Lời cảnh tỉnh sâu sắc

Vụ án đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với quy mô cực lớn vừa được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an triệt phá tại Hà Nội và các tỉnh lân cận đã gióng lên hồi chuông báo động về lương tâm con người và mặt trái của thị trường dinh dưỡng.

Kết quả điều tra cho biết, từ tháng 8-2021 đến nay, các đối tượng đã cấu kết thành lập 11 công ty để sản xuất, kinh doanh tới 573 nhãn hiệu sữa bột giả, thu về gần 500 tỷ đồng. Đáng nói là chúng nhắm vào những đối tượng khách hàng dễ bị tổn thương nhất như người bệnh tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, sinh thiếu tháng và phụ nữ có thai... Thông tin về vụ án khiến dư luận phẫn nộ và không khỏi rùng mình khi nghĩ về hậu quả khôn lường hoàn toàn có thể xảy ra.

Sữa bột, nhất là các sản phẩm sữa dành cho đối tượng đặc biệt, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp dinh dưỡng, hỗ trợ điều trị bệnh tật và phát triển thể chất, trí tuệ. Việc sử dụng sữa giả không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây ra những biến chứng sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng của những người bệnh, trẻ em và phụ nữ mang thai - những đối tượng vốn rất cần sự bảo vệ và chăm sóc đặc biệt.

Hành vi sản xuất hàng giả, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, là sự chà đạp lên lương tri, đạo đức và pháp luật. Nếu đúng như kết quả điều tra, các đối tượng đã lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng, sự thiếu thông tin và nhu cầu bức thiết của những người bệnh và gia đình họ để trục lợi bất chính. Việc tạo ra hàng trăm nhãn hiệu sữa giả cho thấy sự tinh vi, có tổ chức và mức độ đầu tư lớn của đường dây tội phạm này, đặt ra thách thức không nhỏ cho công tác quản lý thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Vụ án này tiếp tục cho thấy một lỗ hổng lớn trong công tác quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm dinh dưỡng. Sự tồn tại và hoạt động trong một thời gian dài của đường dây sản xuất sữa giả quy mô lớn này là một dấu hỏi lớn đối với các cơ quan chức năng. Liệu các quy trình kiểm tra, giám sát đã thực sự hiệu quả? Liệu đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành liên quan để ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng?

Trước thực trạng đáng báo động này, cần có những giải pháp cấp thiết và đồng bộ để phòng ngừa và ngăn chặn hiệu quả loại tội phạm nguy hiểm này. Các cơ quan quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành cần tăng cường tần suất và chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa bột và các sản phẩm dinh dưỡng khác. Cần tập trung vào việc kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm và các giấy tờ pháp lý liên quan. Đồng thời, cần xem xét và làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc để xảy ra tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả quy mô lớn trong thời gian dài. Cần có những biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý.

Vừa qua, trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ Công an đã đề xuất tăng mạnh mức chế tài đối với tội phạm về an toàn thực phẩm; trong đó có thể bị phạt tiền đến 3 tỷ đồng và án tù tối thiểu nâng từ 1 năm lên 3 năm, tối đa 20 năm. Đây là đề xuất rất đáng để cân nhắc nhằm tăng cường răn đe đối với loại tội phạm trục lợi bất nhân tính này.

Cùng với vụ án kẹo Kera vẫn còn nóng hổi, vụ án lần này tiếp tục là một lời cảnh tỉnh sâu sắc cho toàn xã hội. Chúng ta không thể thờ ơ trước những hành vi vô đạo đức, bất chấp pháp luật, đặt lợi nhuận lên trên sức khỏe và tính mạng của người dân. Cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cơ quan chức năng, sự chung tay của toàn xã hội để ngăn chặn tận gốc loại tội phạm nguy hiểm này, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi chính đáng của người dân, xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh và bền vững.

Quốc Bình

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/loi-canh-tinh-sau-sac-698944.html
Zalo