Lập nghiệp tại quê hương
Từng chọn đi xa nhưng nhiều bạn trẻ trên địa bàn tỉnh đã trở về khởi nghiệp tại quê nhà. Nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nhiều người đã thành công từ những tiềm năng, lợi thế, đặc sản riêng có của địa phương.
Mới đây, chúng tôi có dịp đến thăm xưởng sản xuất của Hợp tác xã (HTX) chè Kiên Thái Nguyên, do anh Nguyễn Hồng Kiên, sinh năm 1993, ở xóm Trung Tâm, xã Minh Tiến (Đại Từ) làm Giám đốc. Anh Kiên từng là nhân viên văn phòng có kinh nghiệm 10 năm làm việc tại Hà Nội, 3 năm làm việc tại TP. Thái Nguyên, nhưng xuất phát từ tình yêu với mảnh đất quê hương nên anh đã quyết định về quê lập nghiệp.
Anh Kiên chia sẻ: Nếu có niềm đam mê, khát khao mãnh liệt thì việc bắt đầu xây dựng sự nghiệp chưa bao giờ là muộn và làm ở đâu cũng không quan trọng. Xác định chè là cây trồng chủ lực của địa phương, với mong muốn góp phần quảng bá thương hiệu sản phẩm chè quê hương, sau một thời gian trở về quê, đầu năm 2024, tôi đã thành lập HTX chè Kiên Thái Nguyên với 7 thành viên.
Với thông điệp “Trà từ Tâm - Tín - Tử tế”, HTX chè Kiên Thái Nguyên đã cho ra đời những sản phẩm trà được đông đảo người tiêu dùng ủng hộ, tin dùng. Để nâng cao giá trị cây chè, anh Kiên luôn chịu khó học hỏi, mạnh dạn đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất.
Cùng với sự hỗ trợ của địa phương, anh đã chuẩn hóa các quy trình hấp, vò, sao... để các sản phẩm có chất lượng cao nhất. Những búp chè tươi non được hái với tiêu chuẩn “1 tôm, 2 lá”. Chè sau khi hái được thu mua về các xưởng và chế biến ngay trong ngày đã tạo ra sản phẩm chè chất lượng cao. Hiện nay, HTX có 9 dòng sản phẩm khác nhau từ trà móc câu đến tôm nõn hay trà đinh với giá bán trung bình từ 200 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/kg. Tại xưởng, HTX có 5-6 lao động làm thường xuyên, với mức lương 6-8 triệu đồng/tháng.
Anh Nguyễn Hồng Kiên: Xác định bán hàng qua các nền tảng online là chính nên tôi đã tạo nội dung hấp dẫn như video hướng dẫn pha chế, hình ảnh đẹp mắt về sản phẩm và câu chuyện về nguồn gốc cây chè, từ đó thu hút sự chú ý của khách hàng. Chương trình khuyến mãi, livestream bán hàng trực tiếp cũng là những chiến lược hiệu quả để tăng cường tương tác và tạo cảm giác gần gũi với người tiêu dùng. Mỗi tháng, HTX nhập 10-15 tấn chè tươi cho bà con; bán ra trung bình 30-50kg/ngày, các đơn hàng được giao dịch khắp cả nước.
Cũng chọn khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương, anh Chu Duy Tú, Bí thư Chi đoàn xóm Thành Tiến, xã Tràng Xá (Võ Nhai) không chỉ năng nổ, nhiệt tình với công tác Đoàn, anh còn tích cực phát triển kinh tế. Anh đã thành công với mô hình nuôi dúi sinh sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2013, sau quá trình rèn luyện trong quân ngũ, anh Tú trở về quê hương, bắt đầu phát triển kinh tế. Tận dụng đất vườn tạp của gia đình, anh chăn gà, nuôi lợn, bò, trâu, đào ao thả cá chép… để tăng thêm thu nhập. Cơ duyên với nghề nuôi dúi đến với anh trong một lần tình cờ xem được mô hình này trên truyền hình.
Sau khi tìm hiểu kiến thức thông qua sách, báo và mạng Internet, anh Tú xây dựng chuồng trại và nuôi 15 đôi dúi. Bên trong một căn nhà, chuồng dúi được thiết kế thành từng ô vuông nhỏ xây bằng gạch, bên trong có rơm lót sàn. Mỗi ô nhốt từ 1 đến 2 con dúi.
Anh Chu Duy Tú: Nuôi dúi không tốn nhiều diện tích, dúi con được 2,5 tháng thì nhốt sang chuồng riêng. Trung bình mỗi năm, dúi cái đẻ 4 lứa, mỗi lứa từ 2-4 con. Dúi xuất chuồng nặng trung bình khoảng 1,3kg/con, giá bán dao động từ 500-600 nghìn đồng/kg. Nuôi dúi không cần chi phí lớn nhưng vẫn mang lại nguồn thu ổn định.
Hiện nay, mỗi năm anh Tú duy trì nuôi trên dưới 500 con dúi. Thời gian tới, anh Tú dự định mở rộng mô hình nuôi dúi thương phẩm cung cấp ra thị trường. Cùng với nuôi dúi thương phẩm, anh còn nuôi thả 1.500 con cá chép, trắm, nheo trong ao và trồng 3ha rừng keo. Tổng nguồn thu của gia đình đạt khoảng 500 triệu đồng/năm.
Trên đây là hai trong số nhiều thanh niên đã mạnh dạn chuyển hướng về quê khởi nghiệp thành công. Từ thực tế có thể thấy, bức tranh về quê lập nghiệp, khởi nghiệp đang mở ra nhiều cơ hội cho các bạn trẻ.
Chị Nguyễn Thị Hải Yến, Phó trưởng ban phụ trách Ban phong trào Tỉnh đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh, cho biết: Để khích lệ phong trào khởi nghiệp trong thanh niên, thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh phát huy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Bên cạnh đó, định hướng cho thanh niên phát triển những sản phẩm tiềm năng, đặc sắc của quê hương; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên địa phương…