Bức tranh lợi nhuận ngân hàng có xám màu?

Các ngân hàng bắt đầu hé lộ kết quả kinh doanh quý III/2024, với bức tranh lợi nhuận xen lẫn 'sáng - tối'. Trong đó, không ít nhà băng có lợi nhuận giảm, nợ xấu tăng.

LPBank vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2024, với lợi nhuận trước thuế đạt 2.899 tỷ đồng, tăng 133,7% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 8.818 tỷ đồng, tăng 139% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế quý III/2024 của Eximbank tăng 39% so với cùng kỳ. BIDV cho biết, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng tín dụng của ngân hàng mẹ trong 9 tháng đầu năm nay đạt 36.100 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ.

VietinBank cho biết, Ngân hàng tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực trong 9 tháng đầu năm 2024. Cụ thể, tổng tài sản tăng 9,7% so với cuối năm 2023, dư nợ tín dụng tăng 9% so với cuối năm 2023, nguồn vốn huy động tăng 7,9% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,4%.

Phân tích lợi nhuận sau thuế quý III/2024, MBS kỳ vọng, ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ổn định. Trong đó, tín dụng quý III cải thiện so với quý II nhờ sự phục hồi của hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong khi các ngân hàng lớn thu về hàng ngàn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng lợi nhuận sau 3 quý hoạt động, thì một số nhà băng vẫn khó tránh sụt giảm.

Cụ thể, PGBank vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 77 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng của ngân hàng này vẫn giảm 4,4% so với cùng kỳ, đạt 344 tỷ đồng. Động lực tăng trưởng chính của lợi nhuận trong quý III của PGBank đến từ thu nhập lãi thuần, tăng trưởng tới 49% so với cùng kỳ và đạt 416 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản PGBank đạt 61.804 tỷ đồng, tăng 11,4% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,4%, đạt 36.894 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 6,6% lên 38.099 tỷ đồng. Nợ xấu PGBank cuối tháng 9/2024 ở mức 1.175 tỷ đồng, tăng 16,6% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 2,85% lên 3,19%.

Tương tự, SaigonBank cho biết, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt hơn 200 tỷ đồng, thực hiện xấp xỉ 55% kế hoạch 2024. Cùng kỳ năm trước, lợi nhuận của SaigonBank đạt hơn 248 tỷ đồng. Trước đó, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 166 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Như vậy, lợi nhuận trước thuế của Saigonbank trong quý III/2024 chỉ đạt 34 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2023.

Theo SaigonBank, việc triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất đã khiến thu nhập lãi thuần giảm 3% trong 9 tháng đầu năm, kéo theo lợi nhuận giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Kết thúc quý III/2024, dư nợ tín dụng tăng 5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2% so với đầu năm; huy động vốn tăng 8% so với cùng kỳ và tăng 2% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu của SaigonBank ở mức 2,2%, trích lập dự phòng tăng thêm 20% so với năm trước.

Các chuyên gia MBS dự báo, sẽ có ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn trung bình ngành hoặc tăng trưởng âm. Trong đó, lợi nhuận cả năm của Vietcombank tăng 5%, của VIB sẽ giảm 10%, của OCB cũng giảm do nền cao của năm 2023.

Đồng thời, thu nhập ngoài lãi ngành ngân hàng được giới phân tích đánh giá còn ảm đạm và chưa thể phục hồi, khi vẫn chủ yếu dựa vào mảng thu phí và xử lý nợ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán dự báo không có tăng trưởng cao như những quý vừa qua khi tình hình thị trường chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc.

Về chất lượng tài sản, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, nợ xấu các ngân hàng niêm yết trong quý III/2024 không tăng so với quý liền trước, bởi dư nợ từ nhóm khách hàng doanh nghiệp tiếp tục dẫn dắt tín dụng trong thời gian này. Tuy nhiên, sang quý IV/2024, khả năng nợ xấu sẽ tăng.

Tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý III/2024 có cải thiện, nhưng chưa đạt như kỳ vọng ở kỳ điều tra trước. Cụ thể, kết quả điều tra quý IV/2024 của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, vẫn có 15,9% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2024 (cao hơn tỷ lệ 11% tổ chức tín dụng kỳ vọng tại kỳ điều tra trước) và 4,4% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Theo đánh giá của FiinGroup, biên lãi ròng của ngành vào cuối năm 2024 có khả năng sẽ giữ nguyên hoặc giảm, một số nhà băng nhỏ khó hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Vân Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/buc-tranh-loi-nhuan-ngan-hang-co-xam-mau-d228089.html
Zalo