Lời cảnh báo cho thị trường nhà Australia
Tình hình ít thuận lợi trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc là tin đặc biệt xấu đối với Australia, gây ảnh hưởng tới hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực mà Australia là nhà cung cấp chính.
Trang tin “ABC News” (Australia) vừa đăng bài viết cho biết hầu hết người dân Australia đều hiểu rằng vận mệnh kinh tế của đất nước họ gắn chặt với Trung Quốc. Thế nhưng, Australia đã sai lầm khi phớt lờ một số dấu hiệu cảnh báo quan trọng từ đối tác thương mại lớn nhất của mình. Không nơi nào điều này rõ ràng hơn là trong lĩnh vực bất động sản.
Tình hình khó khăn của thị trường bất động sản khổng lồ ở Trung Quốc đã trở thành tiêu đề của nhiều bài báo trong nhiều năm qua, khi một số nhà đầu tư bất động sản lớn nhất thế giới, đáng chú ý là Evergrande, sụp đổ vì phải gánh trên vai một núi nợ cùng nhiều ngôi nhà chưa bán hoặc chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, cần phải nói rằng, tình hình khó khăn của thị trường bất động sản này lẽ ra phải nhận được nhiều sự chú ý hơn ở Australia so với hiện tại.
Theo thông tin của tờ “Nhật báo Phố Wall” (Mỹ), một báo cáo của Ngân hàng Barclays ước tính tổng thiệt hại về tài sản do giá bất động sản của Trung Quốc gây ra cho đến nay là 18.000 tỷ USD, tương đương khoảng 60.000 USD cho mỗi hộ gia đình Trung Quốc. Còn đối với Australia, con số đó là gần 100.000 AUD (63.000 USD).
Đây là một thông tin đáng lo ngại ngay cả đối với hầu hết các hộ gia đình Australia - những hộ gia đình giàu có hơn gấp nhiều lần so với những hộ gia đình trung bình ở Trung Quốc. Con số này cũng lớn hơn so với tổn thất trực tiếp về tài sản của các hộ gia đình Mỹ từng phải hứng chịu sự sụp đổ của thị trường bất động sản ở Mỹ vốn đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Mọi việc dường như vẫn chưa kết thúc vì giá nhà vẫn có xu hướng giảm ở hầu hết các thành phố. Các nhà đầu tư bất động sản, vốn đang chịu ảnh hưởng bởi tình trạng doanh số bán nhà mới giảm trong nhiều năm, phải chờ khoảng 3 năm để có người mua căn hộ.
Ông Kenneth Rogoff, Giáo sư của trường Đại học Harvard và là cựu kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cùng đồng tác giả Yuanchen Yang của IMF lập luận rằng Trung Quốc đã xây dựng nhà (tính theo bình quân đầu người) nhiều hơn so với quốc gia phương Tây giàu có hơn, mặc dù phần lớn vẫn đang bỏ trống.
Tuy nhiên, Trung Quốc không chỉ xây quá nhiều nhà ở, mà nước này còn có rất nhiều cơ sở hạ tầng khổng lồ chưa được sử dụng hết công suất. Giáo sư Rogoff và đồng tác giả Yuanchen Yang ước tính xây dựng chiếm khoảng 31% sản lượng kinh tế của Trung Quốc năm 2021, lớn hơn 50% so với tỷ trọng xây dựng trong GDP của Mỹ.
Trong bối cảnh dân số ở độ tuổi lao động đang suy giảm, thật khó để thấy nguồn cung nhà ở dư thừa quá lớn này sẽ được xử lý như thế nào mà không làm giảm đáng kể lĩnh vực xây dựng và bất động sản nói chung.
Trong một bài báo năm 2020, Giáo sư Rogoff và đồng tác giả Yuanchen Yang đã tính toán rằng " quy mô khu vực bất động sản của Trung Quốc giảm 20% sẽ dẫn đến sản lượng giảm 5–10%, tích lũy trong nhiều năm, ngay cả khi không có khủng hoảng tài chính".
Tình hình khó khăn ở lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc là tin đặc biệt xấu đối với Australia, khi xây dựng căn hộ là ngành tiêu thụ thép chính - một sản phẩm mà Australia là nhà cung cấp chính cho 2 thành phần thô chủ yếu là quặng sắt và than cốc.
Giá quặng sắt hiện giảm xuống dưới 100 USD/một tấn, làm giảm thu nhập quốc dân và thuế của quốc gia, góp phần đẩy ngân sách liên bang trở lại tình trạng thâm hụt. Đồng AUD cũng là nạn nhân, giảm xuống dưới 62 xu Mỹ - mức chưa từng thấy ngoài các giai đoạn khủng hoảng kể từ đầu những năm 2000.
Nhà kinh tế học độc lập hàng đầu của Australia Chris Richardson đã tỏ ra quan ngại về tình trạng đầu tư bất động sản quá mức của Trung Quốc. Ông nhấn mạnh: "Trung Quốc đã xây dựng ồ ạt và vay nợ quá nhiều để làm điều đó. Đây là lý do tại sao thị trường bất động sản bắt đầu chậm lại vào năm 2022 và vẫn còn rất vấn đề còn tồn tại, đồng thời cảnh báo Australia nên chú ý đến những chính sách sắp tới của Mỹ khi Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Mặc dù một đợt thuế quan mạnh tay mới sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh tế của Trung Quốc, song nhà kinh tế Richardson cho rằng các vấn đề cơ bản bắt nguồn từ trong nước. Ông chỉ rõ: "Sự thay đổi nhân khẩu học rất đáng chú ý — Trung Quốc đang già đi nhanh chóng. Tỷ lệ sinh đã giảm mạnh, trong khi số người từ 65 tuổi trở lên sẽ đạt 300 triệu người trong năm 2025.
Tuy nhiên, ngoài những tác động trực tiếp đến một số mặt hàng xuất khẩu chính của Australia, tình hình khó khăn của thị trường bất động sản ở Trung Quốc có lẽ thúc đẩy Australia suy nghĩ lại về cuộc khủng hoảng bất động sản của mình. Cũng như Trung Quốc, giá bất động sản của Australia đã tăng vọt kể từ đầu những năm 1990.
Cũng như Trung Quốc, tỷ lệ giá nhà so với thu nhập và rào cản tiền gửi tại các thành phố lớn hiện đang là trở ngại đối với tất cả những người mua tiềm năng, ngoại trừ những người có thu nhập cực cao hoặc những người được gia đình hỗ trợ.
Cũng như Trung Quốc, nợ hộ gia đình của Australia đã tăng vọt. Trên thực tế, tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP của Australia gấp đôi so với Trung Quốc. Tuy nhiên, nợ chính phủ thấp hơn rất nhiều.
Thời gian sau này, người Australia sinh ít con hơn, trong đó chi phí nhà ở là một yếu tố chính góp phần làm giảm tỷ lệ sinh. Hiện tại, sự khác biệt chính và quan trọng là cuộc khủng hoảng của Australia vẫn là cuộc khủng hoảng giá cả tăng chứ không phải giá cả giảm (mặc dù có những dấu hiệu ban đầu cho thấy điều này đang thay đổi) và vấn đề là thiếu hụt nhà ở thay vì thừa cung. Tuy nhiên, xét về những khía cạnh khác, câu hỏi đặt ra là tình hình ở Australia có khác gì so với Mỹ, Ireland, Tây Ban Nha hay Nhật Bản hay không?
Lý do chính khiến Australia thiếu nhà ở so với tình trạng thừa cung của Trung Quốc là dân số của Australia vẫn đang tăng mạnh, nhờ vào di cư, trong khi Trung Quốc thì không. Như đã thấy trong thời kỳ COVID-19, nếu dòng người di cư bị chặn lại, phương trình cung cầu ở Australia sẽ thay đổi nhanh chóng và đáng kể. Trong trường hợp đó, cần phải có các biện pháp kích thích tiền tệ và tài khóa quyết liệt để biến dự báo về mức giá giảm từ 10-30% thành một đợt bùng nổ khác.
Tuy nhiên, tất cả các yếu tố đều có thể dẫn đến một sự sụp đổ nhà ở nếu điều đó xảy ra một lần nữa, và vì bất kỳ lý do gì, Ngân hàng Dự trữ cũng như Chính phủ Liên bang đều không thể can thiệp một cách quyết liệt như vậy nữa. Nguy cơ là tình hình khó khăn của thị trường bất động sản ở Trung Quốc có thể tạo ra chính những điều kiện để thúc đẩy cuộc sụp đổ của thị trường nhà đất Australia.