Lợi ích kép khi HTX tham gia giải quyết 'bài toán việc làm hậu xuất khẩu lao động'
Có một thực tế là rất nhiều lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về quê lại loay hoay tìm công việc để lập thân, lập nghiệp, trong khi đây là nguồn nhân lực được đánh giá là tiềm năng trong khởi nghiệp và phát triển mô hình HTX.
Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, 7 tháng đầu năm 2024, cả nước đã có hơn 90.000 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Xuất khẩu lao động về rồi làm gì?
Trong số các ngành nghề của các nước có nhu cầu hiện nay, lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp (đánh bắt và nuôi trồng thủy sản) hầu như ở thị trường nào cũng cần và có nhu cầu cao.
Đặc biệt, tại thị trường Nhật Bản, do già hóa dân số, chỉ có 3% lao động trên tổng số hơn 127 triệu dân nước này tham gia lĩnh vực nông nghiệp, từ đó nhu cầu nhập khẩu lao động nông nghiệp rất lớn, trung bình khoảng 2.000 người/năm.
Tuy nhiên, bài toán đặt ra là thời hạn đi lao động nước ngoài chỉ kéo dài 3-5 năm, và khi về nước, nhiều người rất khó tìm việc làm phù hợp.
Số liệu từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho thấy, tỷ lệ thực tập sinh Việt Nam về nước tìm được việc làm chỉ dừng ở mức 27%, thấp nhất trong khu vực. Còn đối với Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, con số này đều ở trên mức 50%.
Trước thực tế này, giới chuyên gia cho rằng, những người đi xuất khẩu lao động làm việc ở các lĩnh vực như xây dựng, công nghiệp, chăm sóc người già, cơ khí… khi về Việt Nam có thể khó tìm kiếm việc làm vì các kiến thức đã học không còn ứng dụng được, kinh nghiệm thực tế không có nên khó xin việc. Tuy nhiên, đối với những lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp lại khác.
Việt Nam là một đất nước nông nghiệp nên những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn họ học tập, bồi dưỡng từ thực tiễn các nước, khi trở về sẽ rất phù hợp để ứng dụng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, thông qua những mô hình tổ hợp tác, HTX, những lao động này hoàn toàn có thể trở về địa phương làm việc, khởi nghiệp mà không phải đi đâu xa.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, số lượng lao động chất lượng cao phục vụ ngành nông nghiệp tính đến nay chỉ chiếm 7,4% ở vùng Đông Nam Bộ và 2,21% ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Để giải bài toán thiếu lao động chất lượng cao ngành nông nghiệp nhưng nhiều người hậu xuất khẩu lao động khó tìm việc làm, Ts Vũ Ngọc Huyên, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng nếu như hàng chục năm về trước, mô hình HTX còn nặng tư tưởng kiểu cũ thì nay đã tạo ra sự cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường.
Việc khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua mô hình HTX tại địa phương sẽ giải quyết được bài toán lãng phí nguồn nhân lực đã được đào tạo và làm việc thực tế ở những môi trường nông nghiệp chất lượng cao như Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…
"Lấp khoảng trống" tiếp cận mô hình HTX
Vậy nhưng thực tiễn cho thấy, những người được đào tạo kỹ năng chất lượng cao, có thu nhập cao khi xuất khẩu lao động khi về nước thường ít biết đến mô hình HTX hoặc cho rằng làm nông nghiệp ở Việt Nam còn “khổ”, thu nhập thấp nên nhiều lao động “nản”, chấp nhận… thất nghiệp. Rất ít người lựa chọn HTX là nơi khởi nghiệp sau khi đi xuất khẩu lao động .
Thực trạng trên cho thấy, các kênh kết nối cung - cầu trong nước vẫn hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Hơn nữa, cũng chưa có chính sách cụ thể cho lao động xuất khẩu khi trở về quê hương để tận dụng kỹ năng, kinh nghiệm đã được đào tạo tại nước ngoài tham gia mô hình HTX.
Hiện, tại Luật Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mới chỉ nêu là khuyến khích các doanh nghiệp tiếp nhận tuyển dụng lao động về nước vào làm việc và khuyến khích tạo việc làm. Đến nay vẫn chưa có chính sách, quy định, cơ chế cụ thể để khuyến khích, thu hút người đi xuất khẩu lao động sau khi về nước tham gia mô hình kinh tế tập thể, HTX.
Nhiều địa phương cũng chưa phổ biến rộng rãi những ưu điểm, vai trò của mô hình kinh tế tập thể, HTX và những chính sách của Nhà nước về phát triển mô hình này để lao động hậu xuất khẩu có thể nắm bắt, tận dụng cơ hội khởi nghiệp.
Anh Lê Văn Tám, Giám đốc HTX Nông nghiệp Sông Hồng (Hà Nội), cho biết anh từng đi xuất khẩu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ở Hàn Quốc, rồi về Việt Nam khởi nghiệp từ mô hình HTX.
Tuy nhiên, phần lớn trước khi đến với HTX là đều do anh Tám tự mày mò, nghiên cứu về mô hình này. Rõ ràng, đây là khoảng trống không nhỏ trong vấn đề tiếp cận mô hình HTX để khởi nghiệp hậu xuất khẩu lao động của nhiều người. Trong khi phần lớn những lao động này đã có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp trong môi trường hiện đại, đã được đào tạo và có nguồn vốn nhất định đề đầu tư vào mô hình HTX theo chuỗi giá trị.
Ông Nguyễn Quốc Đam, Cán bộ cấp cao Tổ chức Di cư quốc tế, Cơ quan Di cư Liên Hợp quốc (OIM), cho biết, 30-40% lượng kiều hối là được gửi về cho các vùng nông thôn. Do đó, ngoài việc giới thiệu việc làm, kết nối việc làm cho những lao động này, cần ưu tiên hỗ trợ họ tiếp cận và khởi nghiệp, làm việc trong mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp hiện nay.
Trong đó, ngoài mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ thì mô hình tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX được coi là phù hợp hơn cả. Bởi những mô hình này có thể phát triển đa dạng trong các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, sơ chế chế biến thủy hải sản, chăn nuôi… Đây là lợi thế, thế mạnh của nhiều địa phương và cũng là những ngành nghề mà nhiều lao động được đào tạo.
Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích các ý tưởng, khả năng phát triển mô hình HTX từ những lao động này. Vì thực chất khi lao động tại các nước tiên tiến trên thế giới, họ đều phát triển theo mô hình HTX nên các lao động có thể vận dụng vào thực tiễn trong sản xuất, quản lý, kinh doanh, ứng dụng công nghệ để thúc đẩy mô hình HTX ở Việt Nam phát triển hiệu quả.
Ts Vũ Ngọc Huyên cho biết, theo Nghị quyết 26/NQ-CP về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Bộ NN&PTNT đã có đề án trình Chính phủ việc đưa lao động, thành viên HTX đi làm việc và học tập kinh nghiệm tại các nước có nền nông nghiệp phát triển. Ngoài ra, một số địa phương như TPHCM, Khánh Hòa, Lâm Đồng cũng đã làm tương tự. Sau khi lực lượng này làm việc trở về sẽ được ngành nông nghiệp, Liên minh HTX tỉnh, HTX đón nhận để giúp họ phát huy chuyên môn, tay nghề
Tuy nhiên, việc đưa lao động, thành viên HTX đi làm việc và học tập kinh nghiệm tại các nước có nền nông nghiệp phát triển của Bộ NN&PTNT mới đang được triển khai thí điểm ở một số địa phương. Do đó, cần tạo điều kiện để đẩy mạnh mô hình này trong thực tiễn để tạo nền tảng thu hút người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong ngành nông nghiệp trở về địa phương làm việc, khởi nghiệp thông qua mô hình HTX.