Lội bờ 'săn' rau dại

Áo quần kín đáo, gọn ghẽ, chiếc nón trên đầu, khẩu trang bịt kín, trên tay là chiếc giỏ xách, bà Lê Thị Sen (Phú Lộc) cẩn thận tìm kiếm giữa trảng cát với những lùm cây cỏ rậm rạp, những công trình bỏ hoang.

 Bà Sen hái rau bát bát

Bà Sen hái rau bát bát

Kể về duyên nghề với rau dại, bà Sen nói: “Thật ra tôi xa quê làm ăn đã lâu. Khi lớn tuổi, phần vì nhớ, phần muốn sống thanh bình nên tôi chọn về quê sinh sống. Ở không thì buồn, lại thấy xung quanh nhiều rau mọc nên tôi hái bán, vừa tìm niềm vui mà cũng vừa có đồng ra đồng vào”.

Nơi bà Sen sinh sống có truyền thống canh tác nông nghiệp lâu đời. Nhiều hộ dân trồng các loại rau bán theo mùa như rau khoai, rau muống, rau dền, mùng tơi. Thế nhưng, giữa các loại rau màu thông thường ấy, giỏ rau dại của bà Sen vẫn rất được ưa chuộng vì lạ miệng, thơm ngon và đa dạng mùa nào thức nấy.

Bà Sen đã quen với công việc của mình mỗi ngày. Sau khi đi chợ về, bà trang bị áo quần và hái rau để sáng sớm ngày mai mang ra chợ bán. Trong bán kính vài cây số từ nơi ở, bà thuộc nằm lòng những nơi mọc các loại rau và cả mùa thu hái. Bà tỉ mỉ kể: “Những loại rau như lá lốt, rau ngót nhật, rau chọi, rau đắng, rau càng cua thường mọc nơi đất thấp, ẩm. Các loại rau dây leo như bát bát, lạc tiên lại ưa sáng hơn, vì vậy thường leo lên lùm bụi trên trảng cát, đồng đất hoặc những hàng rào lưới của những công trình. Lúc trời nắng, tôi thường hái rau buổi sáng, đậy lá chuối để rau tươi lâu. Những ngày trời mưa hoặc mát, tôi chuyển sang hái rau buổi chiều”.

Rau dại được thu hái quanh năm, nhưng thời điểm tươi tốt nhất là vào mùa thu và mùa xuân, khi thời tiết không quá khắc nghiệt. Trung bình mỗi buổi, bà Sen thu hái từ 3 – 4kg rau các loại. “Thời điểm này là thời điểm tốt nhất trong năm để thu hái rau. Vì mùa nắng rau thiếu nước nên ít phát triển. Khi mùa thu tới, lượng mưa và nắng vừa đủ, rau sẽ vừa tốt vừa ngon. Còn sau khi trời đổ mưa lớn hoặc trở lạnh, rau sẽ lụi dần vì thiếu nắng”, bà Sen cho biết thêm.

Những khu vực bà Sen hái rau đều được chọn lựa kỹ, vì là rau mọc tự nhiên nên rất sạch, không hề có phân thuốc hay hóa chất. Vì thế món rau của bà Sen thường “cháy hàng”. Không chỉ các bà nội trợ, những thương lái đều thích mua rau của bà để bán riêng lẻ hoặc trộn chung với các loại rau, tạo thành mớ rau tập tàng, từ đó tăng thêm giá trị cho các loại rau thường khác.

Cùng làm nghề hái rau dại ba năm nay, nhưng khác với bà Sen, bà Nguyễn Thị Sáu (Phú Vang) còn kiêm nghề buôn bán các đặc sản địa phương. Bà chia sẻ: “Trước đây tôi chỉ bán rau củ đơn thuần. Sau này, để tăng thêm thu nhập, tôi tìm kiếm và hái thêm các loại rau dại để hương vị rau tập tàng thơm ngon hơn, hút khách hơn”.

Những tưởng là công việc nhàn tản, thế nhưng bà Sen và bà Sáu vẫn có những vất vả riêng của nghề hái rau dại. Bà Sáu nhớ lại: “Năm ngoái khi tôi đang đi sát bờ mương rậm rạp nhiều cây bụi thì nghe tiếng ù ù như xay lúa. Cứ tưởng tai ù nhưng nhìn kỹ thì có ong bay lên. Té ra cách vài mét có tổ ong vò vẽ, may mà tôi đứng còn xa và kịp nghe tiếng ù để tránh qua chỗ khác”.

Ngoài ong, những người hái rau dại còn phải cẩn thận với các loại rắn, rết, muỗi, côn trùng. Thế nên họ thường trang bị áo quần vô cùng kỹ lưỡng khi tìm kiếm rau, nhất là các khu vực ẩm ướt, rậm rạp. Vất vả và kỳ công, giá rau dại thường cao hơn rau trồng từ 10 – 30%. Theo mùa, bà Sen và bà Sáu có thể thu được từ 25 – 40 nghìn đồng mỗi ký rau tùy loại.

Bài, ảnh: MAI HUẾ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/loi-bo-san-rau-dai-146921.html
Zalo