Lời khai bất ngờ từ cựu Giám đốc Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn

Cựu Giám đốc TT Dạy nghề lái xe Sài Gòn tại Đồng Nai khai, bản thân không hưởng lợi từ số tiền gần 120 tỷ đồng như cáo trạng nêu. Theo bị cáo, khoản tiền này khi nộp về Trung tâm đã được dùng để chi trả các khoản như chi phí quản lý, cơ sở hạ tầng, thuê mặt bằng và lương nhân viên.

Ngày 10/4, TAND Tp.HCM tiếp tục phần xét hỏi đối với 13 bị cáo liên quan sai phạm tại Trung tâm (TT) Dạy nghề lái xe Sài Gòn.

Trong số này, có Hồ Đình Thái Hòa (SN 1975, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn, trực thuộc Công ty TNHH Phát triển giáo dục và dạy nghề 3T), Dương Văn Đông (nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (cũ, GTVT) tỉnh Đồng Nai) cùng 8 đồng phạm bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Tại tòa, bị cáo Hồ Đình Thái Hòa cho rằng, việc điều hành hoạt động của Trung tâm là phù hợp với Nghị định 65/2016/NĐ-CP và Nghị định 138/2018/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và sát hạch lái xe.

Bị cáo Hòa nhấn mạnh hoạt động giáo dục nghề nghiệp là xã hội hóa, nên được phép liên kết với các đơn vị bên ngoài.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Trong phần xét hỏi, bị cáo Hồ Đình Thái Hòa cho biết, Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn đã liên kết với bên ngoài hơn 970 xe tập lái, nhưng không vượt quá giới hạn 50% tổng số xe theo quy định.

Trung tâm có hơn 40 phòng học và đã bổ sung thêm 17 phòng khác nhằm phục vụ số lượng học viên tăng cao vào các đợt cao điểm, không nhằm mục đích đối phó với cơ quan kiểm tra.

Về đội ngũ giáo viên, Trung tâm có 31 giáo viên cơ hữu và gần 1.400 giáo viên thỉnh giảng. Bị cáo Hòa khẳng định, Trung tâm không hợp thức hóa các điều kiện để đưa vào báo cáo và các tiêu chuẩn về giáo viên, xe tập lái, sân tập đều đáp ứng quy định tại Nghị định 65/2016/NĐ-CP.

Ngoài ra, bị cáo Hòa khai số tiền gần 120 tỷ đồng mà cáo trạng quy buộc không phải là khoản các bị cáo tư lợi cá nhân mà đã được chi cho các khoản như quản lý, cơ sở hạ tầng, thuê mặt bằng và trả lương nhân viên.

Tuy nhiên, cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nêu rõ, Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn không đủ điều kiện chuyên môn, kỹ thuật.

Nhưng, vì mục tiêu tuyển sinh số lượng lớn để thu lợi nhuận, bị cáo Hòa đã lợi dụng chức vụ chỉ đạo cấp dưới và các cán bộ Sở GTVT cấp gần 980 xe tập lái, gần 40 phòng học, hơn 1.400 giáo viên và 3 sân tập, tạo điều kiện để đào tạo hơn 1.000 học viên.

Đến năm 2021, dù không kiểm tra thực tế điều kiện chuyên môn, kỹ thuật, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (cũ) tỉnh Đồng Nai vẫn cấp phép bổ sung nâng quy mô đào tạo lên 12.000 học viên/năm, vượt quá mức cho phép và trái quy định pháp luật.

Hậu quả là bị cáo Hòa đã tuyển sinh hơn 60.000 học viên, thu gần 620 tỷ đồng học phí. Trong đó, gần 40.000 học viên được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, với số tiền thu gần 380 tỷ đồng (trong đó xác định hưởng lợi gần 120 tỷ). Sở GTVT Đồng Nai đã tổ chức thi sát hạch cho gần 35.000 học viên, còn hơn 4.000 người chưa đạt đang chờ thi lại.

Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã kê biên 6 thửa đất tại Tp.Biên Hòa của bị cáo Hòa, phần vốn góp 55% của bị cáo tại Công ty TNHH Phát triển giáo dục và dạy nghề 3T; kê biên 5 thửa đất của bị cáo và gia đình bị cáo Đặng Thái Hân (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn).

Đồng thời, phong tỏa tài khoản của Công ty TNHH Phát triển giáo dục và dạy nghề 3T và ngăn chặn giao dịch đối với 2 thửa đất khác của bị cáo Hòa đang trong quá trình chuyển nhượng.

Anh Trọng

Nguyễn Anh Trọng

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/loi-khai-bat-ngo-tu-cuu-giam-doc-trung-tam-day-nghe-lai-xe-sai-gon-204250410132900469.htm
Zalo