Lối đi nào cho phát triển càphê sạch ở tỉnh cao nguyên Gia Lai?
Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Gia Lai không chú trọng tăng sản lượng càphê bằng cách mở rộng diện tích canh tác mà sẽ đi vào chế biến sâu, phát triển càphê đặc sản nhằm gia tăng giá trị.

Càphê Gia Lai từng bước khẳng định chất lượng, thương hiệu trên thị trường quốc tế. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)
Gia Lai là một trong những tỉnh có diện tích càphê lớn nhất cả nước với trên 105.805ha, năng suất bình quân là 33,2 tạ/ha, sản lượng đạt gần 315.320 tấn/năm.
Gia Lai đang từng bước phát triển ngành càphê theo hướng bền vững, đáp ứng các tiêu chí quốc tế nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu.
Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tỉnh Gia Lai không chú trọng tăng sản lượng càphê bằng cách mở rộng diện tích canh tác mà sẽ đi vào chế biến sâu, phát triển càphê đặc sản nhằm gia tăng giá trị.
Cây trồng chủ lực
Nhắc tới càphê Gia Lai, người ta thường nghĩ ngay đến càphê Robusta. Bén rễ Gia Lai từ cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, càphê Robusta đang dần trở thành đặc sản của mảnh đất này.
Vào đầu thế kỷ XX, càphê được trồng thử nghiệm ở một số tỉnh như Tuyên Quang, Lạng Sơn và Ninh Bình, Đắk Lắk. Và tới cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, cây càphê mới bắt đầu được trồng đại trà tại Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai.
Có 3 loại càphê là Liberica (càphê mít), Arabica (càphê chè) và Robusta (càphê vối) được người dân đưa vào trồng. Trong số này, càphê Robusta thích hợp hơn cả với thổ nhưỡng, khí hậu của Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, cho năng suất vượt trội nên được người dân tập trung phát triển, diện tích theo đó nhanh chóng tăng lên.

Diện tích trồng càphê tại Gia Lai. (Ảnh: TTXVN phát)
Điều đặc biệt để “định vị” càphê Robusta Gia Lai chính là lượng cafein vượt trội so với cà phê cùng loại trồng ở các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên
Hiện nay, càphê là cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai với diện tích hiện có trên 105.000ha trải rộng ở 10 huyện, thành phố, gần 60.000ha càphê được sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, 4C, organic.
Càphê Gia Lai chủ yếu là giống Robusta với năng suất hơn 3,9 tấn/ha, sản lượng hơn 400.000 tấn/năm.
Năm 2024, càphê tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu trong các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai với sản lượng 210.000 tấn, kim ngạch đạt 620 triệu USD, tăng 26,53% so với năm trước và thị trường xuất khẩu được mở rộng ra 50 quốc gia.
Vẫn còn nhiều thách thức
Mặc dù là cây trồng chủ lực, nhưng việc phát triển cây càphê ở Gia Lai nói riêng và ở Việt Nam nói chung phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Một trong những vấn đề quan trọng nhất là biến đổi khí hậu, đã gây ra sự thay đổi khôn lường trong môi trường trồng càphê, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của cây càphê. Nhiệt độ tăng và thay đổi mô hình mưa khiến cây càphê dễ bị sâu bệnh và mất màu sắc. Điều này tạo ra áp lực lớn đối với nông dân và doanh nghiệp càphê.
Cạnh tranh từ các loại cây trồng khác cũng là một vấn đề quan trọng. Nhiều nông dân đã chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như tiêu, điều, ca cao... Điều này đã khiến diện tích trồng càphê giảm đi, gây ra sự giảm năng suất và chất lượng trong ngành càphê.
Một thách thức khác là cần tái canh những cây càphê già cỗi. Nhiều diện tích càphê đã quá tuổi, việc duy trì trở nên khó khăn. Cây càphê già thường cho năng suất thấp hơn và chất lượng không được đảm bảo, làm giảm giá trị của sản phẩm.
Ngoài ra, chi phí sản xuất càphê đang tăng cao hơn trong khi giá càphê trên thị trường thế giới đang ở mức rất thấp. Điều này gây khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp càphê trong việc đầu tư và mở rộng sản xuất. Sự bất ổn trong giá cả và cán cân cung-cầu cũng ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và thu nhập của ngành càphê.
Thêm vào đó, ngành càphê Việt Nam đang phải đối mặt với rào cản từ các thị trường xuất khẩu chính. Sắc lệnh của EU về ngăn chặn nhập khẩu càphê có liên quan đến nạn chặt phá rừng đã tạo thêm áp lực và yêu cầu sự thay đổi trong việc quản lý sản xuất càphê.
Hướng tới đưa càphê sạch vươn ra thị trường quốc tế
Theo định hướng phát triển ngành càphê đến năm 2030 của tỉnh Gia Lai, các hợp tác xã và doanh nghiệp của Gia Lai sẽ tiếp tục mở rộng vùng canh tác đạt chứng nhận hữu cơ, Rainforest Alliance, Fair Trade, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ và các thị trường khó tính khác.
Để thực hiện mục tiêu này, ngành nông nghiệp địa phương đang phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ nông dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, đồng thời thúc đẩy công nghệ chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Càphê chín cho chất lượng vượt trội. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)
Theo ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, không chỉ Gia Lai mà cả Tây Nguyên cần có định hướng rõ ràng trong phát triển càphê sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và thế giới. Nếu không chuyển đổi kịp thời, nông dân sẽ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua chất lượng và giá trị thương hiệu.
Theo ông Có, để tạo ra sự thay đổi diện rộng, các hợp tác xã, doanh nghiệp và người dân cần phối hợp chặt chẽ, đảm bảo tính đồng bộ trong sản xuất, từ canh tác đến chế biến và tiêu thụ. Bên cạnh yếu tố kinh tế, càphê sạch còn mang ý nghĩa lớn đối với sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường.
Việc giảm thiểu hóa chất trong canh tác giúp duy trì hệ sinh thái đất, bảo vệ nguồn nước và tăng cường tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Người trồng càphê cũng cần tích cực nâng cao nhận thức về vai trò của sản xuất sạch, không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn vì trách nhiệm với cộng đồng.
Đáng chú ý, Gia Lai sẽ ưu tiên đẩy mạnh tái canh các vườn càphê già cỗi, sử dụng 100% giống càphê có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh. Thực hiện trồng xen canh cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm với những vùng trồng càphê tái canh có điều kiện.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển càphê đặc sản Việt Nam trên địa bàn. Đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu diện tích càphê vối đặc sản đạt khoảng hơn 2.340ha, sản lượng đạt 1.700 tấn.
Với những hướng đi bền vững, Gia Lai cũng phấn đấu đến năm 2030, trên 80% diện tích càphê đạt các tiêu chuẩn sản xuất (VietGAP, 4C, RA, FLO, C.A.F.E. Practices, Organic...) và trên 70% diện tích càphê được cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đồng thời, tỉnh cam kết sẽ thực hiện tốt quy định EUDR về phát triển ngành hàng càphê chống suy thoái rừng, phá rừng. Cụ thể những năm tới, Gia Lai sẽ tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư về lĩnh vực chế biến sâu sản phẩm càphê và phát triển hệ thống logistics.
Địa phương sẽ hỗ trợ người dân, hợp tác xã để chú trọng nâng tỷ lệ càphê thu hái đúng độ chín, đạt tiêu chuẩn chất lượng đạt 80-90%. Hạt càphê cần được đảm bảo sạch trong tất cả các khâu: thu hái, phơi sấy, sơ chế, bảo quản, cung cấp càphê nguyên liệu... để nâng cao chất lượng càphê xuất khẩu và tiêu thụ trong nước./.