho biết, tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý III/2024 có cải thiện nhưng chưa đạt được như kỳ vọng ở kỳ điều tra trước. 71,9 - 76,3% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý IV/2024 và cả năm 2024.

Tại kỳ điều tra này, tỷ lệ các tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2024 tăng trưởng dương so với năm 2023 là 79,6%, điều chỉnh giảm so với tỷ lệ 86,2% tại kỳ điều tra trước. Bên cạnh đó, vẫn có 15,9% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2024, cao hơn tỷ lệ 11% tổ chức tín dụng kỳ vọng tại kỳ điều tra trước và 4,4% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, trong quý III/2024, các tổ chức tín dụng đánh giá các nhân tố nội tại tiếp tục có cải thiện so với quý trước và dự kiến tiếp tục cải thiện trong cả năm 2024. Tuy nhiên, vẫn có 5,4% tổ chức tín dụng lo ngại tổng thể các nhân tố nội tại làm “suy giảm” tình hình kinh doanh của đơn vị trong năm 2024, chủ yếu là do nhân tố “năng lực tài chính của đơn vị” cùng với “chính sách và năng lực quản trị rủi ro của đơn vị” và “nguồn nhân lực của đơn vị”.

Tương tự như kết quả điều tra trước, nhân tố “chính sách lãi suất, tín dụng, tỷ giá của đơn vị” cùng với “chính sách và dịch vụ chăm sóc khách hàng của đơn vị” tiếp tục được đa số các tổ chức tín dụng đánh giá là hai nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng tích cực tới tình hình kinh doanh của đơn vị trong quý III và cả năm 2024.

Các tổ chức tín dụng tiếp tục đánh giá “cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị” là nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp cải thiện tình hình kinh doanh của tổ chức tín dụng trong quý III/2024. Tính chung cho cả năm 2024, “chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá” được kỳ vọng là nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp cải thiện tình hình kinh doanh của tổ chức tín dụng.

Trong khi đó, “sự cạnh tranh từ các tổ chức tín dụng khác” tiếp tục được đánh giá là nhân tố quan trọng nhất tác động tiêu cực làm suy giảm tình hình kinh doanh của tổ chức tín dụng trong quý III/2024 và dự kiến cả năm 2024.

Ông Trần Ngọc Báu, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Dữ liệu và công nghệ tài chính WiGroup

Xung lực tăng trưởng lợi nhuận quý III của ngành ngân hàng đã yếu đi, dòng chảy tín dụng đã chậm lại. Không còn nhiều động lực tăng trưởng nếu so giữa quý III và hai quý trước đó, nhưng tổng thể cả năm kỳ vọng sẽ vẫn tốt.

Hồng Dung

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/loi-nhuan-ngan-hang-ban-le-buon-hon-ban-buon-post356272.html
Zalo