Sẽ tăng chế tài xử phạt, hạn chế hoạt động nghệ thuật khi người nổi tiếng, nghệ sĩ quảng cáo 'nổ'?
Hình ảnh nghệ sĩ, người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng... quảng cáo thuốc, thực phẩm, thực phẩm chức năng với những lời giới thiệu quá mức đang lan tràn trên mạng, nhằm tăng sự tin cậy của người dân...
Như Sức khỏe và Đời sống đã thông tin, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ngày 15/4 đã có văn bản gửi Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử; Cục Văn hóa cơ sở về việc phối hợp quản lý quảng cáo thực phẩm.
Tất cả các cá nhân vi phạm về quảng cáo đều phải bị xử phạt
Theo đó, Cục An toàn thực phẩm cho biết đã nhận được phản ánh một số người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đang quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm, đặc biệt quảng cáo gây hiểu nhầm sản phẩm có công dụng như thuốc chữa bệnh, gây nhầm lẫn về chất lượng.
Ngoài ra theo tìm hiểu có một số người mặc áo bluse xưng danh là bác sĩ, một số người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên mạng xã hội vi phạm quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng (như sữa).
Về vấn đề này, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định: Tất cả các cá nhân vi phạm đều phải bị xử phạt. Tuy nhiên tùy vào từng sản phẩm mà có quy định cụ thể phân cấp xử phạt.

Cục An toàn thực phẩm cho biết đã nhận được phản ánh một số người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đang quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm...
Quản lý và quảng cáo sữa là cơ quan chuyên môn của UBND các tỉnh thành. Như vừa rồi, vi phạm liên quan đến viên kẹo rau Kera của Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt bị phạt 125 triệu đồng, là do Thanh tra Sở An toàn thực phẩm TP HCM ra quyết định xử phạt.
Trong khi đó, với các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Cục An toàn thực phẩm có trách nhiệm xử phạt cơ sở kinh doanh, sản xuất khi có vi phạm.
Theo đó, quy định xử phạt được nêu rõ trong Nghị định của Chính phủ về xử lý vi phạm quảng cáo. Cơ quan quản lý trực tiếp sẽ đứng ra xử phạt tổ chức, cá nhân vi phạm quảng cáo, còn Cục An toàn thực phẩm sẽ xử lý vi phạm ở cơ sở sản xuất kinh doanh.
"Hình ảnh bác sĩ mặc áo bluse trong quảng cáo sữa, thực tế bất cứ ai cũng có thể mặc áo bluse để mạo danh; bác sĩ đã về hưu... và đó là cá nhân vi phạm và có quy định xử lý vi phạm"- đại diện lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm nói.
Đã phân cấp rõ chức năng nhiệm vụ trong thực hiện hậu kiểm
Đại diện lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cũng cho hay, theo phân cấp, vấn đề hậu kiểm là UBND các tỉnh, thành phố phụ trách. Nghị định 15 đã phân cấp toàn bộ từ tiếp nhận công bố, quảng cáo, kiểm tra thanh tra, xử lý vi phạm… đã phân cấp, thẩm quyền.
Trong nhiều trường hợp, khi có dấu hiệu nghiêm trọng, hoặc nhận được phản ánh, Cục cũng chuyển cho địa phương xử lý.
Việc công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm được quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018, theo đó, đa số các thực phẩm được tự công bố. Việc trao quyền công bố sản phẩm cho các doanh nghiệp để tạo thông thoáng trong thủ tục hành chính.
Khi công bố doanh nghiệp phải "cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về An toàn thực phẩm và hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ công bố và chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm đã công bố".
Quy định này nhằm gắn trách nhiệm trong tuân thủ các điều kiện đảm bảo An toàn thực phẩm và chịu trách nhiệm về an toàn sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh đã được quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 7 và điểm a Khoản 2 Điều 8 Luật An toàn thực phẩm
Nghị định cũng phân cấp rõ về quản lý. Tại khoản 8 Điều 40 Nghị định 15/2018/NĐ-CP nêu rõ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm "Tổ chức tiếp nhận và quản lý hồ sơ, cấp Giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi".
Khoản 1 Điều 40 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên phạm vi địa phương, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về an toàn thực phẩm tại địa phương; tổ chức xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo quy định; chịu trách nhiệm trước Chính phủ và trước pháp luật khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn
Hàng năm, Cục An toàn thực phẩm có các văn bản chỉ đạo Sở Y tế các địa phương, Sở An toàn thực phẩm TP HCM triển khai công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Việc tin theo các nội dung quảng cáo sai sự thật khiến người bệnh có thể bỏ qua giai đoạn điều trị khỏi bệnh

Việc tin theo các nội dung quảng cáo sai sự thật khiến người bệnh không đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh kịp thời, sẽ bỏ qua giai đoạn điều trị khỏi bệnh, không những tổn thất về kinh tế mà còn tổn hại tới sức khỏe. (Trong ảnh là sữa giả vừa bị cơ quan chức năng phát hiện).
Cục An toàn thực phẩm cho biết theo quy định của Bộ Y tế, thực phẩm chức năng hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ có tác dụng hỗ trợ, bổ sung dinh dưỡng chứ không có khả năng chữa bệnh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lợi dụng tâm lý muốn khỏi bệnh nhanh của người tiêu dùng để quảng cáo sai sự thật, thậm chí dùng cả người nổi tiếng để tăng độ tin cậy.
Những lời quảng cáo như "giúp khỏi bệnh hoàn toàn", "tác dụng nhanh chóng chỉ sau vài ngày", "bài thuốc gia truyền 100% tự nhiên"… đều là những dấu hiệu của quảng cáo thổi phồng.
Đáng lo ngại là không phải tất cả những lời quảng cáo ấy đều dựa trên cơ sở khoa học hay được kiểm chứng bởi cơ quan chức năng. Nhiều trường hợp, những nhân vật có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội đã "thổi phồng" công dụng của thực phẩm chức năng, khiến người tiêu dùng lầm tưởng về khả năng thật sự của sản phẩm. Trong khi thực tế, những kết quả ấy khó có thể đạt được chỉ dựa vào một sản phẩm đơn lẻ.
Hệ quả của những quảng cáo thổi phồng này không chỉ là sự thất vọng khi sản phẩm không như mong đợi, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khỏe.
Chưa kể, không ít sản phẩm được quảng cáo quá mức này có thể là hàng giả, hàng nhái, hoặc không rõ nguồn gốc, khiến người dùng càng thêm rủi ro
Theo Cục An toàn thực phẩm, hình ảnh nghệ sĩ, người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng hay người mặc áo bluse quảng cáo thuốc, thực phẩm, thực phẩm chức năng với những lời giới thiệu quá mức đang lan tràn trên mạng, nhằm tăng sự tin cậy của người dân, ảnh hưởng xấu đến ngành y tế.
Người tiêu dùng cần cảnh giác với các clip giới thiệu là bác sĩ, lương y, tư vấn bệnh, tư vấn dùng sản phẩm chữa bệnh. Người tiêu dùng cũng cần cảnh giác với các clip giới thiệu từng là các bệnh nhân, dùng sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể khỏi bệnh.
Việc tin theo các nội dung quảng cáo sai sự thật khiến người bệnh không đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh kịp thời, sẽ bỏ qua giai đoạn điều trị khỏi bệnh, không những tổn thất về kinh tế mà còn tổn hại tới sức khỏe.
Để tránh bị lừa bởi những quảng cáo sai sự thật, người dân cần: Tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm: Xem xét sản phẩm có được chứng nhận lưu hành của các cơ quan chức năng hay không?
Cùng đó không tin vào những quảng cáo quá đà: Không có sản phẩm nào có thể "chữa bách bệnh" hay mang lại kết quả thần kỳ trong vài ngày.
Đồng thời trước khi sử dụng thực phẩm chức năng, hãy tham khảo bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để đảm bảo phù hợp với sức khỏe của bạn; Chọn mua sản phẩm từ nguồn uy tín, tránh mua hàng trôi nổi trên mạng, đặc biệt là các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác đầy đủ....
Như Sức khỏe và Đời sống đã thông tin trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Hải Bình thông tin liên quan đến hoạt động quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội đối với người nổi tiếng, ca sĩ, nghệ sĩ.
Theo ông Lê Hải Bình, hiện nay Bộ VHTT&DL đang sửa đổi Luật Quảng cáo trong đó dự kiến bổ sung một số điều cụ thể liên quan tới người nổi tiếng, nghệ sĩ tham gia quảng cáo. Trong đó quy định mỗi người tham gia quảng cáo trên mạng phải chịu trách nhiệm trước luật pháp nói chung và Luật Quảng cáo nói riêng liên quan tới sản phẩm mình quảng cáo.
Đồng thời, người tham gia quảng cáo phải chịu trách nhiệm xác minh một cách minh bạch, cụ thể về sản phẩm mình đã quảng cáo.
Dự kiến trong nghị định để triển khai Luật Quảng cáo (sửa đổi) sẽ có những điều khoản cụ thể để điều chỉnh hoạt động của người nổi tiếng, nghệ sĩ tham gia quảng cáo trong đó tăng chế tài xử phạt, cấm quảng cáo hoặc hạn chế hoạt động nghệ thuật, xuất hiện trên truyền thông, mạng xã hội.
Song song đó, cần nâng cao nhận thức của người dân để có khả năng đánh giá thật/giả về nội dung quảng cáo cũng như nâng cao nhận thức của người nổi tiếng, người tham gia nghệ thuật để họ hiểu: Việc tham gia quảng cáo đồng nghĩa có khả năng phải đánh đổi uy tín, sự yêu mến của công chúng mà rất khó mới có thể có được.