Đô thị Đông Hà, 95 năm một chặng đường phát triển

Những ngày này, đất trời Đông Hà đang chuyển mình trong một tâm thế mới, một tầm vóc mới và sức mạnh mới. Người dân Đông Hà đang hân hoan mừng vui khi thành phố được 'nâng cấp' lên đô loại II. Đây là thành quả của quá trình phấn đấu không ngừng, là kết tinh sức mạnh đoàn kết, ý chí vươn lên của Đảng bộ, quân và dân thành phố Đông Hà.

Vùng đất đậm chất sử thi

Theo các nguồn tư liệu và thư tịch cổ thì trước khi thuộc về người Việt (đầu thế kỷ XI và nửa đầu thế kỷ XIV), vùng đất Đông Hà hiện nay cơ bản là một phần của đất châu Ô (phía Nam sông Hiếu) và châu Ma Linh (phía Bắc sông Hiếu) của Vương quốc Chămpa.

Năm 1069, từ cuộc chinh phạt của quốc gia Đại Việt do vua Lý Thánh Tông và Lý Thường Kiệt cầm quân đánh vào Chà Bàn, bắt được vua Chăm là Chế Củ, đã dẫn tới một cuộc trao đổi “có một không hai” trong lịch sử khi vua Chăm giao vùng đất rộng lớn gồm 3 châu: Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh cho Đại Việt. Từ đây, một phần đất của Đông Hà hiện tại nằm phía Bắc sông Hiếu thuộc châu Ma Linh sáp nhập vào bản đồ Đại Việt.

Thành phố Đông Hà nhìn từ trên xuống - Ảnh: M.T

Thành phố Đông Hà nhìn từ trên xuống - Ảnh: M.T

Để hợp thức hóa lãnh thổ, năm 1075, nhà Lý cho đổi châu Ma Linh thành châu Minh Linh, đặt quan cai trị, chiêu mộ người dân đến khai thác. Từ năm 1306, dưới thời nhà Trần, nhờ cuộc tình duyên lịch sử giữa Công chúa Đại Việt là Huyền Trân với Quốc vương Chăm là Chế Mân mang lại cho dân tộc Việt một vùng đất hai châu Ô, Lý “vuông nghìn dặm” nên phần đất phía Nam Đông Hà hiện naychâu Ô của Chămpa thuộc về Đại Việt. Tháng giêng năm Đinh Mùi (1307), nhà Trần đổi châu Ô thành châu Thuận. Đông Hà hiện nay thuộc một phần của châu Minh Linh (phía Bắc sông Hiếu) và một phần của châu Thuận (phía Nam sông Hiếu).

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, đến năm 1929, Khâm sứ Trung kỳ kiêm Chủ tịch hội đồng Thượng thư triều đình Huế là Gia-bui-jơ (jabouille) ra Nghị định thành lập trung tâm đô thị Đông Hà (centre de dong-ha) và được Toàn quyền Đông Dương Pát-xki-ê (pasquier) ở Hà Nội chuẩn y vào ngày 6/11/1929.

Sau Cách mạng tháng Tám thắng lợi, chính quyền dân chủ nhân dân được thành lập, các huyện, thị trong toàn tỉnh tiến hành hiệp xã, bãi bỏ cấp tổng, sát nhập nhiều thôn, làng với nhau thành những xã lớn; đơn vị hành chính cấp tổng (cũ) bị bãi bỏ để thành lập đơn vị hành chính mới là cấp xã. Đến tháng 11/1945, hệ thống chính quyền từ huyện thị đến cơ sở được thiết lập, kiện toàn và đi vào hoạt động, lúc này toàn địa bàn Đông Hà có 7 xã và thị trấn Đông Hà.

Là người từng chiến đấu chống Mỹ trên mảnh đất Đông Hà từ trước năm 1972, Đại tá, CCB Nguyễn Minh Đức, 55 tuổi Đảng, trú tại Khu phố 9, phường Đông Lễ xúc động: “Trong chiến tranh, lúc ôm súng ngồi dưới hầm bí mật ở làng Cam Thủy, Cam Giang (nay thuộc địa bàn huyện Cam Lộ và phường Đông Giang, thành phố Đông Hà), chưa bao giờ người lính chúng tôi tưởng tượng được phố thị Đông Hà ngày hòa bình lại xây dựng to đẹp như hiện nay.

Ngay cả khi mới giải phóng năm 1972, chứng kiến một Đông Hà chi chít hố bom, nhà cửa ngổn ngang không còn nguyên vẹn. Lúc ấy đau đớn nghĩ rằng, quê hương mình bao giờ mới vực lại được. Vậy mà từ hoang tàn ấy, hôm nay, bộ mặt đô thị đã thực sự khang trang, được công nhận là đô thị loại II, chúng tôi rất phấn khởi và tự hào rằng, xương máu của mình và đồng đội đổ xuống không bao giờ uổng phí”.

Từ giữa năm 1967, khi phong trào đấu tranh của quân và dân Quảng Trị đang lên mạnh, vùng giải phóng được mở rộng, để tiện cho việc thống nhất chỉ đạo cách mạng, ngày 1/7/1967, thị xã Quảng Hà được thành lập với phạm vi bao gồm thị xã Quảng Trị, thị trấn Đông Hà. Từ năm 1969, thực hiện quyết định của Khu ủy Trị - Thiên, thị xã Quảng Hà tách thành hai thị xã: Quảng Trị và Đông Hà. Sau tháng 8/1972, một phần đất của tỉnh Quảng Trị từ phía Bắc sông Thạch Hãn trở ra được giải phóng.

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, Quảng Trị hình thành hai vùng: vùng giải phóng chiếm 85% đất đai, khoảng 13 vạn dân trong đó có Đông Hà, vùng tạm bị chiếm là 15% đất đai còn lại của tỉnh. Từ đó, Đông Hà được chọn làm tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị, là trung tâm chính trị, quân sự và ngoại giao của một tỉnh đầu tiên ở miền Nam được giải phóng.

Để làm tròn nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, xây dựng Đông Hà thực sự là trung tâm tỉnh lỵ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân cách mạng quyết định đề nghị Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) chuẩn y thành lập thị xã Đông Hà.

Trong thời gian chờ đợi, ngày 9/8/1973, Thường vụ Tỉnh ủy ra Quyết định số 823/QN tạm thời thành lập thị xã Đông Hà đặt dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của tỉnh. Ngày 15/8/1973, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Trị ra Quyết định số 71 thành lập thị xã Đông Hà với 3 tiểu khu (nguyên là 3 phường Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam), đây là mốc lịch sử rất quan trọng trên hành trình xây dựng và phát triển đô thị của Đông Hà.

Vươn lên từ đổ nát, hoang tàn

Sau năm 1972, Đông Hà bước ra khỏi cuộc chiến tranh từ một thị xã đổ nát, nhà cửa, phố xá, cơ sở hạ tầng bị hủy hoại và xuống cấp nghiêm trọng. Kinh tế, xã hội khó khăn, chậm phát triển, mất cân đối và chưa ổn định. Thêm vào đó, điều kiện tự nhiên, khí hậu thời tiết khắc nghiệt luôn luôn là mối đe dọa đối với cuộc sống người dân.

Tình hình đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc hàn gắn, khôi phục và phát triển kinh tế, xã hội của thị xã Đông Hà. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng nhiều phong trào cách mạng sôi nổi, Nhân dân Đông Hà đã vượt qua khó khăn, thiếu thốn, hy sinh, mất mát do hậu quả chiến tranh để lại, từng bước đẩy lùi đói nghèo, cải tạo và tái thiết quê hương.

Có thể nói Quyết định số 71 ngày 15/8/1973 của Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Trị về việc thành lập thị xã Đông Hà là một dấu mốc quan trọng trong quá trình hồi sinh và phát triển của vùng đất Đông Hà.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của một thị xã khu vực tỉnh Bình Trị Thiên (1986-1989) và từ giữa năm 1989 là thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, Nhân dân Đông Hà đã cùng với cả tỉnh thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển quê hương và đạt được những thành tựu lớn lao trên tất cả các lĩnh vực. Nền kinh tế của Đông Hà đã có những bước phát triển vượt bậc và luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế chung toàn tỉnh.

Tháng 12/2005, Đông Hà được công nhận là đô thị loại III, cũng từ đây bộ mặt đô thị không ngừng được khởi sắc, kinh tế, xã hội liên tục phát triển, đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện và nâng cao.

Sau hơn 50 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới và phát triển, thành phố Đông Hà ngày nay đã có những bước nhảy vọt đáng kể. Với những nỗ lực phấn đấu trong thời gian qua, ngày 11/8/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về thành lập thành phố Đông Hà trực thuộc tỉnh Quảng Trị. Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với thành phố Đông Hà nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trải qua nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, đến nay, thành phố Đông Hà-trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị gồm có 9 phường, diện tích tự nhiên là: 73,08 km2 ; dân số khoảng 164.228 người. Thực hiện Chương trình hành động và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đông Hà lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm là “Tập trung huy động các nguồn lực xây dựng Đông Hà sớm đạt đô thị loại II, từng bước trở thành thành phố thông minh”, thành phố Đông Hà đã và đang xây dựng, triển khai thực hiện nhiều đề án quan trọng như: Đề án phát triển nông nghiệp đô thị, Đề án phát triển hạ tầng kỹ thuật vùng vành đai thành phố, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đông Hà đến năm 2045.

Mặt khác nhằm hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước của thành phố Đông Hà và phục vụ dịch vụ tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, cải cách hành chính phục vụ sự phát triển kinh tếxã hội của thành phố, thành phố đã tập trung chỉ đạo triển khai xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh và đã đi vào hoạt động ngày 24/12/2020.

Theo kế hoạch của Thành ủy Đông Hà, mục tiêu đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 nhằm nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp của thành phố; phát triển mạnh kinh tế số và xã hội số; hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố kết hợp với từng bước xây dựng đô thị thông minh.

Trong đó, định hướng xây dựng thành phố Đông Hà mang đậm nét mô hình “thành phố bên sông”, lấy sông Hiếu làm trục trung tâm, phát triển đô thị theo hướng mở rộng về phía Bắc và Đông Bắc; triển khai “Xây dựng văn minh đô thị” hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố “giàu đẹp văn minh, thân thiện nghĩa tình”.

Một giai đoạn mới đang mở ra với thành phố Đông Hà phát triển theo hướng đô thị hiện đại, xây dựng văn minh kết hợp với giữ gìn bản sắc riêng của thành phố năng động, khẳng định vai trò là trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; đầu mối giao thông, giao lưu trong tỉnh, khu vực và cả nước...

19 năm phấn đấu đạt đô thị loại II

Từ đô thị loại III, sau 19 năm nỗ lực xây dựng phát triển, ngày 8/8/2024, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 813/QĐ-TTg công nhận thành phố Đông Hà là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Quảng Trị. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao vị thế, thúc đẩy sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đồng bộ với phát triển hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, bền vững, góp phần tạo động lực lan tỏa đến hệ thống đô thị của tỉnh và hệ thống đô thị vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Đồng thời, đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Quảng Trị và thành phố Đông Hà sau nhiều năm nỗ lực, phấn đấu.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng đô thị, thành phố Đông Hà đã xác định được các nhóm tiêu chuẩn làm cơ sở xây dựng chương trình, kế hoạch nâng cao chất lượng đô thị từ nay đến năm 2045.

Ưu tiên mở rộng và đầu tư phát triển các cụm công nghiệp, đặc biệt là các ngành nghề có giá trị cao và thân thiện môi trường, tạo điều kiện để thu hút nguồn lao động trong và ngoài thành phố. Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, “Lấy đô thị nuôi đô thị”, thành phố huy động sức mạnh của cộng đồng theo hướng xã hội hóa, chủ động xây dựng các dự án để tranh thủ các nguồn vốn trong và ngoài nước để xây dựng kết cấu hạ tầng. Cùng với quy hoạch phát triển đô thị là những điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan như: công viên Lê Duẩn, công viên Fidel, khu lâm viên cọ dầu... đã góp phần tạo nên không gian xanh trong lòng thành phố.

Chắc chắn rằng, với tầm nhìn mới mẻ, cách làm sáng tạo, quyết liệt, Đông Hà sẽ mang diện mạo của đô thị sinh thái xanh, đô thị thông minh. Con người được hưởng thụ ưu đãi thiên nhiên ban tặng, nơi có các nguồn tài nguyên được quy hoạch sử dụng lâu bền cho người dân, nơi các giá trị sinh thái nhân văn, lịch sử cần được bảo tồn để phát triển bền vững. Đô thị Đông Hà sẽ mang hào khí của một vùng đất thiêng liêng, nghĩa tình, ngập tràn hơi thở cuộc sống phồn vinh, hiện đại.

Minh Tuấn

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/do-thi-dong-ha-95-nam-mot-chang-duong-phat-trien-188964.htm
Zalo