Cầu nối nông dân với doanh nghiệp và thị trường
Không được cấp kinh phí, không có trụ sở và cũng không có tư cách pháp nhân, vậy nhưng mô hình hoạt động Tổ khuyến nông cộng đồng đã và đang khẳng định tầm quan trọng trong liên kết, đồng hành với nông dân, sản xuất nông nghiệp. Hoạt động của mô hình nêu trên góp phần quan trọng giúp nông dân sắp xếp lại sản xuất theo định hướng phát triển bền vững, nâng cao thu nhập.
Là người tâm huyết với nông dân và công việc trên đồng ruộng, cuối năm 2022 nghe tin có chủ trương thành lập Tổ khuyến nông cộng đồng xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, ông Lò Văn Bun, cán bộ khuyến nông xã tự nguyện xin gia nhập tổ. Được các thành viên tín nhiệm, ông Lò Văn Bun kiêm Tổ trưởng Tổ khuyến nông cộng đồng xã Thanh Xương.
Ông cho biết: Tổ có 5 thành viên đều là cán bộ xã, bản kiêm nhiệm. Tuy mới thành lập được hai năm nhưng các thành viên trong tổ luôn tham gia mọi việc gắn với sản xuất nông nghiệp, chuyển giao khoa học-kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt đến nông dân.
Khi cơn bão số 2 (xảy ra vào cuối tháng 7/2024) làm úng ngập nhiều diện tích lúa của nông dân trong xã đến nỗi không thể khắc phục được, các thành viên Tổ khuyến nông cộng đồng xã Thanh Xương đã chủ động cập nhật số liệu, báo cáo và đề xuất Ủy ban nhân dân xã, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên hỗ trợ cây giống khác (đỗ, ngô) để nông dân trồng lại.
Nhờ đó, tuy sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nhưng thu nhập của người nông dân trên đồng ruộng vẫn bảo đảm. “Vất vả hơn là cùng một ruộng lại phải gieo trồng hai lần, nhưng vẫn có thu hoạch là nông dân vui rồi...”- ông Lò Văn Bun cho biết thêm.
Tại Hòa Bình, do ảnh hưởng cơn bão số 3, nhiều diện tích chanh leo trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Lương, huyện Yên Thủy bị sập giàn, ngập úng, nhiễm sâu bệnh…
Trước tình hình đó, thành viên Tổ khuyến nông cộng đồng Yên Thủy cùng cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình đã tăng cường kiểm tra, hướng dẫn người dân các biện pháp khắc phục kịp thời nhằm bảo đảm sản lượng và năng suất, chất lượng quả chanh leo.
Ông Đỗ Đức Trường, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình cho biết: Được khắc phục kịp thời, hơn 90% diện tích chanh leo của Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Lương đã bảo đảm năng suất, sản lượng trung bình đạt 40 tấn quả/ha.
Nói thêm về số lượng, hoạt động của các Tổ khuyến nông cộng đồng tại Hòa Bình, ông Đỗ Đức Trường cho biết: Chính bởi hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực cho sản xuất nông nghiệp, nông dân nên ban đầu (tháng 8/2022) toàn tỉnh chỉ có hai Tổ khuyến nông cộng đồng được thành lập ở hai huyện Lạc Sơn và Yên Thủy, nhưng đến nay toàn tỉnh đã có 39 cơ sở với sự tham gia của 249 thành viên.
Bà Chu Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Biên khẳng định: Công tác khuyến nông đóng vai trò rất quan trọng trong chuyển giao kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường.
Bởi vậy, dù thực hiện đổi mới tổ chức, tinh giản bộ máy song Điện Biên vẫn duy trì hệ thống khuyến nông, bao gồm: Trung tâm Khuyến nông cấp tỉnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, Tổ khuyến nông cộng đồng tại 115 xã (100% số xã trong toàn tỉnh) với gần 1.100 thành viên.
Để đội ngũ khuyến nông yên tâm làm việc, cống hiến, ngày 14/11/2024, Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên đã ban hành nghị quyết quy định số lượng, tiêu chuẩn, chế độ chính sách đối với khuyến nông viên cấp xã; theo đó, mỗi xã hay mỗi phường tại Điện Biên có hoạt động sản xuất nông nghiệp đều được bố trí một khuyến nông viên được hưởng phụ cấp bậc 1 theo trình độ đào tạo.
Tại buổi tọa đàm về hoạt động của mô hình này vừa được tổ chức tại tỉnh Điện Biên, ông Đỗ Phan Tuấn, Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) cho biết: Không chỉ thực hiện tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến nông dân, hỗ trợ phát triển hợp tác xã, chuyển đổi số, thời gian qua, rất nhiều Tổ khuyến nông cộng đồng ở các vùng trong cả nước còn khẳng định vai trò liên kết hỗ trợ nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn.
Điển hình như Tổ khuyến nông cộng đồng tại tỉnh Sơn La đã hỗ trợ, kết nối nông dân, hợp tác xã với Công ty DOVECO Sơn La tiêu thụ dứa quả cho nông dân huyện Yên Châu; kết nối với Công ty Nafoods Gia Lai, thương lái chợ Long Biên, Trung Quốc tiêu thụ hàng nghìn tấn chanh leo, na, xoài cho nông dân và các hợp tác xã.
Tổ khuyến nông cộng đồng tại tỉnh Kon Tum đã hỗ trợ kỹ thuật xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất cà-phê bền vững theo bộ quy tắc 4C và liên kết sản xuất với Công ty trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp với sự tham gia của hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum; phối hợp Công ty cổ phần Phân bón Bình Điển triển khai chương trình canh tác cà-phê thông minh thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Riêng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các Tổ khuyến nông cộng đồng đã triển khai nhiều hoạt động phục vụ Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao như: chuyển giao quy trình, kỹ thuật, công nghệ canh tác lúa giảm phát thải; hướng dẫn nông dân tổ chức lại sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã…
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã chia sẻ với khó khăn mà thành viên các Tổ khuyến nông cộng đồng trải qua. Ông cho biết: Trong điều kiện vừa xây dựng mô hình vừa nghiên cứu phương thức hoạt động; cơ sở vật chất hầu như không có gì; tư cách pháp nhân không có; nguồn lực, chế độ đãi ngộ đối với từng cá nhân và các Tổ khuyến nông cộng đồng cũng không, vậy nhưng mô hình Tổ khuyến nông cộng đồng đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, ngành và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và nhân dân, doanh nghiệp.
Minh chứng cụ thể là chỉ sau hai năm vừa thí điểm vừa thực hiện, cả nước đã có 57 tỉnh, thành phố thành lập được 5.141 Tổ khuyến nông cộng đồng thu hút sự tham gia của 47.293 thành viên đại diện cho lãnh đạo, công chức xã, các tổ chức hội, đoàn thể cùng nông dân, xã viên, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Kết quả hoạt động của khuyến nông cộng đồng thời gian qua là minh chứng thuyết phục khẳng định vai trò kết nối hệ thống khuyến nông với cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức chính trị-xã hội, nghề nghiệp nhằm hỗ trợ người nông dân tốt hơn trong việc tổ chức lại sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, các giải pháp hữu ích vào sản xuất, giúp cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.