Lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, hàng giả có chiều hướng gia tăng
Không còn bó hẹp ở biên giới hay 'chợ đen', buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang diễn biến phức tạp, len lỏi vào thương mại điện tử, mạng xã hội và cả các cửa khẩu quốc tế. Dù hàng chục nghìn vụ vi phạm được xử lý nhưng thực tế cho thấy cuộc chiến này vẫn chưa có… hồi kết.

Lực lượng Công an bắt giữ các đối tượng cùng tang vật vụ án trong đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả ở Thanh hóa. Ảnh: Công an Thanh Hóa.
Những con số nhức nhối
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) 3 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 30.651 vụ việc vi phạm. Trong đó, đáng chú ý là sự gia tăng mạnh của các vụ buôn lậu, hàng cấm với 6.754 vụ việc, tăng 74,51% so với cùng kỳ. Lực lượng chức năng khởi tố hình sự 1.328 vụ (tăng 18,36% so với cùng kỳ), 2.046 đối tượng (tăng 21,35% so với cùng kỳ). Bên cạnh đó, thu nộp ngân sách nhà nước số tiền hơn 4.616,7 tỷ đồng, tăng hơn 59% so với cùng kỳ.
Chỉ riêng trong thời gian thực hiện Kế hoạch cao điểm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý 39.489 vụ việc vi phạm (tăng 27,42% so với cao điểm năm 2024). Trong đó, phát hiện, bắt giữ 3.558 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (tăng 44,46% so với cao điểm năm 2024); 34.272 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (tăng 134,85% so với cao điểm năm 2024); 1.659 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ (tăng 5% so với cao điểm năm 2024); khởi tố hình sự 1.506 vụ với 2.272 đối tượng; thu nộp ngân sách nhà nước khoảng 5.441 tỷ đồng, tăng hơn 87% so với cao điểm năm 2024.
Theo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia trong quý I/2025, trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, nổi lên hoạt động buôn lậu, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, pháo nổ, rượu, nguyên liệu thuốc lá, dược liệu, ngoại tệ, gia cầm giống, thực phẩm đông lạnh… qua biên giới các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Tuyến biên giới Việt Nam - Lào, nổi lên hoạt động buôn lậu, mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu, đường cát, quặng, vàng… qua biên giới các tỉnh Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum.
Các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại không còn bó hẹp ở các tỉnh biên giới mà hiện nay còn lan rộng ra các cảng biển, cảng hàng không. Tại các cửa khẩu hàng không quốc tế như: Tân Sơn Nhất, Nội Bài… nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển ma túy, tiền tệ… được phát hiện. Tại các tuyến biển, cảng biển, nổi lên hoạt động buôn lậu, mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ, vật liệu nổ, thuốc lá điếu ngoại, xăng, dầu, than, phân bón, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, thực phẩm đông lạnh, gia cầm giống…
Đối với địa bàn nội địa, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa vi phạm về nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa không hóa đơn, chứng từ… tiếp tục diễn ra trên hầu hết địa bàn trọng điểm các tỉnh, thành phố.
Bao giờ mới đến hồi kết?
Theo giới chuyên gia kinh tế, hệ lụy của buôn lậu và hàng giả không đơn thuần là thất thu ngân sách, mà nghiêm trọng hơn là đe dọa đến sức khỏe cộng đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp chân chính bị cạnh tranh không lành mạnh, mất thị phần và uy tín. Về lâu dài, sự tồn tại của hàng lậu, hàng giả khiến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị vô hiệu hóa, làm méo mó thị trường, và bào mòn nội lực nền kinh tế.
Tại Hội nghị giao ban quý I/2025 của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia vừa diễn ra, đại diện Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các ngành liên quan đã nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong thực thi nhiệm vụ như: Cơ chế chính sách chưa đồng bộ; đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển hàng cấm, kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng nhập lậu, hàng giả… hoạt động có tổ chức chặt chẽ, trên địa bàn rộng, liên tỉnh, liên khu vực, xuyên quốc gia. Phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Ngoài ra, hoạt động thương mại điện tử, mua bán qua trang mạng xã hội ngày càng phát triển, gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý của các lực lượng chức năng.
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương, chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh việc hiện đại hóa, ứng dụng thiết bị, công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đảm bảo phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả…
Luật sư Lê Ngọc Hoàng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Buôn lậu, hàng giả không chỉ là hành vi vi phạm hành chính, mà nhiều trường hợp đã chạm ngưỡng tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, có yếu tố rửa tiền, tẩu tán tài sản. Vì vậy, giải pháp không thể manh mún, hình thức hay đối phó. Chúng ta cần một cuộc tổng tiến công, từ pháp luật, công nghệ, điều phối liên ngành đến nâng cao ý thức cộng đồng, thì mới mong có được một mặt trận chống buôn lậu thực sự hiệu quả và bền vững.