Lợi ích thiết thực từ mô hình nuôi cá tầm ở Đồn Biên phòng Bát Mọt
Nhờ được thiên nhiên ưu đãi với dòng nước mát lạnh từ ngọn núi cao chảy về quanh năm, Đồn Biên phòng Bát Mọt, BĐBP Thanh Hóa đã triển khai nuôi cá tầm cung cấp ra thị trường. Nhờ đó, đơn vị có nguồn quỹ ổn định để nâng cao chất lượng cuộc sống cho bộ đội, hỗ trợ nhân dân xóa đói giảm nghèo. Mô hình này đang thu hút người dân đến tham quan, học tập với mong muốn có thể áp dụng vào phát triển kinh tế hộ gia đình.
Đồn Biên phòng Bát Mọt đứng chân trên địa bàn xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, quanh năm chủ yếu mây mù bao phủ, nhiệt độ trung bình thấp, nhất là vào mùa đông. Điều kiện thiên nhiên, khí hậu khắc nghiệt đã đặt ra không ít thách thức cho cán bộ, chiến sĩ trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, cũng như sinh hoạt thường ngày. Trước thực tế đó, những người lính Biên phòng đã khắc phục khó khăn bám bản, dựa vào nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, đảm bảo an ninh trật tự địa bàn.
Năm 2024, Đồn Biên phòng Bát Mọt đã đạt được nhiều kết quả nổi bật như thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân địa phương; chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu cho cấp trên và chính quyền địa phương, phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý, giải quyết có hiệu quả các vụ việc xảy ra ở khu vực biên giới. Đồn Biên phòng Bát Mọt đã triển khai lực lượng nắm chắc địa bàn, kiên quyết đấu tranh bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp luật. Trong năm, đơn vị đã khởi tố 3 vụ/5 đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy, xử lý vi phạm hành chính 6 vụ/6 đối tượng, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 70 triệu đồng, vận động nhân dân giao nộp 21 khẩu súng tự chế các loại...
Cùng với nhiệm vụ chính trị, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu tổ chức thực hiện công tác tăng gia sản xuất đạt hiệu quả cao. Mỗi khi đến Đồn Biên phòng Bát Mọt, điều dễ nhận thấy trong khuôn viên đơn vị là một màu xanh của cây cối, khu tăng gia sản xuất với đầy đủ các loại rau, quả. Trong khuôn viên đơn vị có một số bể nước lạnh được sử dụng để nuôi loài cá tầm xuất xứ từ Liên bang Nga - một loại cá có giá trị kinh tế cao.
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Lê Anh Sơn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bát Mọt chia sẻ: “Ở đây có địa hình cao, dòng nước suối bắt nguồn từ đỉnh núi Khẹo chảy xuống địa bàn rất lạnh. Nhận thấy điều đó, từ nhiều năm trước, ngành nông nghiệp huyện Thường Xuân đã đầu tư xây dựng bể, hướng dẫn kỹ thuật để đơn vị nuôi thí điểm cá tầm. Sau khi nuôi thí điểm thành công, mỗi năm, chúng tôi nuôi khoảng 500 con cá tầm giống. Sau một năm, khi cá đạt 3-3,5kg/con thì xuất ra thị trường. Thu nhập từ việc bán cá, đơn vị có quỹ vốn để chăm lo đời sống cho bộ đội, nhất là vào dịp lễ, Tết. Cùng với đó, nguồn quỹ cũng được trích để mua cây, con giống tặng nhân dân phát triển kinh tế”.
Được biết, để hỗ trợ Đồn Biên phòng Bát Mọt nuôi thí điểm cá tầm, chính quyền địa phương đã đầu tư kinh phí xây dựng 1 bể chứa ở thượng nguồn dòng suối và đường ống dẫn nước về 3 bể nước nằm trong khuôn viên đơn vị.
Cùng với nhiệm vụ chuyên môn, Trung tá Phạm Văn Trí, cán bộ Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Bát Mọt được chỉ huy đơn vị giao trực tiếp phụ trách 3 bể nuôi cá tầm. Mỗi ngày, trước khi cho cá ăn, Trung tá Trí đều kiểm tra nhiệt độ nước trong bể. Khi được hỏi về nhiệm vụ này, anh cho biết: “Nuôi cá tầm đòi hỏi rất nhiều yếu tố, từ nguồn nước đến bể nuôi phải luôn sạch sẽ, cứ 2 ngày, chúng tôi phải dọn bể một lần. Điểm quyết định đến sự thành công là phải luôn chú ý đến nhiệt độ nước trong bể, nhiệt độ cao hoặc thấp hơn ngưỡng phù hợp (16 đến 25 độ C), cá sẽ bỏ ăn và ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng. Khi nhận thấy cá ăn kém, chúng tôi sẽ dừng cho thức ăn xuống bể, tránh lãng phí, gây ô nhiễm nguồn nước”.
Cũng theo Trung tá Trí, loài cá tầm khi còn bé cần cho ăn 3-4 lần/ngày, khi cá trưởng thành sẽ rút xuống 2 lần/ngày. Việc nuôi cá tầm ở Đồn Biên phòng Bát Mọt đều được giao cho một cán bộ phụ trách, trên cơ sở người làm trước truyền đạt kinh nghiệm cho người sau, cùng với đó là việc học hỏi kỹ thuật qua tài liệu hướng dẫn.
Sau nhiều năm, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng Bát Mọt đã nuôi thành công loài cá tầm tại địa bàn biên giới. Gần đây, đã có một số hộ dân đến tham quan mô hình, hướng tới việc nhân rộng để phát triển kinh tế. Trung tá Lê Anh Sơn khẳng định: “Cá tầm có giá trị kinh tế cao nhưng thực tế cho thấy, đây là loài khó nuôi, đầu tư vốn lớn, bỏ ra nhiều công sức. Nếu người dân có đủ khả năng, quyết tâm nuôi cá tầm, đơn vị sẽ cử cán bộ hỗ trợ về ngày công xây dựng bể, kỹ thuật chăm sóc”.